Hành trình của lòng tự hào và biết ơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhóm đồng hành "Đi để hiểu" với gần 100 bạn nhỏ và bố, mẹ cũng có hành trình khó quên từ Hà Nội đến di tích lịch sử Điện Biên Phủ.

Bùi Thiên Phú, cậu bé 10 tuổi ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa có chuyến đi đầu tiên cùng ông ngoại về miền đất lửa Quảng Trị, nơi hơn 50 năm trước ông của cậu từng chiến đấu. Đứng trên cầu Bến Tắt bắc qua vĩ tuyến 17 lịch sử - nơi từng là ranh giới tạm thời chia cắt đất nước, Phú nhìn theo hướng tay ông ngoại chỉ và nghe ông kể: "Ngày ấy, đơn vị ông đóng quân ngay phía bên trái cầu, làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt"...

Đoàn thực hiện nghi lễ chào cờ tại đảo Cồn Cỏ. Nguồn: ĐI ĐỂ HIỂU

Đoàn thực hiện nghi lễ chào cờ tại đảo Cồn Cỏ. Nguồn: ĐI ĐỂ HIỂU

Ông ngoại của Phú - cựu chiến binh Dương Văn Lý, từng viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi đang học trung cấp vô tuyến điện, được biên chế vào Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, tham gia phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Phú từng thích trò chơi điện tử đấu trường súng đạn, nhưng lại sợ run người, phải kéo chăn trùm kín đầu khi nhìn thấy cảnh chiến trường lửa đạn trong phim "Mùi cỏ cháy", một bộ phim tái hiện cuộc chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Đến khi chạm tay vào những vỏ quả bom từng mang sức mạnh hủy diệt được trưng bày trong ngôi nhà "Ký ức - Kỷ vật chiến tranh", cùng ông thắp hương tại những ngôi mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nghe tiếng ông nức nở gọi tên đồng đội, hay khi ông cúi đầu trước Đền thờ vọng 13 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, em mới phần nào hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh của những người lính trận và nỗi đau mất mát của người ở lại.

Đó là những trải nghiệm Bùi Thiên Phú có được trong hành trình "Thắp lửa tri ân" ở tỉnh Quảng Trị khi hai ông cháu tham gia nhóm đồng hành "Đi để hiểu" được tổ chức đầu tháng 6 vừa qua. Nhóm đã tập hợp được 105 thành viên, phần lớn là học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều cha mẹ, ông bà cùng tham gia, trong đó có tám cựu chiến binh và thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Giống như Phú, cô bé Đặng Châu Minh, 12 tuổi, ở Hà Nội lần đầu được cùng ông bà nội tham gia hành trình "Thắp lửa tri ân". Ông nội Châu Minh - cựu chiến binh, Đại tá Đặng Đức Quy từng chiến đấu tại Thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

"Đêm 27/7, ông cùng đồng đội vượt sông Thạch Hãn tiến vào Thành cổ, để tăng cường sức chiến đấu cho các đơn vị bạn. Đồng đội của ông hy sinh nhiều lắm, sự sống, cái chết có khi tính bằng phút, nhưng cứ một người nằm xuống lại có người khác thay thế. Hơn 4.000 người đã chiến đấu và nằm lại nơi này" - ông Đặng Đức Quy kể.

Đi trong Thành cổ Quảng Trị, một nghĩa trang không có bia mộ, nghe ông nội kể về cuộc chiến, Châu Minh tin rằng, chỉ có phép màu nhiệm nào đó mới giúp ông sống sót để trở về, rồi sinh ra bố, nhờ thế em cũng mới có mặt trên đời.

Ông Đặng Đức Quy sinh năm 1952, quê Nam Định, tình nguyện viết đơn nhập ngũ khi đang là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Ngoại ngữ. Đó là năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt. Nhu cầu chi viện cho chiến trường miền nam trở nên cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên, hàng nghìn sinh viên các trường đại học đã gác lại giấc mơ giảng đường, xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ. Được biên chế vào Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, sau ba tháng huấn luyện khẩn trương, biết bắn súng, đào công sự, đánh bộc phá, ông Quy cùng đồng đội lên tàu ra trận. Vào chiến trường Quảng Trị, đơn vị ông được giao nhiệm vụ vượt sông Thạch Hãn, tăng cường chốt giữ Thành cổ.

"Những ngày đó, chúng tôi không phân biệt đêm và ngày. Ăn lương khô, uống nước lã. Thỉnh thoảng người bên hậu vượt sông mang sang cho ít cơm nắm. Anh em cứ nhường nhau, có khi mấy người không ăn hết một nắm cơm. Ruồi, muỗi nhiều vô kể. Địch nã đạn pháo, giội bom như trút mưa. Cái chết luôn cận kề, có khi chỉ tính bằng phút, giây. Chúng tôi thường nhắc nhau việc tránh bom, dặn nhau nếu còn nghe được tiếng bom thì còn sống. Bom ngớt thì lên hầm cáng thương binh, tử sĩ, vận chuyển vũ khí, lương thực. Mệt quá thì tựa lưng nhau ngủ. Ai cũng giữ vững quyết tâm "còn người còn trận địa, còn người còn Thành cổ…".

Nhiều bạn trẻ trong đoàn đã khóc khi nghe cựu chiến binh Đặng Đức Quy kể.

"Anh em hy sinh nhiều, chúng tôi không còn nước mắt để khóc. Có khi chỉ kịp đặt đồng đội xuống một cái rãnh, cái khe, rồi lấp tạm, hôm sau ra tìm xác thì pháo đã đánh tan cả khu vực đó rồi…".

"Cho đến khi Hiệp định Paris năm 1973 về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tôi vẫn không dám viết thư về nhà, vì cuộc chiến chưa kết thúc thì chưa biết được ngày mai sống chết thế nào… Bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không hiểu sao mình còn sống sót...".

Hành trình "Thắp lửa tri ân" của nhóm đồng hành "Đi để hiểu" khởi hành từ ga Hà Nội trên chuyến tàu bắc-nam đến ga Đông Hà, rồi đi tàu cao tốc ra đảo Cồn Cỏ. Tại đây, đoàn thực hiện nghi lễ chào cờ, thăm và tặng quà các học sinh Trường mầm non và tiểu học Hoa Phong Ba; nghe những chiến sĩ hải quân kể chuyện chiến đấu giữ đảo, chuyện những thanh niên xung phong tình nguyện ra đảo xây dựng cuộc sống mới... Trở lại đất liền, đoàn làm lễ dâng hương các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn-Bến Tắt (Đền thờ vọng), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; thăm địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, ngôi nhà "Ký ức - Kỷ vật chiến tranh", trang trại Dó Bầu...

Bà Vũ Thanh Hà, một sĩ quan công an nghỉ hưu, vì tình yêu con trẻ và lịch sử dân tộc đã thành lập nhóm đồng hành "Đi để hiểu", chia sẻ: "Chúng tôi muốn các cháu đi đến những nơi này để thấu hiểu nỗi đau chia cắt đất nước trong chiến tranh, sự hy sinh, tinh thần bất khuất, ý chí quật cường và khát vọng thống nhất non sông của thế hệ ông cha, để các cháu hiểu được giá trị của hòa bình, trân trọng và biết ơn cuộc sống hôm nay".

Vào cuối tháng 3/2024, nhóm đồng hành "Đi để hiểu" với gần 100 bạn nhỏ và bố, mẹ cũng có hành trình khó quên từ Hà Nội đến di tích lịch sử Điện Biên Phủ. "Dù từ Hà Nội lên Điện Biên không đến một giờ bay nhưng chúng tôi chọn đi bằng đường bộ để các cháu tận mắt nhìn thấy con đường năm xưa lớp lớp ông cha kéo pháo, thồ hàng, vượt qua bao dốc núi cao, vực sâu, bằng những đôi tay trần trầy da, những đôi vai rướm máu, những đôi chân phồng rộp, tím ngắt dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù. Chuyến đi trải nghiệm giúp các con cảm nhận được phần nào những hy sinh, gian khổ của ông cha trong cuộc kháng chiến chín năm làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" - bà Vũ Thanh Hà chia sẻ.

Trở về nhà sau chuyến đi Quảng Trị, Bùi Thiên Phú, Đặng Châu Minh và các bạn nhỏ lại hồi hộp chờ đợi những chuyến tiếp theo. Các cựu chiến binh Dương Văn Lý, Đặng Đức Quy cũng sẵn sàng đồng hành cùng các cháu để bồi đắp tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào, biết ơn và trân trọng cuộc sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Các em nhỏ và hành trình "Thắp lửa tri ân".

Các em nhỏ và hành trình "Thắp lửa tri ân".

"Tôi cảm nhận tình yêu và lòng tự hào về đất nước của các cháu lớn dần lên sau mỗi chuyến đi. Và tôi luôn tin rằng, những đứa trẻ được vun đắp tình cảm nguồn cội, gắn bó với quê hương, đất nước, con người, lớn lên với cảm xúc tự hào, biết ơn lịch sử dân tộc thì chắc chắn sẽ trưởng thành, vững vàng hơn...".

Bà Vũ Thanh Hà, sáng lập viên nhóm "Đi để hiểu"

Theo NGUYỄN ANH THƠ (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.