Dù còn một số ý kiến khác nhau về tuổi đời hàng thông, song không ai có thể phủ nhận, đây là hàng cây di sản gắn với bao câu chuyện đời người và lịch sử hình thành vùng chè danh tiếng một thuở ở phía Tây tỉnh Gia Lai.
Những chi tiết thú vị
Gần 60 năm trước, Hòa thượng Thích Giác Tâm về chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) tu học rồi trở thành trụ trì từ năm 1989 đến nay. Trong ký ức của vị sư già, đường vào chùa khi ấy đi qua 2 hàng thông xanh rợp bóng mát. Tâm trí con người cũng như được gột rửa để an tĩnh thong dong bước vào cửa thiền.
Ông kể: “Tôi về chùa năm 14 tuổi đã thấy 2 hàng thông cao lớn vài chục năm tuổi, tán đan vào nhau. Những năm đó chưa có khách du lịch, dân cư còn thưa thớt nên con đường hàng thông vô cùng yên tĩnh. Đi giữa 2 hàng thông nghe tiếng thông reo vi vu, tiếng bước chân trên nền đất. Vì thế, hàng thông như một con đường thiền dẫn vào cổ tự”.

Những năm tháng tu học của thầy Thích Giác Tâm trôi qua êm đềm dưới tán thông xanh. “Hàng thông yêu thương” cũng trở thành tựa một bài thơ của ông, trong đó có những câu thơ đầy xúc cảm: “Tôi đã đi về với hàng thông/Tuổi có trăm năm người Pháp trồng/Con đường sương phủ vi vu gió/Dẫn lối đi về chốn cửa Không/…/Này tôi luôn nhớ mãi con đường/Tinh mơ đã đẫm ướt khói sương/Con đường như một lời hẹn ước/Dẫn lối đi về cõi yêu thương”.
Hàng thông còn trở thành nguồn cảm hứng trong nhiều bài viết khác của ông, cho thấy sự gắn bó hài hòa giữa con người với cảnh vật, thiên nhiên.

Hòa thượng Thích Giác Tâm sinh ra và lớn lên ở vùng chè Biển Hồ. Nhưng cũng như nhiều người dân trong vùng, ông chỉ biết hàng thông được trồng từ thời Pháp, không rõ ai trồng và trồng từ năm nào. Theo những tài liệu do ông Nguyễn Quang Hiền (03 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) dịch từ tiếng Pháp và công bố có thông tin thú vị: Năm 2025 này, hàng thông Biển Hồ chè mới tròn trăm tuổi.
Theo ông Hiền, giám đốc đầu tiên của đồn điền chè Biển Hồ là ông Van Manen-người Hà Lan. Ngày 28-5-1925, ông cùng với 2 đồng hương và 3 người Pháp đặt chân đến Pleiku để làm công tác xây dựng cơ bản cho đồn điền chè Biển Hồ. Công việc của họ gồm chọn giống chè để ươm, làm nhà xưởng và quy hoạch trồng cây tạo cảnh quan. Trong đó có 2 hàng thông trên đường dẫn vào xưởng chế biến cũng được trồng cuối năm 1925 theo bản vẽ quy hoạch đã được Hội đồng Quản trị phê duyệt.
“Cứ cho là ông Van Manen trồng hàng thông ngay trong năm 1925 thì đến nay tuổi cây mới tròn trăm, không thể có chuyện trồng sớm hơn trước đó”-ông Nguyễn Quang Hiền nhận định.

Nhưng cũng có những lão niên từng làm công nhân cho đồn điền chè Biển Hồ cho rằng họ đã tham gia trồng hàng thông này. Cuộc gặp gỡ với vợ chồng ông Phạm Nọc (SN 1933) và bà Nguyễn Thị Chút (SN 1937, hiện sống tại số 246 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) lại mang đến những thông tin thú vị quanh hàng thông ở Biển Hồ chè.
Ở tuổi 92, tuy sức yếu nhưng trí nhớ ông Phạm Nọc vẫn khá minh mẫn. Ông kể: Ông bà gặp nhau và nên duyên khi làm công nhân đồn điền chè Biển Hồ. Nhờ chăm chỉ, thông minh, ông được cho đi học lái xe, sửa chữa máy móc.
Ông hồi nhớ: “Tháng 6-1960, tôi cùng với một số công nhân người dân tộc thiểu số được giao nhiệm vụ trồng hàng thông ở Biển Hồ trà. Tôi đã chở thông non từ vườn ươm về đó, dưới sự hướng dẫn của ông chủ người Pháp để trồng theo đúng khoảng cách. Tôi nhớ rõ vì thời điểm đi trồng thông, vợ tôi ở nhà sinh con gái thứ 3.
Và cũng sau nhiệm vụ này, tôi được chủ thưởng cho 300 đồng. Số tiền thưởng này rất lớn so với lương công nhân hồi đó”. Nếu theo lời kể của ông Phạm Nọc thì hàng thông năm nay chỉ mới… 65 tuổi!

Theo mốc thời gian trồng thông năm 1960 như lời kể trên, khi Hòa thượng Thích Giác Tâm về chùa Bửu Minh tu học (năm 1969) thì hàng thông không thể cao lớn rợp tán dọc đường đi. Còn ông Nguyễn Quang Hiền luận giải vấn đề dựa vào tài liệu lịch sử dịch từ tiếng Pháp.
Ông Hiền cho biết thêm: Khi các nhà tư bản Pháp thành lập Công ty trà Bàu Cạn Catecka vào tháng 10-1925, vì ông Van Manen đã có mặt tại Pleiku trước đó khoảng nửa năm nên họ đã thuê ông làm công tác xây dựng cơ bản cho cả đồn điền Bàu Cạn.
Lúc đó, ông Van Manen cũng đã cho trồng 2 hàng thông ven đường vào nhà máy chế biến trà Bàu Cạn giống như đã làm ở sở trà Biển Hồ. Đáng tiếc là sau năm 1975, dân cư trong vùng đã chặt hạ hết những cây thông này. Nếu không, tại Bàu Cạn ngày nay cũng có hàng thông trăm tuổi như ở vùng đất Nghĩa Hưng. “Như vậy, không thể để đến mãi năm 1960 qua mấy đời chủ nữa thì hàng thông mới được trồng ở Biển Hồ trà”-ông Hiền khẳng định.
Thanh âm một đời cây
Để làm rõ thêm câu chuyện này, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Văn Cường-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Ông Cường cho biết: Hàng thông ở Biển Hồ chè hình thành gắn liền với lịch sử của Công ty (tức khoảng năm 1925). Nếu để ý sẽ thấy có những lớp thông nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, những gốc thông cổ thụ được Công ty đánh số để bảo vệ. Bên cạnh đó còn có một lớp thông được trồng sau. Đây có thể là những cây thông được thế hệ ông Phạm Nọc trồng bù vào khoảng trống những cây thông bị chết trước đó.
“Qua hàng thế kỷ hình thành, hàng thông đã trở thành hàng cây di sản, có công sức kiến tạo của nhiều lớp người, tạo nên thắng cảnh thu hút rất đông du khách. Hàng cây giờ đây không còn là tài sản của Công ty mà là tài sản chung của du lịch Gia Lai, cần được mọi người chung tay bảo vệ”-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ chia sẻ.

Đời thông cũng giống như đời người khi trải qua bao “sóng gió”. Những năm đầu thời kỳ đổi mới, lãnh đạo Công ty Chè Biển Hồ tính bán hàng thông này khi đơn vị gặp khó khăn. Nhưng rất may khi mới cưa hạ vài ba cây đã có người kịp thời ngăn lại. Hay năm 2017-2018, hàng cây bị nhiều người dân cạo vỏ làm giá thể trồng lan, xâm hại nghiêm trọng sự sống của những “cụ” thông.
Hòa thượng Thích Giác Tâm kể: Đau xót khi thấy hàng thông bị xâm hại, ông phải viết bài kêu gọi cộng đồng mạng, báo chí vào cuộc lên án, ngăn chặn. Hàng ngày, ông còn đi kiểm tra vào sáng sớm hay chiều muộn để kịp thời phát hiện, can ngăn. Sau sự cố đó, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ phối hợp với chính quyền địa phương đánh số từng gốc thông cổ thụ để có phương án bảo vệ. Ông Phạm Văn Cường trực tiếp đi kiểm tra, giám sát việc đánh số này. Công ty cũng tiến hành cắt tỉa lại cành nhánh, chăm sóc những cây thông bị cạo vỏ, đồng thời trồng dặm những cây thông non vào các khoảng trống.
Qua bao dâu bể, hàng thông ở Biển Hồ trà đã trở thành chỉ dấu cho vùng đất phía Tây. Hiếm ở đâu, thông được trồng thành hàng trên một cung đường dài, có tuổi đời trăm năm như vậy. Chị Đoàn Thị Thúy-Chủ quán cà phê “Hàng thông trăm tuổi” ở cuối đường hàng thông chia sẻ: Với chị và nhiều người dân sinh ra, lớn lên ở vùng đất Nghĩa Hưng, hàng thông trở thành một phần thân thuộc.
“Thật xúc động khi biết năm 2025, hàng thông này tròn trăm tuổi. Ai đi xa cũng nhớ về hàng cây này. Còn những người sống ở đây như tôi càng thấy gắn bó với quê hương. Được nhìn ngắm vẻ đẹp của hàng thông mỗi ngày, vào lúc hoàng hôn hay khi mặt trời mọc là cảm giác thật hạnh phúc. Mấy năm nay chứng kiến du khách đổ về đây chụp ảnh, dành cho hàng thông những mỹ từ như “con đường Hàn Quốc”, “con đường tình yêu”, tôi càng thêm hãnh diện và cũng nhìn thấy cơ hội từ hoạt động du lịch mang lại. Tôi lấy tên hàng thông đặt tên quán cà phê như một chỉ dấu để mọi người dễ nhận biết, hơn nữa, còn là niềm tự hào của tôi đối với hàng cây di sản đã tạo nên điểm đến nổi bật cho du lịch Gia Lai”-chị Thúy bày tỏ.

Được thiết kế hoàn toàn bằng những gốc cà phê mít cổ thụ-một giống cà phê bản địa được trồng lâu năm dưới tán thông xanh, quán cà phê “Hàng thông trăm tuổi” góp phần tạo điểm nhấn cho du khách khi đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp, viếng thăm chùa cổ Bửu Minh. Từ hàng thông trăm tuổi, du khách dễ dàng kết nối đi đến các thắng cảnh phía Tây như: đập Tân Sơn, dãy Chư Nâm, núi lửa Chư Đang Ya…
Hàng thông tròn trăm tuổi là dấu mốc của một đời cây. Nếu được làm hồ sơ đề nghị công nhận là hàng cây di sản, những “cụ” thông sẽ góp phần kể bao câu chuyện đời người và lịch sử hình thành nên vùng trà danh tiếng một thuở ở phía Tây tỉnh Gia Lai.