Hạnh phúc không chỉ riêng mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 15 năm qua, việc ông Đinh Minh Nhật (thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nhận nuôi hàng trăm đứa trẻ vô thừa nhận đã là điều khó tin với nhiều người. Nhưng còn khó tin hơn là gần đây, chị Đinh Thị Thùy Trang (33 tuổi, cháu ruột ông Nhật, trú tại thị trấn Chư Sê) chấp nhận bỏ cả sự nghiệp để về chăm lo cho lũ trẻ khi ông mang trọng bệnh.
Vòng tay lớn của “mẹ” Trang đủ chỗ cho Gấu, Bi, Bo, Tý, Còi, Đen sà vào làm nũng. Những đứa trẻ chưa lên 3 tranh nhau bi bô kể chuyện. Sau khi “kể tội nhau”, chúng lại rúc vào lòng chị tìm hơi ấm.
“Cảm ơn duyên nợ”
Chị Trang cũng không thể ngờ rằng có ngày mình trở thành một phần của trại trẻ mồ côi này. Năm 2005, khi đang học lớp 12, Trang đã rất sốc khi nghe tin bác Nhật đưa một đứa trẻ Jrai vừa lọt lòng mẹ về nuôi.
Chị Trang nhớ lại: “Hồi đó, tôi chỉ nghe kể lại rằng căn nguyên là do người làng đòi chôn sống đứa trẻ khi mẹ cháu qua đời. Sau khi thuyết phục nhận nuôi, bác còn phải mua một con heo để làng cúng Yàng. Việc bác Nhật mang một đứa trẻ Jrai đỏ hỏn về nuôi còn bị mẹ tôi phản đối kịch liệt. Những trận cãi vã của người lớn cũng khiến tôi tò mò khi ai cũng có cái lý của riêng mình. Thế nhưng, bác tôi bỏ ngoài tai tất cả để chăm bẵm đứa trẻ. Vì tò mò nên tôi thường ngó nghiêng xem một người đàn ông 45 tuổi sẽ chăm sóc đứa trẻ sơ sinh thế nào. Chứng kiến cảnh bác ẵm đứa bé đi từng nhà có người nuôi con nhỏ để xin sữa, cặm cụi nghiền cháo trắng đút cho bé ăn; rồi những lúc bé mọc răng bị lên cơn sốt, bác ẵm trên tay không rời và à ơi ru bé ngủ, từ chỗ sốc và không thể lý giải nổi việc làm của bác, tôi chuyển qua cảm phục một tấm lòng. Tôi hiểu đây là một việc làm từ tâm”.
Đứa trẻ đầu tiên ấy được ông Nhật đặt cho cái tên Đinh Hồng Phúc đầy ý nghĩa. May mắn thay, Phúc lớn lên khỏe mạnh. Những năm sau đó, Phúc liên tục có thêm anh, chị, em khi ông Nhật dang rộng vòng tay đón nhận những em bé mồ côi không nơi nương tựa. Ông đặt tên cho ngôi nhà chung này là Mái ấm Giuse. Ngay thời điểm tôi ghé thăm cách đây vài hôm, mái ấm ấy có đến 108 đứa trẻ, đứa bé nhất chỉ mới 3 tháng tuổi.
Mái ấm Giuse (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) hiện đang chăm sóc 108 trẻ mồ côi. Ảnh: Nguyễn Giang
Mái ấm Giuse (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) hiện đang chăm sóc 108 trẻ mồ côi. Ảnh: Nguyễn Giang
Phe phẩy chiếc quạt nan ru Còi ngủ, chị Trang nhớ lại những sự lựa chọn của cuộc đời mình. Năm 2010, chị tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) với tấm bằng loại khá. Ngay sau đó, mang theo ước mơ gieo chữ trở về vùng đất Tây Nguyên nhiều nắng gió và đầy ân tình, chị thi đậu biên chế giáo viên và được phân về Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) làm việc.
Ngoài thời gian dành cho trường lớp, chị thường xuyên đến mái ấm của bác Nhật. Mới đầu, chị chỉ như một người khách ghé thăm bác và lũ trẻ. Lâu dần, chị ghé nhiều hơn, ở lại lâu hơn để phụ bác chăm sóc các bé, đặc biệt là những bé sơ sinh. Suốt 8 năm, chị dành tất cả các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, Tết và cả kỳ nghỉ hè cho mái ấm.
Từ năm 2018, khi số bé sơ sinh đến với ngôi nhà chung này ngày càng nhiều, chị chọn mái ấm là nhà để đi về hàng ngày. “Đêm nào nghe bác Nhật kéo cửa đi ra là sáng sớm chúng tôi đón thêm em bé. Có thời điểm, tôi xin bác một em bé sơ sinh về nuôi nhưng bác không cho. Vì vậy, tôi vào đây ở luôn với chúng. Tôi phải cảm ơn duyên nợ đáng yêu này”-chị Trang cười vui chia sẻ.
Ngôi trường nơi chị công tác cách nhà 20 km nhưng chưa một ngày chị đến lớp muộn dù công việc ở mái ấm rất bận rộn. Đêm chị thức canh giấc cho các con khi có đứa lên cơn ho, sốt; ngày chị tất bật với học trò, gần như không có thời gian nghỉ ngơi.
Đầu năm 2019, bệnh tình của ông Nhật trở nặng, thường xuyên phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để thăm khám và điều trị. Lũ trẻ không thể một ngày thiếu người chăm sóc, dạy dỗ. Lúc này, chị Trang tự đưa ra cho mình 2 lựa chọn: giã từ bục giảng hay bỏ bê lũ trẻ ở mái ấm.
Chị tâm sự: “Bục giảng là mơ ước, là sự nghiệp của tôi nhưng mái ấm có tình yêu của lũ trẻ. Thế nên, ngay khi phải tự mình đưa ra sự lựa chọn, tôi đã nghiêng về lũ trẻ ở mái ấm. Và sau một đêm ngồi ngắm những đứa trẻ đáng yêu say giấc, tôi đã đưa ra quyết định của mình. Tôi viết đơn xin nghỉ dạy và tạm biệt những học sinh thân yêu. Tôi đã khóc rất nhiều, học trò nhiều em cũng khóc. Nhưng tôi đã nói với các em rằng, tôi có ích với các bạn nhỏ ở mái ấm hơn”.
Hạnh phúc có lý lẽ riêng
Với chị Trang, lựa chọn nghiêng về nơi bản thân mình sống có ích hơn nghe qua khá đơn giản. Nhưng với tôi và nhiều người khác, đó là sự hy sinh quá lớn. Chị đã dành cả thanh xuân cho mái ấm, cho những đứa trẻ kém may mắn. Lẽ nào chị không muốn tìm cho mình một bến đỗ với hạnh phúc riêng tư?
Trả lời câu hỏi đó, chị Trang bảo: “Tôi nghĩ, hạnh phúc có rất nhiều hình mẫu. Có nhiều thời điểm, tôi cũng khát khao về hạnh phúc của riêng mình, mơ về những đứa trẻ có đôi mắt giống mình. Đến khi gắn bó với mái ấm, tôi cảm nhận được một hình mẫu hạnh phúc khác. Tôi thấy rung động mỗi khi có đứa trẻ gọi mình bằng mẹ. Trong giấc ngủ say, nhiều đứa giật mình, chới với cánh tay gọi mẹ. Tôi cầm lấy tay chúng, chúng choàng dậy ôm chầm lấy tôi. Điều đó khiến tôi vỡ òa. Và tôi biết lũ trẻ cũng đang hạnh phúc khi có tôi bên cạnh. Tôi sẽ không bao giờ hối hận khi đã lựa chọn hạnh phúc nơi mái ấm này”.
Nhìn cô cháu gái lúc nào cũng tất bật với lũ trẻ, quên hẳn phấn son, đôi khi, ông Nhật cũng xót xa lắm. Thế nhưng, chị Trang đã đến với mái ấm như một duyên nợ. Ông chia sẻ: “Trang thực sự là cánh tay phải của tôi. Khi phát hiện căn bệnh u não, tôi suy sụp vì lo cho các con. Thế nhưng, Trang như một cứu cánh khi cháu quyết định nghỉ dạy để về hẳn với mái ấm. Từ khi có cháu Trang lo liệu, tôi mới phần nào yên tâm chữa trị. Trang là người giúp tôi nối dài sợi dây yêu thương ở ngôi nhà chung đặc biệt này”.
Chị Trang đến với mái ấm đồng nghĩa với việc vài chục đứa trẻ dưới 10 tuổi có mẹ. Những đứa lớn hơn có thêm một người thân để nương tựa, sẻ chia. Em Kpuih H’Ra vào đây năm lên 9 tuổi, khi mẹ em không may qua đời, bố đi lấy vợ khác. Vừa nhận được tin thi đậu tốt nghiệp THPT, H’Ra vui mừng báo cho ông Nhật và ôm chầm lấy chị Trang.
H’Ra bày tỏ: “Ngôi nhà chung này đã nuôi em lớn lên. Thầy Nhật đã cho em tương lai, còn cô Trang cho em sự ấm áp. Cô động viên em học tập và chia sẻ cùng em những câu chuyện thầm kín của tuổi mới lớn. Có cô là có thêm một người thân để chúng em lớn lên trong hạnh phúc”.
Với các em nhỏ, chị Đinh Thị Thùy Trang luôn ân cần như một người mẹ. Ảnh: Nguyễn Giang
Với các em nhỏ, chị Đinh Thị Thùy Trang luôn ân cần như một người mẹ. Ảnh: Nguyễn Giang
H’Ra mong muốn sau khi hoàn thành bậc học phổ thông sẽ ở lại phụ giúp công việc ở mái ấm, lo cho các em. Nhưng điều đó chưa được chấp thuận bởi cả ông Nhật và chị Trang đều mong muốn em có tương lai và hạnh phúc của riêng mình.
Chị Trang thường nhắc nhở lũ trẻ: “Bây giờ, cô còn đủ sức lo được cho các em nên sẽ không cho phép đứa nào nghỉ học ở nhà phụ giúp. Nếu không đủ sức vào đại học thì sẽ đi học nghề để lo cho bản thân trước. Khi nào vững vàng, quay về giúp các em cũng không muộn”.
Tình cảm chị Trang dành cho mỗi đứa trẻ không giống nhau nhưng tất cả đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương vô bờ bến. Bà Đỗ Thị Bích Ngân (mẹ chị Trang) cũng vì lựa chọn của con gái mà trở thành bà ngoại bất đắc dĩ của đám trẻ. Những hôm ông Nhật vào bệnh viện, chị Trang đưa lũ trẻ bị ốm đi khám, bà lại trở thành người trông trẻ. Lâu dần, bà có tình cảm với lũ trẻ và coi chúng như những đứa cháu ruột của mình.
Vì thế, bà Ngân cũng quên luôn những ngày 2 mẹ con căng thẳng vì bà phản đối quyết định gắn bó với mái ấm này của con gái. Thế nhưng, nỗi lo về những vất vả mà rồi đây con gái mình phải gánh vác để lũ trẻ ăn đủ no, mặc đủ ấm, chưa kể nhiều đứa bị bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật khiến bà rơi nước mắt.
*
...“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/Năm canh dài thức đủ vừa năm…”. Sau lưng tôi và bà Ngân, tiếng ru ngọt ngào của “mẹ” Trang đang giúp Gấu, Bi, Bo… có một giấc mơ trưa thật đẹp. Còn tôi, khi rời mái ấm ra về lòng đầy hân hoan khi cũng cảm nhận được hạnh phúc ở một dáng hình khác: Hạnh phúc không chỉ riêng mình!
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.