(GLO)- Những năm gần đây, huyện Ia Pa thường xuyên chịu nắng hạn gay gắt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Vì thế, vụ Đông Xuân năm nay, huyện đã chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống hạn để tránh thiệt hại và đảm bảo về năng suất, sản lượng của các loại cây trồng, nhất là cây lúa.
Sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới để chống hạn cho lúa Đông Xuân. Ảnh: Đ.P |
Vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện Ia Pa gieo trồng được 9.273 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước hơn 3.000 ha. Nếu như các năm trước, thời điểm giữa tháng 3 này, nhiều cánh đồng ở các xã Chư Răng, Kim Tân, Pờ Tó và 4 xã phía Đông sông Ba đã cạn kiệt nước, lúa Đông Xuân đã bị khô, chết cục bộ, thì năm nay hầu hết cánh đồng vẫn đang xanh tốt. Để được như thế, ngoài nguyên nhân cuối năm ngoái mùa mưa lũ đến muộn, lượng nước trên bề mặt đất còn nhiều thì Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa đã chỉ đạo UBND các xã và các hợp tác xã vận động người dân chủ động xuống giống sớm chừng 1 tháng; đồng thời, khuyến cáo người dân gieo sạ các giống lúa có thời gian sinh trưởng trung bình và ngắn ngày (90-115 ngày) như: ML 48, ML 49, ML 4900, TH6 để tránh hạn vào cuối vụ.
Lội bì bõm để nhổ mấy cây cỏ dại dưới đám ruộng đang trổ bông ở cánh đồng thôn Bình Tây, chị Nguyễn Thị Nga (xã Chư Drăng, huyện Ia Pa) phấn khởi nói: “Nhờ cuối năm ngoái có mấy trận mưa nên tôi tranh thủ sạ lúa sớm và tập trung chăm sóc. Bây giờ lúa đã bắt đầu trổ bông, tôi dẫn nước tưới đầy đủ. Năm nay may mà chưa có dịch bệnh gì nên hy vọng vụ Đông Xuân sẽ được mùa.”
Hiện nay, ngoài công trình thủy lợi Ayun Hạ phục vụ tưới cho hơn 1.500 ha lúa nước ở xã Ia Trôk và Ia Ma Rơn thì trên địa bàn huyện Ia Pa có 15 trạm bơm điện với năng lực tưới khoảng 1.400 ha; trong đó chủ yếu là lúa nước và rau, màu. Như vậy, tính tổng thể thì các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện mới chỉ đáp ứng nước tưới cho khoảng 30% diện tích cây trồng vụ Đông Xuân. Do đó, mặc dù lượng nước cuối năm ngoái nhiều nhưng ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai nhiều biện pháp để phòng-chống hạn cho các loại cây trồng vụ Đông Xuân cũng như đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất cả năm.
Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, cho hay: “Cùng với việc thay đổi lịch thời vụ gieo sạ sớm hơn các năm thì huyện đã triển khai mạnh mẽ việc xây dựng hệ thống kênh mương, gia cố, nâng công suất các trạm bơm điện để phát huy tốt hiệu quả các công trình thủy lợi, phục vụ tưới cho vụ Đông Xuân. Bằng các nguồn vốn khác nhau, huyện đã huy động hơn 12,7 tỷ đồng để kiên cố hóa 12 km kênh mương nội đồng, sửa chữa, thay thế 2 tổ máy trạm bơm điện Kim Tân 1, thay thế 2 cầu máng ống thép trạm bơm điện Kim Tân 1 và Chư Mố 2, đắp đập chặn dòng suối Đak Pi Hao giữ đủ nước tưới cho trạm bơm điện Pờ Tó, Chư Răng… Đồng thời, huyện vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với Nhà nước, người dân cũng đã tự giác khoan gần 300 giếng để chủ động nước tưới cho cây trồng”.
Bên cạnh đó, đối với 20 ha đất ở vị trí cuối vùng tưới, diện tích trên cao không chủ động được nước tưới thường bị khô hạn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng khác không cần nước tưới nhiều để tránh thiệt hại và đảm bảo nguồn thu nhập như: bắp, mè, đậu xanh…
Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống hạn mà hiện nay, các loại cây trồng vụ Đông Xuân 2016-2017 ở huyện Ia Pa đang sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó, có một số ít diện tích lúa trà sớm đã chín, bà con đang tiến hành thu hoạch, dự kiến năng suất khoảng 6,5 tấn/ha.
Đức Phương