Hoàng Sa - máu thịt Việt không thể cắt rời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép vào ngày 19.1.1974, nhưng Hoàng Sa vẫn luôn là một phần máu thịt của Việt Nam, là nơi ngư dân Việt vẫn kiên cường bám biển, khẳng định chủ quyền của đất nước.
Tàu cá của ngư dân đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam ẢNH: VĂN KHÁNG
Tàu cá của ngư dân đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam ẢNH: VĂN KHÁNG
“Dù có bão giông, phải trả giá bằng mạng sống nhưng ngư dân chúng tôi không hề nao núng, vẫn quyết giữ biển Hoàng Sa đến cùng. Tiếng gọi Hoàng Sa từ muôn đời mãi quen thuộc, dẫu Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép vào ngày 19.1.1974”.
Đó là quả quyết của ngư dân đất đảo hùng binh Lý Sơn (Quảng Ngãi) khi nói về ngư trường Hoàng Sa, mảnh đất mà các bậc tiền nhân năm xưa đã không tiếc máu xương giong thuyền đi mở cõi, xác lập chủ quyền.
Thức ngủ Hoàng Sa
Hàng chục năm vẫy vùng, ngang dọc khắp ngư trường Hoàng Sa, lão ngư Dương Chính (73 tuổi, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho những ngư dân trẻ đất đảo làm hành trang trong mỗi chuyến khơi xa. Đối với họ, ông không chỉ là bậc thầy mà còn một trong những ngư dân hết sức can trường, tiên phong cho tàu rẽ sóng vượt muôn trùng khơi tiến ra Hoàng Sa, mở đầu cho thời kỳ khai thác dài ngày trên biển vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
“Lý Sơn, quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa - nơi mà mấy trăm năm trước các binh phu ra Hoàng Sa chỉ bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh để cắm mốc, bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều binh phu đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Đây là mảnh đất mà cha ông để lại nên thế hệ sau phải có trách nhiệm giữ gìn”, ông Chính bộc bạch.
Từ suy nghĩ như vậy đã thôi thúc ông Chính quyết tâm bằng mọi cách để đưa tàu cá tiến ra Hoàng Sa. Năm 1984, ông cùng một số ngư dân trên đảo huy động “tổng lực” vốn liếng đóng 3 tàu cá do ông trực tiếp chỉ huy tiến thẳng ra Hoàng Sa mưu sinh. Sau gần 3 ngày đêm vượt sóng gió, cuối cùng 3 tàu cá cũng tiếp cận được tọa độ mà ông đã chấm từ trước, đó là đảo Tri Tôn.
Chuyến ra Hoàng Sa đầu tiên chỉ trong vòng hơn 10 ngày nhưng 3 chiếc tàu đã đầy ắp các loại hải sản nên ngư dân rất phấn khởi. Hết chuyến biển này đến chuyến biển khác, hàng chục năm sau, mỗi năm có đến gần 200 ngày trên biển, đối với ông Chính vùng ngư trường Hoàng Sa giống như nhà của mình. “Thú thật mỗi lần ra Hoàng Sa đánh bắt tại đảo Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, ngư dân chúng tôi tự hào và biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai phá, bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc”, ông Chính thổ lộ.
 Tờ lệnh quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, được gia tộc họ Đặng ở Lý Sơn gìn giữ hàng trăm năm nay (ảnh nhỏ). Ra khơi là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi ngư dân ẢNH: HIỂN CỪ
Tờ lệnh quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, được gia tộc họ Đặng ở Lý Sơn gìn giữ hàng trăm năm nay (ảnh nhỏ). Ra khơi là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi ngư dân ẢNH: HIỂN CỪ
Tuổi cao, lão ngư Dương Chính đành giã từ biển khơi nhưng ngày ngày ông vẫn dõi mắt nhìn về Hoàng Sa, nơi mà con trai ông là Dương Minh Tuấn cùng hàng ngàn ngư dân Việt miệt mài bám biển mưu sinh, bảo vệ chủ quyền biên cương của đất nước. Đối với họ, Hoàng Sa vẫn luôn thức ngủ trong tim. Bằng chứng sống động nhất là dù bị Trung Quốc nhiều lần bắt giữ, tịch thu tàu, cướp cá gây thiệt hại hàng tỉ đồng nhưng những ngư dân Lý Sơn vẫn sắm tàu mới, bám Hoàng Sa đến cùng.
Bất chấp thiên tai và nhân tai
“Vùng biển quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là ngư trường đã gắn bó máu thịt với ngư dân đất đảo Lý Sơn từ bao đời nay. Vì thế, ngư dân đất đảo hôm nay cho dù ra khơi gặp nhiều bất trắc nhưng tất cả đều hướng về vùng biển thân yêu của Tổ quốc, quyết bám biển đến cùng”, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (H.Lý Sơn), khẳng định.
Theo ông Chinh, với bao thế hệ ngư dân Lý Sơn, ngư dân Quảng Ngãi, biển Hoàng Sa, Trường Sa đã ngấm vào máu của họ, được truyền từ đời này sang đời khác. Do vậy, dẫu phải vượt qua giông bão, hiểm nguy nhưng không ít ngư dân cả cuộc đời vẫn kiên cường bám biển. Họ đã sống vì biển, chết vì biển, thân xác vĩnh viễn nhập biển cả, hóa thành cột mốc biên cương của Tổ quốc ở nơi trùng khơi.
Không chỉ đối diện với thiên tai, ngư dân Quảng Ngãi còn thường xuyên bị Trung Quốc tấn công khi hành nghề hợp pháp trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Đã không ít gia đình ngư dân ở Quảng Ngãi trắng tay, nợ nần vì bị phía Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản, thậm chí nhiều ngư dân còn bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắn trọng thương.
Dù sự việc trôi qua nhiều năm nhưng đến bây giờ các ngư dân Tu Thanh Sơn (40 tuổi), Huỳnh Văn Hưng (33 tuổi), Huỳnh Văn Phương (37 tuổi, đều ở làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn) vẫn nhớ như in chuyện bị Trung Quốc tấn công khi đang hành nghề ở Hoàng Sa vào tháng cuối tháng 6.2007. “Thời điểm đó, khi anh em bạn chài chúng tôi đang hành nghề thì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắn xối xả vào tàu cá làm 3 anh em chúng tôi bị trọng thương”, ngư dân Sơn nói. Khi đó, ông Sơn bị bắn vào đùi phải nên đành ngồi nhà hơn một năm trời để chữa trị, dưỡng thương. Còn anh Hưng cánh tay phải bị bắn nát, xương gãy làm đôi. “Máu ngư dân đã đổ ở Hoàng Sa nhưng anh em bạn chài vẫn can trường bám biển xa, bởi lẽ ra khơi là mệnh lệnh từ trái tim trong mỗi ngư dân”, ông Sơn khẳng định.
Hoàng Sa, Trường Sa là nhà, là một phần lãnh thổ, máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Đó là chân lý bất di bất dịch trong trái tim của con dân đất Việt từ bao đời nay. Lòng quả cảm, sự hy sinh của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa khi vâng mệnh triều đình giong buồm đi mở cõi nơi Hoàng Sa, Trường Sa là sức mạnh truyền thống đã hun đúc cho thế hệ ngư dân hôm nay hiên ngang giữa biển khơi mưu sinh, không hề run sợ và khuất phục trước thiên tai và nhân tai.
 
Quặn đau sự hy sinh thế hệ ông cha
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Đã mấy thế kỷ trôi qua, mỗi lần nghe câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”, trong lòng người dân đất đảo Lý Sơn lại quặn đau về những hy sinh của bậc tiền nhân để Tổ quốc có một Hoàng Sa yêu dấu. Vì thế, suốt hàng trăm năm qua, cứ đến tháng 2 âm lịch hằng năm, 13 tộc họ trên đảo Lý Sơn long trọng tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân những binh phu đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, ngoài lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đảo Lý Sơn còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, là bảo tàng sống động gắn với lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Không thể bỏ biển Hoàng Sa
Tàu cá ĐNa 90152 được trục vớt, đưa về đất liền để làm bằng chứng tố cáo Trung Quốc
Tàu cá ĐNa 90152 được trục vớt, đưa về đất liền để làm bằng chứng tố cáo Trung Quốc
Ngày 18.1, chúng tôi gặp ngư dân Trần Văn Vốn tại âu thuyền Thọ Quang, nơi ông đang cho bảo dưỡng lại con tàu ĐNa 90657, để tiếp tục những chuyến ra khơi ở biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Năm 2003, vợ chồng ông Vốn, bà Huỳnh Thị Như Hoa mua lại tàu ĐNa 90152 với giá 2 tỉ đồng, công suất lúc này chỉ 150 CV. Sau đó gia đình đầu tư thêm, nâng lên 450 CV để vươn khơi. Chiều 26.5.2014, tàu cá ĐNa 90152 do ông Đặng Văn Nhân làm thuyền trưởng đang hành nghề hợp pháp tại vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu vỏ sắt số hiệu 11209 của Trung Quốc đâm chìm. 10 ngư dân trên tàu bị đâm được tàu cá đi cùng cứu vớt.
Sau khi trục vớt và đưa về đất liền, vợ chồng bà Hoa đã hiến tặng tàu ĐNa 90152 để UBND TP.Đà Nẵng trưng bày, như một chứng tích tố cáo hành vi ngang ngược của tàu Trung Quốc; đồng thời đóng tàu mới ĐNa 90657 để trở lại Hoàng Sa chỉ hơn nửa năm sau đó.
“Mấy năm qua tàu đánh bắt Hoàng Sa, Trường Sa, thỉnh thoảng bị tàu Trung Quốc đuổi vào ban đêm, có khi bị cuốn mất lưới, nhưng rồi cũng cố gắng đầu tư lại để làm, ra khơi. Năm nay tôi trở lại trực tiếp cầm lái con tàu ĐNa 90657, dự kiến mùng 7, mùng 8 tết ra khơi chuyến đầu tiên, không thể bỏ biển Hoàng Sa”, ông Vốn khẳng định.
Nguyễn Tú
Hiển Cừ  (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia ra đời.

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.