Hồi sinh ở làng 'bệnh lạ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn một thập kỷ liên tiếp bị 'bệnh lạ' bủa vây, Làng Rêu (xã miền núi Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) giờ đã bình yên, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, những mái nhà kiên cố mọc lên, con đường vào làng được bê tông hóa, cánh đồng ruộng lúa xanh mướt thay cho những thửa ruộng vốn bị bỏ hoang ngày nào...

Ký ức đau lòng

Cách đây hơn 12 năm, Làng Rêu xuất hiện một căn bệnh quái ác được gọi là "bệnh lạ" khiến hàng chục người tử vong. Nỗi lo lắng, sợ hãi luôn thường trực với người dân nơi đây khi mỗi ngày lại có thêm người mắc bệnh, chết chóc, nhiều người phải bỏ làng, những đứa trẻ bỏ học, nương rẫy bỏ hoang không ai cày cấy…

Chỉ trong 3 năm 2011 - 2014, toàn xã Ba Điền có 264 người mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, trong đó có 24 người tử vong, rải đều ở 4 thôn Hy Long, Gò Nghênh, Làng Tương và Làng Rêu, trong đó Làng Rêu là tâm điểm của căn bệnh này.

Thời gian qua cũng đã lâu, đau thương cũng mờ dần nhưng mỗi lần nhắc đến "bệnh lạ", anh Phạm Văn Đếch - cán bộ văn hóa của xã Ba Điền lại đau nhói. Bởi căn bệnh này đã cướp đi của anh 2 người thân là vợ và đứa con nhỏ. Đó cũng là khởi đầu "bệnh lạ", lời nguyền chết chóc ở Làng Rêu.

Anh Đếch nhớ lại, đó là vào tháng 10/2010, đứa con 3 tuổi của anh đang khỏe mạnh bỗng nhiên cả mặt mũi, tay chân cứ phù lên, lở loét. Anh liền đưa xuống cơ sở y tế huyện nằm được 3-4 ngày thì chuyển thẳng con xuống Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng các y bác sĩ cũng không chẩn đoán được căn bệnh, cuối cùng bệnh nặng dần, đứa con của anh mất tại đây.

Niềm vui đã trở lại với người dân Làng Rêu. Ảnh: NN

Niềm vui đã trở lại với người dân Làng Rêu. Ảnh: NN

“Đến cuối năm 2011 vợ tôi tiếp tục có dấu hiệu phù mặt, tay chân lở loét, đưa vợ vào Quy Nhơn, ra tận Huế điều trị các bác sĩ ở đây cũng không xác định được là bệnh gì rồi đến đầu năm 2012 thì vợ mất. Tôi cũng bị nhưng may mắn được chữa khỏi, còn con và vợ đã theo Yàng…”, anh Đếch ngậm ngùi.

Ngay sau đó, hàng chục đoàn chuyên gia y tế, đầu ngành tỉnh, Bộ Y tế và WHO (Tổ chức Y tế thế giới) đã về khảo sát, thu thập thông tin, lấy mẫu nước, đất, thực phẩm, máu, tóc của bệnh nhân... để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp điều trị.

Bà Phạm Thị Xao kể về những di chứng của căn “bệnh lạ” này. Ảnh: NN

Bà Phạm Thị Xao kể về những di chứng của căn “bệnh lạ” này. Ảnh: NN

Anh Phạm Văn Đếch vui mừng vì Làng Rêu hôm nay đã đổi thay. Ảnh: NN

Anh Phạm Văn Đếch vui mừng vì Làng Rêu hôm nay đã đổi thay. Ảnh: NN

Thế nhưng những cái chết vẫn cứ ập đến với bà con trong làng, thách thức cả ngành y tế. Có những gia đình 3 - 4 người mắc bệnh này, rồi số người chết cũng tăng dần lên đến hàng chục người. “Khi chưa tìm được nguyên nhân, người dân nơi đây đã phải mổ gà, giết heo, đem lên rừng cúng thần núi để xua đuổi "con ma bệnh". Nhưng đồ cúng bao nhiêu vẫn không xuể, người làng vẫn mắc bệnh. Đến cả thầy cúng trong làng cũng phải sợ hãi bỏ đi thì nói gì đến người dân”, chị Phạm Thị Ửi, 43 tuổi, trú Làng Rêu, bộc bạch.

Làng Rêu có 103 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Hrê chiếm 98% dân số. Sau khi đẩy lùi được căn bệnh quái ác, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, người dân nơi đây đã tập trung xây dựng cuộc sống mới, trồng lúa, trồng keo, phát triển chăn nuôi... Nhờ vậy, trong làng không hộ dân nào còn thiếu ăn như trước, nhiều nhà làm ăn khấm khá, xây dựng nhà ở khang trang.

Cuối cùng, với nỗ lực hết mình của các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, căn "bệnh lạ" ấy đã dần được làm sáng tỏ nguyên nhân, trả lại cuộc sống yên bình cho ngôi làng nằm giữa núi đồi mênh mông.

Đổi thay

Những ngày đầu tháng 10 này, chúng tôi vượt gần 50km từ trung tâm TP Quảng Ngãi về Làng Rêu. Trước mắt là khung cảnh yên bình đến lạ, cánh đồng lúa xanh mướt căng tràn sức sống, con đường dẫn vào làng được bê tông hóa, rộng thênh thang… Thoáng qua không ai có thể nghĩ rằng, ngôi làng này đã từng lao đao, xác xơ vì "bệnh lạ".

Anh Phạm Văn Đếch cho biết, cây cầu treo bắc qua suối Nước Nẻ được xây dựng và sử dụng từ đầu năm 2016. Ngày khánh thành, dân làng ai nấy vui mừng vì không còn bị con suối Nước Nẻ "trói chân" vào mùa mưa lũ nữa.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng, anh Đếch vui mừng cho biết con đường đất đầy sỏi đá dẫn vào làng trước kia nay đã được trải bê tông, nhiều công trình dân sinh và thiết chế văn hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, điện sáng từ nhà ra ngõ... Nhưng, đổi thay lớn nhất chính là nếp nghĩ, cách làm của người dân.

“Nhờ có chính quyền và ngành y tế vào cuộc, người Làng Rêu đã hiểu chẳng có "con ma" nào làm bệnh cả. Chỉ vì đời sống người dân còn kham khổ, thói quen ăn uống lạc hậu, việc chăm sóc y tế còn hạn chế… nên mắc bệnh mà thôi”. Chị Phạm Thị Ửi

“Nhiều cách nghĩ mới, cách làm mới đã kéo Làng Rêu gần hơn với miền xuôi. Người dân không còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới chân nhà sàn, nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi riêng. Tình trạng để thức ăn hun khói, dự trữ trên giàn bếp, hay để lúa trong chòi gây nên ẩm mốc không còn nữa. Bà con đã biết cách bảo quản nông sản sau thu hoạch, biết đến trạm y tế mỗi lúc ốm đau, biết ăn chín uống sôi...”, anh Đếch nói.

Cùng với người dân trong làng, vượt qua nỗi đau mất người thân, anh Đếch chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới. Hiện anh Đếch có mái ấm gia đình mới với cô giáo mầm non ở địa phương và đã có với nhau hai con nhỏ.

Nỗi lo di chứng

Căn bệnh đã qua, nhưng những người từng mắc bệnh ở Làng Rêu giờ đây lại đang lo lắng về di chứng của căn bệnh này, như bị mờ mắt, điếc tai.

Dù đã điều trị khỏi bệnh từ nhiều năm trước, nhưng di chứng của "bệnh lạ" khiến cho tai của bà Phạm Thị Xao (67 tuổi) không nghe rõ. Bà Xao cho biết, sau khi được điều trị khỏi bệnh khoảng 2 năm, bà có dấu hiệu lãng tai và bệnh ngày càng nặng. “Mấy năm trước tôi đã xuống bệnh viện tỉnh để khám và chữa trị nhưng vẫn không khỏi bệnh”, bà Xao nói.

Di chứng của căn bệnh cũng khiến con dâu của bà Xao là chị Phạm Thị Triêu bị mờ mắt. Bệnh của chị Triêu ngày càng nặng, chạy chữa nhiều nơi nhưng đến nay vẫn không khỏi. Anh Đếch cho hay, bản thân anh cũng bị mờ mắt, và cho rằng đó cũng là di chứng của bệnh mà anh từng mắc phải.

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Phạm Văn Ênh xác nhận, hầu hết các trường hợp mắc bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân sau khi được điều trị khỏi bệnh đều bị di chứng mờ mắt, điếc tai... với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trong đó, có khoảng 10 trường hợp bị di chứng nặng và đang được điều trị ở các bệnh viện.

“Chính quyền địa phương cũng như người dân Làng Rêu rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm đề xuất Bộ Y tế và các cơ quan liên quan về địa phương thăm khám, khảo sát và có thuốc điều trị dứt điểm các di chứng của căn bệnh này để người dân yên tâm hơn”, anh Ênh bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.