'Huyền thoại sống' phẫu thuật thành công 100%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kể từ lúc đích thân thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam (năm 2004), GS-BS Masatoshi Makuuchi (73 tuổi), 'huyền thoại sống' về ghép tạng thế giới mới trở lại Việt Nam.
Giáo sư Masatoshi Makuuchi thực hiện phẫu thuật cắt khối tá tràng đầu tụy tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng ngày 23.7 ẢNH: AN DY
Giáo sư Masatoshi Makuuchi thực hiện phẫu thuật cắt khối tá tràng đầu tụy tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng ngày 23.7 ẢNH: AN DY
14 năm trước, GS Makuuchi, khi ấy đã ở trên đỉnh cao vinh quang với nhiều phương pháp phẫu thuật mang tên mình, đã đến Việt Nam để ghép gan cho bé Nguyễn Thị Diệp (9 tuổi, người Nam Định), do ba ruột của bé hiến tặng. GS Makuuchi đã cùng các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 trải qua 17 giờ phẫu thuật liên tục để ca ghép được thành công, mang lại sự sống cho bé.
Trở lại Việt Nam lần này, GS Makuuchi bày tỏ nguyện vọng muốn phối hợp với các bệnh viện, các trường đào tạo y khoa chia sẻ kỹ thuật phẫu thuật gan, mật, tụy, kỹ thuật ghép gan, là thế mạnh chuyên môn của ông trong nhiều thập niên qua tại Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Đại gia đình phẫu thuật đỉnh cao
GS Makuuchi lớn lên trong một gia đình có truyền thống phẫu thuật ngoại khoa danh tiếng ở Nhật Bản giữa thế kỷ 20. Cha ông là một bác sĩ tài danh trong lĩnh vực phẫu thuật, đặc biệt là tiết niệu, anh trai ông là giáo sư đầu ngành về phẫu thuật thực quản, em trai là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tim mạch. Chính dòng máu phẫu thuật truyền thống của gia đình, niềm tự hào gia tộc đã hun đúc nên một “huyền thoại sống” về phẫu thuật gan, mật, tụy với cái tâm thế tuyệt đối bất bại.
Tận mắt quan sát vị giáo sư ở tuổi 73, tẩn mẩn tỉ mỉ hơn 8 giờ liên tục để phẫu thuật cắt khối tá tràng đầu tụy cho một bệnh nhân người Việt (quê Lâm Đồng), sẽ thấy ông thực sự là con người của phẫu thuật. Dù đã ngoài 70 nhưng bàn tay, ánh mắt ông đặc biệt linh hoạt và tinh anh khi ánh đèn phòng mổ bật lên, gợi nhớ đến hình ảnh những bác sĩ Nhật ở thập niên 1970, cẩn trọng và thầm lặng, trong tác phẩm Đèn không hắt bóng của nhà văn Nhật Junhichi Watanabe.
Cũng với sự cẩn trọng và thầm lặng ấy, GS Makuuchi không lẫn vào đâu được trong từng ca phẫu thuật, bởi với ông, trong mỗi động tác ông làm từ bóc tách, thắt buộc, bộc lộ từng phần cấu trúc được cân nhắc, xử lý cắt bỏ phải là điều tốt nhất đối với bệnh nhân của mình. Triết lý phẫu thuật đó của GS Makuuchi chính là kim chỉ nam đối với các thế hệ học trò của ông trên khắp thế giới.
Chỉ đứng yên một chỗ và phẫu thuật, vị bác sĩ người Nhật không hề biết đến xung quanh. Suốt 8 giờ đứng bên ngoài cửa phòng mổ, nhìn bàn tay GS Makuuchi chậm rãi và tập trung, tôi thực sự ngưỡng mộ sức làm việc của ông khi ở tuổi ngoài 70. Học trò ruột của ông, BS Keiji Sano, Bệnh viện Trường ĐH Teikyo (Nhật Bản), người luôn đồng hành cùng ông trong những cuộc phẫu thuật, cho biết đỉnh cao phẫu thuật của GS Makuuchi là một ca ghép gan đặc biệt, lấy gan từ người sống ghép cho bệnh nhân, lên đến hơn 30 tiếng đồng hồ liên tục không nghỉ ngơi.
Giáo sư Masatoshi Makuuchi ẢNH: AN DY
Giáo sư Masatoshi Makuuchi ẢNH: AN DY
Triết lý phẫu thuật thành công 100%
Đó là triết lý phẫu thuật đặc biệt của GS Makuuchi khiến giới y khoa Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung ngưỡng mộ. “Chưa có bệnh nhân nào mất dưới bàn tay phẫu thuật của thầy tôi”. Đó là một xác nhận khá vụng về do bất đồng ngôn ngữ, từ người học trò Sano, nhưng trên hết thảy, điều này có nghĩa là gần 5.000 ca phẫu thuật GS Makuuchi thực hiện trong đời, ở lĩnh vực gan, mật, tụy đều có tỷ lệ thành công 100%. GS Sano cho biết, với GS Makuuchi, 99% thì không thể gọi là thành công được. Và đây là con số “ám ảnh” đối với những học trò ruột của ông, là áp lực để họ luôn nỗ lực làm tốt nhất có thể.
Nỗ lực làm tốt nhất có thể còn bao hàm cả việc GS Makuuchi chưa từng từ chối bất kỳ bệnh nhân nào đến với mình, vì bất kỳ điều gì. “Nếu không thể phẫu thuật sẽ phải tìm phương pháp tốt nhất cho họ. Luôn làm hết sức, nghiên cứu hết sức vì bệnh nhân”, GS Sano, một bậc thầy về phẫu thuật gan, mật, tụy của Nhật Bản và thế giới, cũng là học trò “chân truyền” suốt hơn 20 năm qua của GS Makuuchi thốt lên đầy cảm kích. Theo GS Sano, các thế hệ học trò của GS Makuuchi trên khắp thế giới đều học được từ thầy không chỉ kỹ thuật phẫu thuật , kiến thức... mà còn là phương pháp, thái độ nghiên cứu khoa học, phát kiến trong phẫu thuật, để đi đến kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.
Để có được tỷ lệ thành công tuyệt đối này, GS Makuuchi chia sẻ bốn nguyên tắc mà ông tuân thủ trong hơn nửa thế kỷ phẫu thuật của mình. Thứ nhất là không từ bỏ bệnh nhân vì bất kỳ lý do gì; thứ hai là luôn cẩn trọng với mỗi cơ thể bệnh; thứ ba là luôn ân cần, gần gũi với bệnh nhân, để thực sự hiểu bệnh, hiểu thói quen sống và phân tích nguyên nhân bệnh; và cuối cùng là luôn làm một cách chậm rãi và tốt nhất đến mức hoàn hảo, trong mọi tình huống. Chứng minh điều này, GS Sano cho biết, có lần, GS Makuuchi cẩn trọng giải quyết và bóc bỏ khỏi cơ thể bệnh nhân hơn 200 khối u thần kinh nội tiết ở ổ bụng trong hàng mấy chục giờ liền. “Chúng tôi thực sự kính nể tinh thần phẫu thuật của giáo sư, ông được mệnh danh là con người của phòng phẫu thuật...”, GS Sano trầm ngâm chia sẻ về “huyền thoại sống” của đời mình.
Phát triển kỹ thuật ghép gan tại Việt Nam
Theo GS Makuuchi, bệnh nhân gan ở Việt Nam quá nhiều, do thói quen sinh hoạt không tích cực, vì môi trường sống, điều kiện sống... Vì vậy, ông luôn muốn phát triển kỹ thuật ghép gan ở đây để có thể giúp được nhiều người. Nhưng quan trọng hơn cả, ông đặc biệt yêu quý đất nước này.
Ở ca phẫu thuật thực hiện tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ông mời các y bác sĩ chuyên khoa ngoại tiêu hóa đến từ nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng tham gia, để tận mắt xem ông thực hiện những kỹ thuật phẫu thuật đặc biệt của riêng mình. “Điều mà chúng tôi học được từ GS Makuuchi chính là tinh thần tỉ mỉ, thận trọng tuyệt đối đối với các cấu trúc bị cắt bỏ, không thể tùy tiện đối với bất cứ phần cơ thể nào của bệnh nhân. Đồng thời cũng là dịp để chúng tôi hoàn thiện thêm kỹ thuật phẫu thuật, ứng dụng vào rất nhiều ca phẫu thuật khác. Và cũng để hiểu vì sao ông được mệnh danh là người chưa một lần phẫu thuật thất bại”, Th.S-BS Nguyễn Ngọc Sơn (Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng), người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cùng GS Makuuchi, chia sẻ.
Bác sĩ đầu tiên trên thế giới ghép gan từ người cho sống
GS Makuuchi học y khoa ở ĐH Tokyo. Nhờ say mê nghiên cứu lâm sàng và trau dồi học thuật, năm 33 tuổi ông trở thành Trưởng khoa Phẫu thuật của Bệnh viện ung thư quốc gia Tokyo (Nhật Bản). Đến năm 43 tuổi, ông nhận chức danh giáo sư và chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ĐH Shinshu (Nhật Bản). Bốn năm sau (năm 1993) ông trở thành người đầu tiên trên thế giới ghép thành công gan từ người cho sống. Năm 1997, ông giữ vị trí Giám đốc Trung tâm nhân tạo và cấy ghép, Giám đốc Khoa Phẫu thuật Bệnh viện ĐH Tokyo và Giám đốc dịch vụ cấy ghép nội tạng. Năm 2006, GS Makuuchi là Giám đốc Bệnh viện Chữ thập đỏ Nhật Bản và phát triển cấy ghép gan của người hiến tạng sống.

An Dy (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.