Hội thảo Vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động tái chế rác thải nhựa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 1-12, tại TP. Pleiku, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với Trung tâm Giáo dục và phát triển (CED) và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo "Vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động tái chế rác thải nhựa.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 60 đại biểu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, VCCI Đà Nẵng, một số sở, ngành của tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh, Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang-Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhấn mạnh, thời gian qua, vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững được Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, trong đó, có vấn đề giảm xả thải, xử lý, tái chế rác thải nhựa. Tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, vấn đề thu gom, xử lý rác thải nhựa cũng đã được sự quan tâm của các sở, ban, ngành của tỉnh, của cộng đồng và doanh nghiệp bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, thành lập các câu lạc bộ, mô hình về hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Tuy nhiên, việc xử lý, tái chế rác thải nhựa vẫn còn gặp nhiều tồn tại và đây là vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, hội thảo nhằm cung cấp kiến thức giúp các doanh nghiệp chuẩn bị phương án quản lý, xử lý rác thải nhựa hiệu quả, hướng tới sản xuất và kinh doanh bền vững; bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, đồng thời cân bằng lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.

Các đại biểu dự Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: Nhật Hào

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe ông Nguyễn Thi-chuyên viên chính Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình bày các Quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu và lộ trình thực hiện với các doanh nghiệp, các chính sách thúc đẩy hoạt động tái chế nhựa và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa; bà Tô Kim Liên-Giám đốc CED trình bày về mô hình thực tế triển khai thu gom rác thải nhựa tại trường học của dự án; ông Trần Văn Hiếu-Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam trình bày kinh nghiệm thu gom, tái chế và xử lý rác thải nhựa sinh hoạt, thách thức và nhu cầu hỗ trợ từ phía chính quyền hoặc các doanh nghiệp, cộng đồng.

Đại biểu dự Hội thảo ý kiến các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, giải pháp phân loại, xử lý, tái chế rác thải nhựa.
Đại biểu dự Hội thảo ý kiến các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, giải pháp phân loại, xử lý, tái chế rác thải nhựa. Ảnh: Nhật Hào

Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu còn tọa đàm về vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong việc tái chế rác thải nhựa và bảo vệ môi trường; các sáng chế thu gom rác thải tại cộng đồng và doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình đó như thế nào; chia sẻ các kinh nghiệm; cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tái chế hoặc tham gia vào hoạt động tái chế bằng các hình thức khác nhau. Chế độ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm nhựa tái chế, quy chế hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm có hàm lượng nhựa tái chế; các chế tài đối với hành vi không thu gom, phân loại rác thải; việc xử lý rác thải…

NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.