Hỗ trợ doanh nghiệp bằng những việc làm cụ thể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 có 12.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và 2.450 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai giảm 19 bậc so với năm 2021 nhưng khá nhiều chỉ số con thuộc các chỉ số thành phần của tỉnh vẫn được doanh nghiệp đánh giá cao. Cụ thể, thời gian đăng ký doanh nghiệp xếp thứ 13/63 tỉnh, thành; thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp xếp thứ 3/63; cán bộ tại bộ phận một cửa nhiệt tình, thân thiện với doanh nghiệp xếp thứ 9/63; chỉ số thủ tục được miễn giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp dễ thực hiện xếp thứ 5/63. Đặc biệt, chỉ số tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn hơn là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước xếp thứ 1/63. Đây là những con số cho thấy tỉnh rất nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thân thiện.

Bà Tô Anh Thư-Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại Hữu Thư (phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho biết: “Doanh nghiệp mới thành lập gần 1 năm. Khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, tôi chỉ tốn 1 ngày là xong, mà cũng chỉ cần đăng ký qua mạng. Sau đó, tôi còn được tham gia tập huấn chuyển đổi số, qua đó biết thêm những kiến thức về cách xây dựng mô hình kinh doanh tinh gọn, ứng dụng một số phần mềm để quản lý doanh nghiệp”.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai và Hợp tác xã Nhân sâm Jeollabuk-do ký bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Trương Công Hoài

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai và Hợp tác xã Nhân sâm Jeollabuk-do ký bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Trương Công Hoài

Đặc biệt, trong năm nay, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Tổ công tác của tỉnh-cho hay: “Với sự sâu sát, cố gắng của các đơn vị thành viên, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được nắm bắt kịp thời để tìm hướng tháo gỡ.

Trong đó, những vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành như chưa hướng dẫn cụ thể việc hình thành và sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc quản lý, xử lý tài sản là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ngân sách hỗ trợ; hay một số vướng mắc ở các dự án phát triển dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; liên quan đến công tác cho thuê rừng và thuê môi trường rừng trên địa bàn tỉnh...

Những vướng mắc này được tổng hợp để kiến nghị lên các bộ, ngành. Còn đối với các vấn đề liên quan đến thẩm quyền giải quyết của tỉnh như thủ tục đăng ký vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh vào ngày nghỉ, các vấn đề liên quan đến tiền thuê đất... Tổ giúp việc đã tham mưu, đề xuất ý kiến để Tổ công tác báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo”.

Mở rộng hợp tác với nước ngoài

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1956/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 156-KH/TU ngày 2-6-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Kế hoạch nhằm mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các ngành, địa phương trong tỉnh và toàn xã hội về công tác ngoại giao kinh tế, quán triệt ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của hoạt động đối ngoại, một động lực quan trọng để phát triển nhanh, bền vững, đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Ngoại vụ làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch và các hoạt động ngoại giao kinh tế; tham mưu tổ chức các đoàn công tác của tỉnh đi quảng bá, kết nối địa phương ở nước ngoài; phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt nhu cầu về thị trường, thông tin của đối tác trong các lĩnh vực liên quan để tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài nhằm mở rộng thị trường và phát triển cơ hội kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Công thương tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng tới tính thiết thực, hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các đoàn xúc tiến thương mại, giao dịch thương mại tại các thị trường có tiềm năng, mở rộng đối tác, thị trường, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu...

Gia Lai tích cực quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai tích cực quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Ảnh: Hà Duy

Một trong những hoạt động lớn nhằm triển khai công tác ngoại giao kinh tế là giữa tháng 9 năm nay, tỉnh đã tổ chức đoàn công tác sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc để quảng bá, xúc tiến đầu tư và thương mại. Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Đoàn đã đến thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Trường Đại học Jeonju Kijeon; tham quan trang trại thông minh Inovalley; thăm và làm việc với chính quyền TP. Iksan (tỉnh Jeollabuk) để thảo luận về hợp tác phát triển kinh tế; thăm Cụm Công nghiệp thực phẩm Iksan và tham dự lễ hội Iksan Seodong.

Tại những địa điểm đến thăm và làm việc, đoàn công tác của tỉnh đã thông tin về tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai, trao đổi về các nội dung có thể hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các loại nông sản tiêu biểu của tỉnh. Đặc biệt, ngày 15-9, tại “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tỉnh Gia Lai” do tỉnh Jeollabuk phối hợp với Mạng lưới hợp tác nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, 4 bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan của tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp Hàn Quốc đã được ký kết.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.