Đại diện các nước dự Hội nghị chụp ảnh chung. |
Sáng 14-2, tại Hà Nội, Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 8 các nước Tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống mua bán người- SOM 8, đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 150 đại biểu, đến từ các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và nước chủ nhà Việt Nam.
SOM8 còn có sự tham dự của bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế; các quan sát viên quốc tế.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống mua bán người thay mặt nước chủ nhà dự và phát biểu khai mạc hội nghị.
Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng về phòng chống buôn bán người khu vực tiểu vùng sông Mekong (gọi tắt là Tiến trình COMMIT) được Chính phủ 6 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc và Myanmar khởi xướng từ cuối năm 2003 với trọng tâm là xây dựng một thỏa thuận cấp vùng về phòng chống buôn bán người.
Với chủ đề "Ðồng tâm, hợp lực và bền vững", SOM8 sẽ tập trung vào các nội dung như: Đánh giá kết quả hợp tác thực kiện Kế hoạch hành động Tiểu vùng sông Mekong về phòng chống buôn bán người giai đoạn 2 (2008-2010) và thảo luận, hoàn thiện Kế hoạch giai đoạn 3 (2012-2013).
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề tăng cường đối thoại với các diễn đàn khác trong phòng chống buôn bán người và tính bền vững của COMMIT mở rộng sau năm 2013; thảo luận hoàn thiện thống nhất và đề xuất Chính phủ 6 nước ký Tuyên bố chung nhằm tái khẳng định một lần nữa về hợp tác phòng chống buôn bán người.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trung tướng Phạm Quý Ngọ nêu rõ, COMMIT là tiến trình mang tính độc đáo, năng động và sáng tạo chỉ có ở khu vực Đông Nam Á thông qua một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao, với cách tiếp cận đa ngành, chỉ tập trung vào một lĩnh vực phòng chống buôn bán người, gắn kết giữa kế hoạch ứng phó cấp vùng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các quốc gia giải quyết cơ bản nạn buôn bán người.
Sau 7 năm thực hiện, COMMIT đã hỗ trợ thúc đẩy tất cả các quốc gia thành viên xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Quốc gia về phòng chống buôn bán người; xây dựng luật về phòng chống buôn bán người; xây dựng và đưa vào sử dụng Bộ tài liệu tập huấn liên ngành về phòng chống buôn bán người; ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận, ghi nhớ về hợp tác song phương trong lĩnh vực này; thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, chiến dịch truyền thông chung, xây dựng và thông qua các tiêu chí xác định nạn nhân, phối hợp giải cứu, điều tra, bắt giữ tội phạm, hồi hương, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng… mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi quốc gia và khu vực.
Với quan điểm lồng ghép thực hiện Kế hoạch COMMIT với Chương trình Quốc gia phòng chống buôn bán người, hơn 7 năm qua, các bộ, ngành chức năng Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký UNIAP (Dự án Liên minh các tổ chức Liên hợp quốc về phòng chống mua bán người), các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ tổ chức triển khai trên 200 hoạt động phối hợp về phòng chống buôn bán người; nổi bật là Quốc hội phê duyệt Luật phòng chống buôn bán người; Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về phòng chống buôn bán người giai đoạn 2004-2010 và giai đoạn 2011-2015… Công tác phòng ngừa, đấu tranh bắt giữ tội phạm, giải cứu, hồi hương nạn nhân được hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và các nước ngoài COMMIT; qua đó góp phần kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này.
Tiếp theo SOM 8, ngày 16-2 tới, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 3 (IMM 3) các nước tiểu vùng sông Mekong về phòng chống buôn bán người cũng sẽ được khai mạc tại Hà Nội.
Theo TTXVN