Tại thủ phủ hồ tiêu Tây Nguyên, giá hồ tiêu được thương lái thu mua tăng trung bình 3.000 đồng/kg, lên mức 115.000-116.000 đồng/kg, trong khi ở khu vực Đông Nam bộ, nhất là ở các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá hồ tiêu dao động từ 116.000-117.000 đồng/kg. So với mức đáy 34.000 đồng/kg của năm 2020, giá hồ tiêu của Việt Nam đã tăng hơn 80.000 đồng/kg, tương đương mức tăng 238%. Còn so với cùng kỳ năm trước, giá hồ tiêu đã tăng 54,7%.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết tháng 4-2024, nước ta đã xuất khẩu được 83.067 tấn hạt tiêu, trong đó tiêu đen đạt 73.555 tấn, tiêu trắng là 9.512 tấn; kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đạt 352 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 19,4% nhưng giá trị lại tăng 10,3%. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đen 4 tháng đầu năm 2024 đạt 4.065 USD/tấn, hạt tiêu trắng đạt 5.678 USD/tấn, tăng lần lượt 19,4% và 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, việc Trung Quốc quay trở lại mua hàng đã tác động tích cực đến thị trường hồ tiêu, dù số lượng giao dịch không nhiều. Trong khi đó, lượng hồ tiêu nguyên liệu bán ra trên thị trường vẫn ở mức thấp, do người trồng tiêu kỳ vọng giá sẽ còn tăng tiếp. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đánh giá, năm nay sản lượng hồ tiêu của Việt Nam dự báo chỉ đạt 170.000 tấn, giảm 10% so với năm 2023 - mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây, do diện tích bị thu hẹp sau giai đoạn dài giá xuống thấp, cùng với đó là tác động của El Nino. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các quốc gia sản xuất hồ tiêu với quy mô lớn như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, Brazil...
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho rằng, với tình hình hiện tại, sản lượng hạt tiêu toàn cầu chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong 3-5 năm tới. Ở nước ta, hồ tiêu cũng bước vào chu kỳ tăng giá mới, bù cho những năm trước giá xuống quá thấp.