Học sinh ném dép vào mặt cô giáo ở Tuyên Quang: Bộ GD&ĐT chỉ đạo khẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bộ GD&ĐT ra văn bản liên quan vụ nhóm học sinh Tuyên Quang ép nữ giáo viên vào tường, rồi ném dép vào cô gây bức xúc dư luận.

Văn bản của Bộ GD&ĐT được ban hành dựa trên báo cáo của Sở GD&ĐT Tuyên Quang về vụ việc xảy ra tại trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, một nhóm học sinh có hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng đối với nữ giáo viên.

Bộ đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc. Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm với các cá nhân và tập thể liên quan (giáo viên, học sinh, lãnh đạo trường, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác).

Cô giáo H bị nhóm học sinh trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) dồn vào góc tường, buông lời xúc phạm. (Ảnh cắt từ clip)

Cô giáo H bị nhóm học sinh trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) dồn vào góc tường, buông lời xúc phạm. (Ảnh cắt từ clip)

Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường.

Bộ cũng yêu cầu các trường cần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, phối hợp chặt chẽ với gia đình và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh. "Yêu cầu Sở GD&ĐT Tuyên Quang thông báo kết quả về Bộ GD&ĐT trước ngày 29/12", Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Trước đó, mạng xã hội xuất hiện 2 đoạn video ghi lại hình ảnh nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc lớp, đe doạ kèm theo lời chửi bới. Thậm chí cô giáo này còn bị học sinh ném dép vào mặt nhưng vẫn không dám chống cự mà chỉ dùng điện thoại để ghi lại.

Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nguyên nhân xuất phát từ khúc mắc giữa cô và trò trong giờ học. Cụ thể, sự việc xảy ra vào 10h30 ngày 29/11 tại trường THCS Văn Phú, vào giờ học tiết 3 môn Âm nhạc ở lớp 7C do giáo viên P.T.H. (SN 1985) giảng dạy.

Thời điểm trên, thấy một số học sinh vẫn ở ngoài chưa vào lớp học, cô H. nhắc nhở thì một vài học sinh phản ứng. Trong giờ học, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Sau đó giữa giáo viên và học sinh có khúc mắc trong giờ học.

Tuy nhiên, sau tiết học, một số học sinh lớp 7C có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực đối với cô H. như nói tục, có hành vi xúc phạm giáo viên, quay video và đăng tải lên mạng xã hội Facebook.

Nhà trường đã tổ chức họp toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh lớp 7C và 6A, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh phối hợp với nhà trường giáo dục đạo đức học sinh không để xảy ra sự việc như trên.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo nhà trường xem xét giải quyết sự việc, đồng thời phối hợp các đơn vị liên tiếp tục xác minh, giải quyết, xem xét xử lý đối với cá nhân, tập thể liên quan tới vụ việc. Sau khi có kết quả giải quyết, UBND huyện sẽ có báo cáo gửi lên UBND tỉnh và các cơ quan theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.