Hoa bên gác chắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Sau khi đóng chắn hoàn toàn, đợi đón tàu, tôi và đồng nghiệp thót tim khi nghe tiếng xe máy tông mạnh vào khiến dàn chắn gãy đôi, văng xa. Anh thanh niên và xe trượt vào đường tàu. Gần 12 giờ đêm, đường vắng tanh, hai chị em sợ lắm nhưng phải khẩn trương lao vào cứu người…”. Nhớ lại sự cố vừa xảy ra cách đây vài tháng, chị Trịnh Thị Hương, nhân viên gác chắn đường ngang tại Km 1630 +250, khu vực Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vẫn thấy căng thẳng. Chị nói, làm nghề này, chẳng sợ khổ, chỉ sợ không an toàn.

Áp lực gác chắn

Đêm đó chẳng phải lần đầu chị Hương cùng đồng nghiệp nhanh trí tìm cách xử lý tình huống khẩn cấp để cả tàu lẫn người tham gia giao thông qua đường ngang được an toàn. Xong việc, hai chị em siết tay động viên nhau. Phần lớn sự cố tại các điểm gác chắn đều xảy ra bất ngờ, thường là khi người đi xe chạy quá nhanh, không làm chủ được tốc độ, không chú ý quan sát tín hiệu chuông và đèn, lao thẳng vào dàn chắn. Trực ca đêm, chị Hương sợ nhất là âm thanh chát chúa khi xe ai đó đâm sầm vào khu vực tàu sắp chạy ngang. Sợ hơn là chủ phương tiện say chẳng biết gì, cứ cho xe lao tới mặc nhân viên gác chắn đưa ra các cảnh báo nguy hiểm. Gác chắn tùy địa bàn, mật độ giao thông mà phân bố một hoặc hai nhân viên trực. Khi gặp chuyện, áp lực tại các chốt trực một người bao giờ cũng là khá lớn.

Những lúc sự cố không mong muốn xảy ra, vừa cố gắng kéo người xa đường ray, chị Hương vừa cầu mong tàu phát hiện ra tình huống nguy hiểm và giảm tốc. Có khi, chỉ vừa kịp kéo người ra thì tàu tới, kéo chiếc xe máy đi xa gần chục mét, ai cũng hoảng hồn. Lại có khi, chị phát hiện người say nằm hẳn trên đường ray, khuyên răn, năn nỉ đủ kiểu không thành, các chị đành nhờ công an trợ giúp. Mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng, đón gần 30 - 40 chuyến tàu ngược xuôi, chỉ một tình huống phát sinh cũng đủ căng thẳng hết cả ngày. Mà chuyện phát sinh nơi gác chắn thì như cơm bữa. Chọn gác chắn làm nơi công tác, kinh nghiệm các chị truyền nhau là phải tập làm quen với áp lực. “Không ai muốn những trường hợp như vậy xảy ra. Nói thật ra là chúng tôi rất sợ vì va chạm nào cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Làm nghề này hơn 20 năm, khó mấy tôi cũng không nản vì cứ mỗi chuyến tàu qua chắn an toàn, niềm vui lại tăng thêm một chút. Nhiều lúc trực chốt một mình trong đêm, chung quanh không bóng người, nghe tiếng tàu chạy yên ổn là thấy lòng ấm áp hơn”, chị Hương chia sẻ.

Cung chắn Dĩ An - Bình Dương có 10 chốt trực, 22 năm làm nghề, chị Nguyễn Thị Thanh đi qua đủ. Chuyện buồn vui bên đường tàu cũng theo đó mà nhiều thêm mỗi ngày. Nơi đông dân thì thường xuyên tắc nghẽn giao thông, chỗ vắng quá có sự cố muốn tìm người chung tay cũng khó. Thế nhưng, công việc cực khổ, đôi khi nhàm chán do lặp đi, lặp lại những thao tác theo trình tự chẳng bao giờ làm khó được chị. Bởi yêu nghề nên chị thương cả tiếng còi tàu, tiếng động cơ xình xịch mỗi lúc cầm cờ trực chắn. Có chăng buồn nhất vẫn là những lần bị người qua đường trút giận vô cớ bằng bao lời nói nặng nề, thậm chí hù dọa. Nhiều người cố tình vượt chắn, khi được chị Thanh yêu cầu dừng lại để bảo đảm an toàn chung thì gây sự, buông tiếng khó nghe. Những ngày đầu, chị suy nghĩ nhiều và tủi thân lắm. Nhưng rồi, chị tìm cách thích nghi, xử lý khéo léo hơn để hạn chế tối đa tình huống tiêu cực.

Kể chuyện nghề, xen lẫn những nụ cười, thi thoảng chị Thanh rơm rớm nước mắt. Chị nói, đêm hôm trực chắn, suôn sẻ không sao chứ gặp những trường hợp say xỉn, thô lỗ thì buồn nhiều hơn sợ. Lúc ấy, người trực phải tìm ra cách giải quyết vấn đề cho ổn thỏa và an toàn nhất. “Có hôm gần hai giờ sáng, khi đó một mình tôi gác chắn tại khu vực Khu công nghiệp Sóng Thần thuộc Dĩ An, Bình Dương. Nhận lệnh đón tàu, tôi ra đóng chắn. Vừa đóng được một bên thì bỗng nhiên anh kia say xỉn chạy xe đâm thẳng vào dàn chắn, cong hẳn một bên. Chưa kịp định thần, tôi đã bị anh ta kéo cổ áo đòi đền xe. May mà khi ấy tôi khéo léo tìm cách thoát thân, gọi bảo vệ gần đó can thiệp. Nhiều trường hợp bất ngờ đòi hỏi nữ nhân viên gác chắn phải bình tĩnh, nhanh nhạy. Chúng tôi được đào tạo kỹ và thường xuyên nghe hướng dẫn cách xử lý nhiều tình huống nên càng làm, càng kinh nghiệm hơn”, chị Thanh cho biết thêm.

Niềm vui giản dị

Nghề gác chắn đường tàu nhọc nhằn, ai cũng biết. Nắng gắt, mưa bão, đêm khuya, cứ tàu chạy là người đón. Với những người phụ nữ, ngày đêm ở bên những tiếng hú của còi tàu, tiếng bánh xe tàu nghiến trên đường ray, họ vẫn tìm thấy niềm vui từ những điều giản dị, những câu chuyện thường nhật rất phụ nữ. Chốt gác chắn trở thành ngôi nhà thứ hai của kíp trực để những lúc đợi tàu, các chị ngồi kể nhau nghe đủ chuyện buồn vui, từ gia đình, con cái đến làm nghề. Bữa cơm nấu vội, tô mì nóng hổi hay tách trà giúp tỉnh táo đêm khuya là quà họ dành thường xuyên tặng nhau trong suốt ca trực kéo dài. Các nữ nhân viên gác chắn hay nói vui, nghề chán hay thú vị là do chính mình. Hoàn thành tốt các phần việc được giao, các chị luôn biết cách tự tạo niềm vui với những điều nhỏ bé chung quanh. Khi thì sắp xếp lại bàn làm việc, kiểm tra sổ sách, lúc lại dọn vệ sinh, thu gom rác trên đường tàu, chăm sóc cây cối, trồng hoa…

Gác lại những chuyện lúc âu lo, những chuyện buồn, nghề cũng đã mang lại cho chị Hương, chị Thanh và gần 150 nữ nhân viên gác chắn thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là khi kịp cứu người tham gia giao thông thoát khỏi hiểm nguy trong gang tấc hoặc khuyên được ai đó có ý định kết liễu cuộc đời quay về nhà. Chỉ cần giúp tất cả an toàn, với các chị, mọi cực khổ chẳng đáng là bao.

Niềm vui của các nữ gác chắn đường tàu còn đến từ sự quan tâm, chia sẻ của những người chưa từng quen biết. Dịp 8/3 cách đây không lâu, trời về khuya, khi đang cùng đồng nghiệp đứng đón tàu, chị Nguyễn Thị Luân (nhân viên gác chắn đường ngang tại Km 1708 + 496, khu vực Dĩ An - Bình Dương) thấy hai thanh niên cầm hoa đến đứng cạnh, giọng hơi ngại ngùng: “Tụi em tặng hai chị nhé! Hai chị cố gắng lên. Thấy hai chị vất vả quá”. Cầm bông hoa trên tay, chị Luân rơi nước mắt. Chị xúc động với sự quan tâm ấy. Những đêm Noel, nhận món quà là chiếc bánh bao, chai sữa đậu nành từ các bạn trẻ tình cờ gặp trên đường, đôi tay người phụ nữ sắp bước qua tuổi 40 ấy cũng run run vì hạnh phúc. Chị Luân thấy lòng ấm áp khi nhiều người yêu mến, quan tâm đến những nữ gác chắn đường tàu như mình và đồng nghiệp.

Những lúc có sự cố, người đi đường đều dừng lại chung tay hỗ trợ xử lý. Và đơn vị cũng kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chị để đưa ra các chính sách đồng hành, khen thưởng, động viên kịp thời. Sự quan tâm dù là nhỏ nhất cũng khiến các nữ nhân viên gác chắn nhớ thật lâu để những lúc chông chênh với nghề, các chị đem kỷ niệm đẹp ra ngắm nhìn, tự động viên chính mình. Chị Luân trải lòng: “Làm nghề này nếu cứ so đo thiệt hơn thì khó gắn bó lâu dài. Nói thật, chúng tôi không thấy khổ mà luôn tự hào khi giúp được nhiều người, tuân thủ trình tự để tàu chạy an toàn. Chỉ mong người dân khi tham gia giao thông hợp tác hơn, tránh những tình huống cố vượt chắn khi tàu sắp đến gần. Mỗi người cố một chút, mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều”.

Bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến tàu qua là niềm vui lớn nhất của mỗi nhân viên gác chắn.

Bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến tàu qua là niềm vui lớn nhất của mỗi nhân viên gác chắn.

Mỗi lần có dịp ghé thăm các chốt trực, ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn thường dành phần lớn thời gian để lắng nghe tâm tư của các nữ nhân viên gác chắn. Trong những câu chuyện vui ông mang đến “làm quà”, bao giờ cũng lồng vào đó sự động viên, nhắn nhủ các chị cố gắng bám nghề. Từ các chốt trực, rất nhiều sáng kiến đã được các nữ nhân viên gác chắn gửi gắm lên cấp trên để nâng cao chất lượng công việc, bảo đảm an toàn… Chị em nào làm tốt, kịp thời ngăn được tai nạn giao thông luôn được tuyên dương, khen thưởng kịp thời. “Trực gác chắn đường tàu, nam làm thì đỡ vất vả hơn nữ nhưng các chị lại có lợi thế là sự khéo léo, mềm mỏng khi giải quyết các tình huống phát sinh. Hiện tại công ty đang bổ sung lực lượng, làm sao cho mỗi chốt đủ hai nhân viên hỗ trợ nhau. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường nhiều giải pháp công nghệ để hỗ trợ tốt hơn cho các điểm trực”, ông Đảng cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…