Hậu Covid-19 có đáng sợ?: Ai dễ bị tác động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tính đến ngày 30.3, Việt Nam có hơn 9,3 triệu người mắc Covid-19, hơn 7,1 triệu người đã khỏi bệnh và hơn 42.413 ca tử vong. Trong số người mắc Covid-19 thì những ai dễ bị tác động do hậu Covid-19?
Theo các chuyên gia, những người từng mắc Covid-19, nhất là vào thời gian cao điểm trong đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM, những người từng thở ô xy lưu lượng cao (HFNC), thở máy, ECMO… do những tổn thương thực thể và những “trải nghiệm” kinh hoàng.

Bệnh nhân được khám sàng lọc hậu Covid-19 trước khi các chuyên gia tâm lý tư vấn
Bệnh nhân được khám sàng lọc hậu Covid-19 trước khi các chuyên gia tâm lý tư vấn
Đi khắp nơi vì hậu Covid-19
Đến khám hậu Covid-19 tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, bà N.T.T.M (64 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) cho biết trước đây bà tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, rồi nhiễm Covid-19. Từ khi khỏi bệnh, bà chưa bao giờ ngủ được ngon giấc mà luôn trong trạng thái chập chờn, người bị tê, đau nhức, khó đi đứng. Khi nhìn thấy làn sóng dịch Omicron mới, bà M. lo lắng vì sợ tái nhiễm, trong khi hậu Covid-19 chưa chữa khỏi.
“Tôi sợ lắm dù tiêm 3 mũi rồi, sợ mình tái nhiễm nên không dám ra đường nhiều. Hiện tôi không có vấn đề nào bất an, chỉ sợ Covid-19”, bà M. chia sẻ.
Còn bà T.T.C (55 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) đến khám tại phòng khám di chứng Covid-19 tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) với tình trạng mất ngủ, ám ảnh màu áo xanh BV. “Tôi đi khám ở nhiều nơi, từ Quảng Ngãi, Đà Nẵng đến BV Tâm thần Đồng Nai rồi giờ lên BV Chợ Rẫy khám tiếp, bác sĩ (BS) bảo tôi bị sang chấn tâm lý”, bà kể.
Anh N.V.Đ (30 tuổi, ngụ Tiền Giang) được vợ chở (bằng xe máy) lên BV Chợ Rẫy khám di chứng hậu Covid-19. Theo anh Đ., hai vợ chồng anh làm công nhân và đều mắc Covid-19 khoảng 1 tháng trước. Khi khỏi bệnh, anh Đ. có nhiều triệu chứng như khó thở, đau bao tử. Khi quay lại làm việc anh mệt thở không nổi, nhiều đêm không ngủ được chỉ nằm trằn trọc. Anh nói hồi trước ăn uống khỏe lắm, giờ ăn ít, sợ ăn no đầy hơi lại khó thở. Ngay cả việc đi khám hậu Covid-19, vợ anh cũng phải xin nghỉ việc để đưa anh đi.

Bệnh nhân đi khám hậu Covid-19 tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM
Bệnh nhân đi khám hậu Covid-19 tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM
Vừa mắc di chứng, vừa lo kinh tế gia đình
Đến khám di chứng hậu Covid-19 tại BV Nhân dân Gia Định, ông V.D.K (53 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết đã mắc Covid-19 từ giữa tháng 8.2021, và phải nằm hồi sức đến 40 ngày.
Giờ nhớ lại ông còn cảm giác rùng mình: “Tôi nghe kể lại khi nhập viện ngày trước, ngày sau là tôi hôn mê phải thở máy, chụp X-quang thấy phổi trắng bệch, đông đặc. Tính từ lúc vào viện đến lúc xuất viện là 40 ngày. Vào BV tôi thở ô xy đến đặt nội khí quản thở máy trong khu hồi sức. BS bảo tôi bị nặng vì cơn bão cytokine, tôi bị tiểu đường mà không phát hiện trước cộng thêm phổi của tôi đã yếu sẵn”.

Nhân viên y tế giúp bệnh nhân điền thông tin, các triệu chứng hậu Covid-19 vào bảng đánh giá mức độ trước khi tư vấn. Ảnh: Khánh Trần
Nhân viên y tế giúp bệnh nhân điền thông tin, các triệu chứng hậu Covid-19 vào bảng đánh giá mức độ trước khi tư vấn. Ảnh: Khánh Trần
Trong thời gian hôn mê ở BV, vì lâu quá không vận động nên chân phải ông K. bị liệt. Ông K. nói: Người ta gọi đây là bàn chân rủ, cái chân cứ rủ xuống không giơ lên được, còn tê nữa. Tôi xuất viện vẫn còn rất yếu nên phải về bằng xe cấp cứu và hỗ trợ thở ô xy 2 tháng, thời gian này tôi được tập vật lý trị liệu, chỉ nằm một chỗ để người nhà chăm sóc…”, ông K. tâm sự và than rằng công việc đang phải gác lại vì chưa đủ khỏe để đi làm. Đến nay sau nhiều tháng phải nghỉ việc để chữa bệnh và hồi phục, kinh tế gia đình ông K. gặp nhiều khó khăn, chi tiêu rất hạn chế vì chỉ mình người vợ gánh vác, con trai lớn đang đi học cũng phải đi làm thêm để trang trải.
Nhiễm Covid-19 từ cuối tháng 7.2021, anh V.H.C (34 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng từng trải qua lằn ranh sinh tử với 30 ngày chiến đấu với bệnh, trong đó có 10 ngày hôn mê thở máy. Theo anh C., lúc trước khi vào viện anh nặng 100 kg giờ giảm còn hơn 80 kg. “Hiện tôi xin nghỉ việc, ở nhà làm việc nhà phụ giúp gia đình thôi vì mệt, khó thở, hụt hơi”, anh C. chia sẻ.
Chỉ 10 - 30% bệnh nhân cần tư vấn, thăm khám
Chưa có con số thống kê chính thức nhưng hằng ngày tại các BV có phòng khám hậu Covid-19 có hàng chục bệnh nhân (BN) đến khám.
BS Lê Trung Nhân, Trưởng khoa Khám bệnh - BV Chợ Rẫy, cho biết tại BV này, mỗi ngày có 30 - 50 ca khám hậu Covid-19, nhiều người đến khám bệnh nền nhưng khai báo hậu Covid-19 nên đồng thời kiểm tra di chứng hậu Covid-19.
“BN đến khám đa số không được khỏe so với trước đây, hụt hơi; tim ngực không khỏe; một số ca biểu hiện thần kinh như mất ngủ, lo lắng; một số ăn uống không ngon… Nhưng đa số trên lâm sàng không thấy trầm trọng, nhưng khi xét nghiệm, X-quang thì thấy một số ca phản ứng viêm do Covid-19 vẫn còn, đặc biệt là tăng đông máu. Những trường hợp đông máu cao thì được chuyển đến BS huyết học khám, điều trị và một thời gian sẽ khỏi. Có vài trường hợp hạn chế hô hấp do xơ đáy phổi sẽ được khuyến cáo đi khám sau 6 tháng để đánh giá lại".
Đừng để hậu Covid-19 ám ảnh
Khám cho các BN hậu Covid-19, BS Nguyễn Hữu Hiển, BV Chợ Rẫy động viên: “Cái gì qua rồi để nó qua đừng để việc đó ám ảnh mình nữa. Vượt qua được Covid-19 là mừng rồi, không nên lo lắng nữa”.
Theo BS Hiển, trường hợp bà T.T.C ở trên phải dùng các loại thuốc điều trị tâm thần hỗ trợ. Một số BN sau khi khỏi Covid-19 bị sang chấn tâm lý dẫn đến nảy sinh suy nghĩ tiêu cực như tự tử, hoảng loạn về tinh thần kéo dài, những BN này được chỉ định đến thăm khám tại khoa nội thần kinh để được các chuyên gia tư vấn. Theo BS Hiển, hiện chưa có thuốc nào chuyên điều trị di chứng hậu Covid-19 vì mỗi người không giống nhau, tùy theo triệu chứng của mỗi BN mà cho thuốc.
Theo PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất (TP.HCM), hiện nhu cầu khám hậu Covid-19 nhiều, nhưng chỉ có khoảng 10 - 30% cần khám và tư vấn hậu Covid-19, trong đó chỉ có 2 - 5% cần điều trị trong BV (nhóm bệnh hô hấp: ho, khó thở, xơ phổi; nhóm bệnh tim mạch: rối loạn đông máu, hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh; nhóm suy chức năng thận). Số các nhóm bệnh còn lại điều trị tại nhà. Đặc biệt là phụ nữ hay lo lắng nên khám hậu Covid-19 nhiều hơn nam giới. PGS-TS Lê Đình Thanh khuyến cáo, hậu Covid-19, BN không quá lo lắng, hoảng sợ.
Theo PGS-TS Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM, có 80% người mắc Covid-19 nhẹ, 20% từ trung bình đến nặng; và hậu Covid-19 cũng có người nặng, nhẹ khác nhau. Nhẹ thì thấy mệt mỏi, đau nhức khớp; có người bị suy tim, xơ phổi, rối loạn lo lâu mất ngủ… Tuy nhiên, phần lớn những người bị hậu Covid-19 kéo dài là do có bệnh Covid-19 nặng, nằm viện lâu ngày, đặc biệt là những người thở máy, có can thiệp xâm lấn. Bởi khi mắc Covid-19 nặng sẽ gây tổn thương đa cơ quan, tổn thương nặng trên từng cơ quan và để lại di chứng làm ảnh hưởng chức năng của cơ quan đó. Ví dụ, phổi tổn thương nhiều sẽ để lại sẹo và giảm chức năng của phổi.
Theo Duy Tính - Khánh Trần - Hồ Hân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.