Hệ sinh thái Android mất lợi thế trước iOS vì tính phân mảnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự phân mảnh của Android khiến người dùng gặp khó khăn trong việc đồng bộ giữa các thiết bị của những nhà sản xuất khác nhau.

Android (của Google) luôn được biết đến là một hệ điều hành mở khi đem so sánh với iOS (của Apple). Tuy nhiên, chính sự cởi mở và phong phú lựa chọn đấy lại đang trở thành vấn đề gây khó chịu cho người dùng trong quá trình sử dụng. Nói cách khác, hiện có quá nhiều phiên bản Android đồng thời tồn tại thay vì là một thể thống nhất, trái với những gì Apple có thể mang lại.

Khi chọn một chiếc điện thoại Android, người dùng sẽ kỳ vọng máy chạy mọi dịch vụ của Google cũng như các thiết bị khác thuộc hệ sinh thái phần mềm như đồng hồ chạy WearOS, tai nghe. Nhưng thực tế lại không như vậy. Ví dụ đồng hồ Pixel Watch 2 chỉ có thể đồng bộ cài đặt và chế độ với điện thoại Pixel do cùng thuộc "nhà Google", nhưng với smartphone Android của hãng khác thì không thể.

Nhiều người chọn iPhone thay vì Android bởi sự đồng bộ trong hệ sinh thái sản phẩm

Nhiều người chọn iPhone thay vì Android bởi sự đồng bộ trong hệ sinh thái sản phẩm

Ngược lại, nếu chọn dùng Galaxy Watch với điện thoại Android không do Samsung sản xuất, người dùng sẽ phải trải qua nhiều bước phức tạp để cài đặt kết nối mạng di động, dịch vụ Samsung Pay... Sự bất tiện này cho thấy vấn đề lớn nhất của Android hiện nay: thay vì trở thành một thể thống nhất, các nhà sản xuất thiết bị Android đang tạo ra hệ sinh thái của riêng mình, mang lại trải nghiệm kém lý tưởng cho người dùng cuối - những khách hàng được quảng cáo về viễn cảnh các thiết bị Android hoạt động tương thích nhau.

Có quá nhiều... Android cùng tồn tại

Thuật ngữ "phân mảnh" đã được gắn với Android từ lâu, khi có hàng trăm, thậm chí cả ngàn nhà sản xuất smartphone mang sản phẩm chạy nền tảng này đến với người tiêu dùng. Có quá nhiều kích thước máy, cỡ màn hình, cấu hình, phân khúc thiết bị, phiên bản hệ điều hành ở Android, chưa kể mỗi hãng sản xuất lại sử dụng một kiểu thiết kế giao diện khác nhau: Samsung có One UI, OnePlus là OxygenOS, Xiaomi dùng MIUI, Oppo thì ColorOS... Google Pixel thì có riêng hệ điều hành gốc không lẫn với bất kỳ đơn vị nào nhờ lợi thế của nhà phát hành nền tảng. Nhưng tất cả đều trên "cái lõi Android".

Google cho rằng không dễ dàng yêu cầu tất cả nhà sản xuất phải "chung một mái nhà" trong khi vẫn làm bật lên được sự khác biệt, cái riêng của từng đơn vị. Công ty chỉ đảm bảo trải nghiệm liền mạch giữa các dịch vụ cơ bản thuộc về Dịch vụ Google Play như Google Pay, Cast, sao lưu thiết bị, tính năng chia sẻ nhanh Quick Share (hay Nearby Share)...

Một số nhà sản xuất smartphone nhìn thấy "khoảng trống" của Google tạo ra để tự tạo ra giải pháp của riêng mình, nhưng cũng chỉ hiệu quả trong hệ sinh thái thiết bị của chính họ. Ví dụ với Samsung hay Oneplus, người dùng có thể đồng bộ nhiều thứ giữa điện thoại và máy tính bảng hoặc thiết bị khác của cùng hãng.

Đặc quyền của dòng Pixel

Google từng làm việc với các nhà sản xuất điện thoại Android nhằm đưa ra tiêu chuẩn chung, cũng như chỉ cho họ về viễn cảnh tương lai với nền tảng này. "Gã khổng lồ tìm kiếm" nhảy vào mảng phần cứng với dòng thiết bị thông minh Nexus, sau này dùng tên Pixel.

Nhưng chiến lược đó lại thêm vấn đề cho thị trường. Google giờ đây hoạt động cho hai mục đích trái ngược nhau: một mặt kinh doanh thương hiệu smartphone với bản sắc phần cứng và phần mềm riêng; mặt khác lại cung cấp AOSP (dự án mã nguồn mở Android) cùng các dịch vụ độc quyền của Google cho các nhà sản xuất khác để làm thiết bị thông minh chạy nền tảng của mình.

Google Pixel đang tách biệt so với phần còn lại của thế giới Android, khiến quá trình phân mảnh nội bộ càng trở nên sâu sắc

Google Pixel đang tách biệt so với phần còn lại của thế giới Android, khiến quá trình phân mảnh nội bộ càng trở nên sâu sắc

Bằng cách này, Google đang tự cạnh tranh với chính mình và đi ngược với ý tưởng biến hãng thành đơn vị trung tâm có chức năng giám sát, điều phối cho mọi dòng điện thoại Android. Phần mềm và phần cứng của dòng máy Pixel thế hệ mới ngày càng được củng cố nhưng lại khiến chúng trở nên tách biệt với phần còn lại của thế giới Android. Hiện có rất nhiều tính năng độc quyền chỉ có trên điện thoại Pixel, không được xuất hiện trên các máy khác dù chạy cùng hệ điều hành. Một số khác sẽ có, nhưng chậm hơn Pixel một hoặc hai năm nhằm duy trì thế độc quyền.

Ngoài ra, còn có những đặc quyền được miễn phí cho người dùng máy Pixel nhưng lại trả phí đối với khách hàng sử dụng Android đến từ các thương hiệu khác, trong đó có Google One hay một số tính năng trong Google Photos. Tại triển lãm CES 2024 (Mỹ) vừa diễn ra, Google giới thiệu tính năng giúp "ném" nhạc đang chơi từ điện thoại Pixel có hỗ trợ UWB sang máy tính bảng Pixel, tương tự như cách làm trên iPhone với HomePod. Nhưng đây lại là đặc quyền của điện thoại Pixel và hiện chưa có bất kỳ xác nhận nào về khả năng đưa lên máy của hãng khác. Trong khi Google tự tay "đào sâu" hơn sự cách biệt, các thương hiệu khác bắt đầu tính bước đi mới.

Lựa chọn hướng giải quyết

Sự phân chia của các nền tảng bắt đầu rõ rệt hơn khi một số doanh nghiệp quyết định chia tay Android. Amazon sau quãng thời gian sử dụng FireOS dựa trên Android gốc nhưng không có bất kỳ ứng dụng Google nào trong nhiều năm đã chuyển hướng sang thay thế hoàn toàn bằng nền tảng lõi Linux trên mọi thiết bị thông minh của hãng. Tương tự, Huawei cũng tuyên bố sớm dừng hỗ trợ cài phần mềm Android trên hệ điều hành HarmonyOS, cắt đứt sợi dây kết nối cuối cùng giữa 2 nền tảng.

Động thái thay đổi đồng nghĩa người dùng không thể cài kho ứng dụng Google Play hay bất kỳ phần mềm nào từ Android lên thiết bị của Amazon, Huawei.

Có thể thấy sự bất ổn trong "đại gia đình" Android đang vô tình giúp hệ sinh thái OS của Apple bớt phức tạp, đáng trải nghiệm hơn trong mắt nhóm người dùng nhất định. Khách hàng của Apple không phải lo lắng nhiều về việc sản phẩm A liệu có tương thích với thiết bị B của hãng hay không, bởi vấn đề này được giải quyết từ khi còn nằm trong thiết kế. Ở phía ngược lại, người dùng sẽ phải quyết định đầu tư vào Google, Samsung hay một hãng khác để đổi lấy trải nghiệm liền mạch, dù tất cả cùng chạy Android.

Trong tình thế đó, Google trở thành cái tên duy nhất có thể kết nối và cân bằng mọi thứ lại với nhau. Cũng tại CES 2024, giới công nghệ chứng kiến cuộc tích hợp Google Nearby Share với Quick Share của Samsung, TV thông minh của LG có sẵn tính năng Chromecast hay Fast Pair cho Google TV để dễ dàng kết hợp với thiết bị từ nhà sản xuất khác.

Tuy nhiên để chấm dứt cảnh "lục đục" vì phân mảnh, rối loạn chức năng giữa thiết bị của các hãng phần cứng, Google sẽ phải làm được nhiều hơn thế nếu không muốn tiếp thêm lợi thế cho Apple.

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.