Hành trình gạo Việt lên kệ siêu thị EU  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2022, lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt Nam với sản phẩm gạo “Cơm ViệtNam Rice” của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc, với tổng cộng gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích. Đây là một bước ngoặt để gạo Việt Nam có “tên tuổi” trên thị trường khó tính EU.

Kỹ sư tại Nhà máy chế biến gạo Thoại Sơn đang kiểm tra kích thước không đồng đều của hạt gạo để đi phân tích
Kỹ sư tại Nhà máy chế biến gạo Thoại Sơn đang kiểm tra kích thước không đồng đều của hạt gạo để đi phân tích


Nông dân không xuống ruộng

Dù đã bước vào ngày cuối năm nhưng thời tiết vẫn còn “nhõng nhẽo”, lúc nắng, lúc mưa. Trời mưa thì mặc trời mưa, trước mắt chúng tôi, cánh đồng ruộng liên kết giữa Lộc Trời và người nông dân trải dài khoảng 10km ở xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đồng loạt một màu vàng lúa chín, hàng loạt máy gặt vẫn đang hối hả thu hoạch. Nếu trước kia, nông dân phải cầm liềm khom lưng cắt thì nay không cần chạm chân xuống ruộng! Mỗi chiếc máy gặt đập liên hợp do một người điều khiển và hai người đóng lúa vào từng bao, vừa nhanh mà chi phí lại rất rẻ. Chỉ một giờ đồng hồ có thể thu hoạch được nhiều tấn lúa. Không chỉ dưới trời mưa, máy gặt đập liên hợp còn có thể hoạt động vào buổi tối.

Cách đó không xa, một số cánh đồng liên kết với Lộc Trời cũng đang bắt đầu gieo sạ vụ lúa đông xuân bằng những thiết bị máy bay không người lái (drone) bay trên không trung, tiếng động cơ kêu rè rè. Một anh kỹ sư trong lực lượng 3 Cùng của Lộc Trời (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) cho biết, drone sẽ phân bổ được sự đồng đều của hạt giống khi gieo sạ, lại giúp tiết giảm khối lượng. Hiện nay, mỗi hécta chỉ cần 100kg lúa giống, trong khi trước đây gieo sạ bằng sức người sẽ tiêu hao đến 120kg/ha. Bên cạnh đó, drone cũng tham gia vào khâu phun thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó góp phần đạt chuẩn an toàn thực phẩm theo tiêu chí của các quốc gia nhập khẩu. Ứng dụng máy móc sẽ giúp tiết kiệm giống, phân bón, tưới nước nhưng khi thu hoạch vẫn đạt kết quả tốt. Hơn 40 năm gắn bó với cánh đồng lúa, nông dân Cao Văn Tấn nhớ lại, trước kia, người nông dân thu hoạch gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào yếu tố con người nên năng suất thấp. Từ khi Lộc Trời ứng dụng công nghệ máy móc thì việc trồng lúa trở nên rất dễ dàng. Với mô hình không chạm chân xuống ruộng, trung bình một năm nông dân lợi nhuận được khoảng 40 triệu đồng/ha!

Về quy trình sản xuất, anh Năm Hiển (trong đội 3 Cùng) thuật lại hết sức chi tiết. Sau khi tìm được vùng nguyên liệu, Lộc Trời sẽ liên hệ nông dân thương thảo, nếu được đồng ý thì lực lượng 3 Cùng sẽ tiến hành cung cấp giống, vật tư nông nghiệp… Nông dân chỉ cần có đất, còn lại là việc của Lộc Trời. Khi bắt đầu triển khai gieo sạ cũng là lúc nhật ký đồng ruộng mở ra, ghi chép đầy đủ các công việc trên đồng ruộng. Tiếp đó, lực lượng 3 Cùng sẽ theo dõi trong suốt thời gian tăng trưởng của cây lúa, như đo hạn mặn, quan sát bệnh tật… Cách ngày thu hoạch khoảng 10 ngày, các kỹ sư sẽ lấy mẫu một lần nữa để kiểm tra các tiêu chuẩn theo quy định của EU. Nếu đạt chất lượng thì giá lúa sẽ bán cao hơn 300 đồng/kg so với sản xuất bình thường.

Sự kiểm tra nghiêm ngặt chưa dừng tại đó. Sau khi gặt, hạt lúa sẽ đưa vào Nhà máy chế biến gạo Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời) để xay xát, rồi tiếp tục kiểm tra ngẫu nhiên hạt gạo theo từng khâu, như độ đồng đều, chất lượng bên trong, mùi thơm khi nấu chín, dùng thử cơm… Trước khi đóng gói, Lộc Trời phải gởi mẫu cho một đơn vị kiểm nghiệm độc lập với các tiêu chí gồm vi sinh, kim loại nặng, hoạt chất bảo vệ thực vật, độ thuần chủng, độ ẩm, độ tấm, hạt phấn… Hạt gạo trước khi đóng gói sẽ được khử trùng và dò kim loại, rồi mới lên đường sang châu Âu. Tại “trời Tây”, hạt gạo sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra thêm lần nữa.

Nâng cao giá trị nông sản Việt

Trước khi chia sẻ với chúng tôi câu chuyện đưa hạt gạo lên kệ siêu thị EU, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp cũng như cơ quan Thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã đồng hành cùng Lộc Trời. Hạt gạo Việt “bay xa” không chỉ đơn thuần là kinh doanh, mà quan trọng là mang đến sự ổn định về công việc, thu nhập cho người nông dân.

Nhớ lại thời điểm đàm phán vào cuối năm 2020, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, trầm ngâm kể: lúc đó dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trước khi đàm phán, hạt gạo được ký gởi bằng đường máy bay sang EU để đối tác kiểm nghiệm. Hai bên làm việc với nhau trực tuyến. Múi giờ khác nhau, các nhân viên Lộc Trời thường xuyên làm việc vào buổi tối. Trong quá trình thương thảo, tốn thời gian nhiều nhất là thiết kế bao bì, phải làm sao phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và các nước EU. Qua hàng chục cuộc họp mới đi đến thống nhất, Lộc Trời tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ theo thương hiệu quốc tế. Trong 3 năm qua, Lộc Trời phải tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc để mời đơn vị kiểm nghiệm độc lập của EU sang kiểm tra chất lượng gạo, quan sát ngẫu nhiên cánh đồng sản xuất… Sau bao khó nhọc, gian khổ, cuối cùng cũng được gặt hái quả ngọt!

“Gạo “Cơm ViệtNam Rice” sẽ là bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo của chúng tôi, là minh chứng cho nỗ lực của tập đoàn thực hiện cam kết “cùng nông dân phát triển bền vững”, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt trên thương trường quốc tế”, ông Nguyễn Duy Thuận nói. Các lô gạo xuất sang EU thường được đặt hàng trước từ 4-12 tháng để Lộc Trời có đủ thời gian tổ chức sản xuất. Trong năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời đã có hợp đồng xuất khẩu hơn 200.000 tấn gạo sang thị trường EU. Sắp tới, tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm gạo chủ lực từ giống lúa độc quyền Lộc Trời 28, Jasmine, OM18… Không chỉ tại Pháp, hiện tại thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” cũng đã bán tại một số cửa hàng ở Đức, dự kiến trong năm 2023 sẽ lan tỏa đến Hà Lan và một số nước Bắc Âu.

https://www.sggp.org.vn/hanh-trinh-gao-viet-len-ke-sieu-thi-eu-post674136.html
 

Theo THANH HẢI (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm