(GLO)- Trò chuyện về tiếng nói và chữ viết của người Jrai, thầy Kpă Pual-giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cho rằng, cần đặt ra vấn đề xóa mù chữ Jrai cho người Jrai. “Hiện nay, thế hệ trẻ Jrai biết tiếng nói nhưng không biết chữ viết. Trong khi đó, tiếng nói, chữ viết là cái gốc của văn hóa, là phương tiện để chuyển tải tri thức, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Các giá trị này sẽ mai một nhanh hơn nếu không bắt đầu từ việc gìn giữ chữ viết”-thầy Pual nói.Thầy Pual vừa tham gia biên soạn tập 1 sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học (tiếng Jrai) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27-1-2022, giao cho Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và thực hiện.
Mục tiêu của chương trình xác định theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2021-2025), giai đoạn 2 (2026-2030). Theo đó đến năm 2025, hoàn thành biên soạn sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 8 tiếng dân tộc thiểu số đã được ban hành chương trình môn học. “Toàn quốc chỉ có 8 dân tộc có chữ viết được chọn biên soạn sách giáo khoa thì tỉnh Gia Lai chiếm 2 thứ tiếng là Jrai và Bahnar. Ngoài ra, còn có tiếng Chăm, Ê Đê, Khmer, M’Nông, Mông, Thái. Tôi vừa tham gia biên soạn xong tập 1 sách giáo khoa tiếng Jrai và được Bộ GD-ĐT thẩm định. Còn tiếng Bahnar do cô Đinh H’Mer-Phó Trưởng phòng Tổ chức (Sở GD-ĐT) tham gia biên soạn”-thầy Pual cho biết.
|
Thầy Kpă Pual chỉ ra một số lỗi thường gặp trong cách viết tên người Jrai, nguyên nhân vì không biết chữ viết Jrai. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Sự ra đi đột ngột mới đây của cô H’Mer khiến thầy Kpă Pual vô cùng tiếc nuối về một trí thức trẻ người Bahnar. Theo thầy Kpă Pual, Gia Lai có gần 50% học sinh là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là Bahnar và Jrai. Đây đều là 2 dân tộc có chữ viết đã sáng tạo kho tàng tri thức, văn hóa đồ sộ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ xưa tới nay chủ yếu qua truyền khẩu. Trong khi đó, thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số hiện nay phần lớn “mù chữ” mẹ đẻ. “Nếu người Việt học tiếng Việt thì người Bahnar, Jrai cũng cần phải học tiếng nói và chữ viết của mình. Đây là vấn đề rất cần được nhìn nhận nghiêm túc”-thầy Pual nói.
Anh Rcom Heo (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) có 3 người con đang đi học. Cô con gái lớn học Khoa Giáo dục mầm non (Trường Đại học Phú Yên), con gái thứ 2 học lớp 12 (Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh) và con trai út đang học lớp 9. “Các con mình nói tiếng Jrai nhưng không đứa nào biết chữ Jrai. Các cháu đều có năng khiếu văn nghệ, thể thao, thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn dành cho người dân tộc thiểu số. Mình rất muốn các con biết viết tiếng mẹ đẻ để mình có thể dạy con hát dân ca, ghi chép lưu giữ lại các bài dân ca Jrai”-anh Heo chia sẻ.
Thầy Pual cho rằng, cùng với phát triển chương trình sách giáo khoa và tài liệu dạy học tiếng dân tộc thiểu số, cần phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng dân tộc thiểu số. Hiện tại, Bộ GD-ĐT quy định đây là môn tự chọn nên các trường có tâm lý lựa chọn các môn dễ dàng, thuận lợi để triển khai dạy và học như tiếng Anh, kể cả các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số. Đây là vấn đề khiến giới chuyên môn và những người nặng lòng với văn hóa truyền thống trăn trở. “Khi tiếng Jrai, Bahnar chưa phải là một môn học bắt buộc thì rất khó có cơ hội để học sinh dân tộc được học chữ viết của dân tộc mình. Thực tế cũng không nhiều thầy-cô giáo có khả năng dạy được chữ Bahnar, Jrai. Thời kỳ còn dạy tiếng Jrai cho đội ngũ cán bộ, công chức, tôi nhận ra họ chỉ học để lấy chứng chỉ chứ rất ít người học đi đôi với hành. Hầu như chỉ có người Kinh học tiếng Jrai, rất ít thấy người Jrai học chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình, đội ngũ thầy-cô giáo lại càng vắng bóng trong những lớp học như vậy”-thầy Pual cho biết.
“Với địa bàn đặc thù như tỉnh Gia Lai, Sở GD-ĐT cần khuyến khích hoặc có quy định cụ thể đưa môn học này vào chương trình giáo dục phổ thông. Xóa mù chữ cho học sinh dân tộc giúp thế hệ trẻ Jrai, Bahnar biết và sử dụng tiếng nói chữ viết của dân tộc mình, có ý thức tôn vinh bản sắc và giá trị văn hóa, mới có khả năng sáng tạo văn hóa, văn học, âm nhạc và các giá trị khác”-thầy Pual nói.
HOÀNG NGỌC