Hàng rào sắt "bao vây" nhà rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà rông truyền thống ở các làng của xã Hà Tây (huyện Chư Pah) được xem là báu vật theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vùng đất này cũng là “đích ngắm” cho loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa, được nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao trong các chuyến khảo sát. Tuy nhiên, việc làm hàng rào sắt và bê tông hóa một số hạng mục xung quanh đang làm phá vỡ không gian truyền thống của nhà rông, gây không ít tiếc nuối cho người dân bản địa, những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên lẫn ngành du lịch.
“ĐÓNG KHUNG” KIẾN TRÚC MỞ
Ông Trần Anh Hào-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây-cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2019, xã đã phân khai cho 9 làng, mỗi làng 142 triệu đồng làm cổng, hàng rào sắt, sân bóng chuyền, nhà vệ sinh ở khu vực nhà rông. Theo ông Hào, nguồn vốn do Nhà nước cấp nhưng việc đăng ký các hạng mục do địa phương đề xuất. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn để khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng nông thôn mới. Nhưng theo quan sát của P.V, hàng rào bê tông cốt thép bao quanh những nhà rông truyền thống ở Hà Tây rất lạc lõng so với tổng thể cảnh quan xung quanh, thiếu sự hài hòa giữa không gian truyền thống với kiến trúc, cảnh quan. Chưa kể với số vốn được cấp như nhau, một số nhà rông có không gian rộng thì hàng rào chỉ đủ bao quanh một phần, phần còn lại trống trơn, rất nửa vời. Lớn lên dưới mái nhà chung của làng, chị Khah (làng Kon Băh) bày tỏ quan điểm: “Mình thấy làm hàng rào sắt quanh nhà rông truyền thống không phù hợp một chút nào”. 
Không gian mở của nhà rông làng Kon Sơ Lal trước khi bị “bao vây” bởi hàng rào sắt. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Không gian mở của nhà rông làng Kon Sơ Lal trước khi bị “bao vây” bởi hàng rào sắt. Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Nhà rông làng Kon Mah là một ví dụ. Hơn 20 năm qua, ngôi nhà rông vẫn giữ được vẻ đẹp thuần khiết, hài hòa từ kiến trúc đến không gian, mái lợp tranh, sừng sững giữa một bên là đường liên xã, một bên là dòng suối Tơ Pơng. Sự bình dị, mộc mạc của nhà rông gắn với khung cảnh tự nhiên đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, các nhà báo, du khách khi đến với vùng đất này. Sau khi được đầu tư xây dựng một số hạng mục, phía sau ngôi nhà rông xuất hiện một sân bóng chuyền nền xi măng, nhà vệ sinh và chỉ một đoạn ngắn tường rào sắt được dựng lên! Còn nhà rông làng Kon Sơ Lal đã có sẵn sân bóng chuyền từ khi làng làm nhà rông nên toàn bộ kinh phí được sử dụng làm hàng rào sắt, hệ thống nhà vệ sinh, nước sạch. Mới đây, khi về xã Hà Tây, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Linh Vinh Quốc đã bày tỏ sự thất vọng bởi tuyệt tác kiến trúc nhà rông này như bị “đóng khung” vào hàng rào sắt. Anh không khỏi tiếc nuối: “Nhà rông ở Hà Tây từ trước tới nay luôn ở một không gian mở, rất hài hòa với xung quanh. Nó cứ uy nghi ở đấy, mọi sinh hoạt cộng đồng vẫn diễn ra ở đấy, nhưng cái hàng rào đã làm hỏng toàn bộ kiến trúc và không gian xung quanh”.
MẤT NHIỀU HƠN ĐƯỢC
Được về cơ sở hạ tầng nhưng mất đi cảnh quan, kiến trúc truyền thống. Đây là điều gây tiếc nuối nhất cho những nhà rông ở Hà Tây. Nếu vì lý do gìn giữ nhà rông thì yếu tố này không đúng với tập tục, lối sống của bà con Bahnar nơi đây. Gìn giữ nhà rông cần dựa trên ý muốn của cộng đồng và càng cần được tôn trọng bản sắc văn hóa. Già làng Ngươm (làng Kon Mah) cho biết: “Nhà rông làng mình làm đã hơn 20 năm, từ trước tới nay dù không có hàng rào nhưng luôn được bảo vệ, bao nhiêu năm nay vẫn thế”. Về nếp sống, sinh hoạt văn hóa gắn với nhà rông, ông Bien-Phó Chủ tịch HĐND xã-cho biết: “Từ xưa đến nay, người Bahnar đã quen với việc chỉ cần nghe tiếng kẻng báo tin là khắp mọi hướng đổ về tụ họp đông đủ ở nhà rông, không có hàng rào, cổng sắt nào ngăn cách không gian sinh hoạt chung này của cộng đồng. Việc làm hàng rào sắt bao quanh đã phá vỡ không gian sinh hoạt truyền thống xa xưa”.
Hàng rào, cổng sắt bao quanh nhà rông làng Kon Sơ Lal. Ảnh: H.N
Hàng rào, cổng sắt bao quanh nhà rông làng Kon Sơ Lal. Ảnh: H.N
Từng có thời gian công tác ở Tây Nguyên, anh Nguyễn Tiến Thành-phóng viên ảnh tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, những nhà rông truyền thống ở Hà Tây là “của hiếm”, nhiều vùng không còn giữ được những giá trị kiến trúc như vậy. Vì thế, khi xem những ảnh hàng rào sắt bao quanh nhà rông ở vùng đất đậm đặc giá trị văn hóa bản địa này, anh đã không khỏi ngỡ ngàng, tiếc nuối. “Tôi đã mất vài phút để định hình mình đang xem gì. Tôi mở lại hình ảnh từng chụp Hà Tây từ năm 2013. Tôi nhớ lần đầu bắt gặp những nhà rông ở vùng đất này một cách rất tình cờ. Không gian rất mở, không có bức tường nào cả; xung quanh là những bãi cỏ, cây xanh hoặc nhà rông nằm ở vị trí trung tâm làng, giữa những nhà dân khác, rất hài hòa, rất tự nhiên. Tôi nghĩ nhà rông mang tính cố kết cộng đồng và ở đó mọi người có ý thức, trách nhiệm với “mái nhà chung” rất cao nên không cần một bức tường rào ngăn cách. Làm vậy không khác nào “trói” nhà rông, hơn nữa biến nó thành một “bảo tàng khép kín”, ai muốn xem, muốn tới thì phải mở cửa, phải “đột nhập”... Nhà rông ở Hà Tây không phải như vậy, hãy để nó là nơi ai cũng có thể tới và ai trong cộng đồng cũng đều ra sức bảo vệ. Nó là hồn cốt của làng, là gương mặt của cộng đồng nơi đó”.
Để phát triển có khi phải đánh đổi giữa được và mất, nhưng nếu phải đánh đổi các giá trị văn hóa cốt lõi của một vùng đất thì phải chăng là mất mát quá lớn? Những người làm du lịch cảm thấy thế nào khi chứng kiến khung cảnh này? Nếu du lịch cộng đồng chú trọng khai thác các giá trị của văn hóa bản địa, cảnh quan thiên nhiên hài hòa, sự nguyên sơ, mộc mạc để đáp ứng thị hiếu của du khách thì rõ ràng, các giá trị ấy đang biến đổi rất mạnh mẽ theo hướng mất dần đi ở vùng đất Hà Tây, trước nhất ở “trái tim của làng”. Tỉnh Kon Tum cũng từng phải khắc phục hậu quả của cách làm tương tự khi áp đặt lên các giá trị văn hóa bản địa. Trước sự phản ứng gay gắt của các nhà nghiên cứu văn hóa, của khách du lịch và chính người dân, chính quyền đã phải cho tháo dỡ toàn bộ hàng rào bê tông cốt thép quanh nhà rông ở Làng văn hóa du lịch Kon Pring (xã Đak Long, huyện Kon Plông). Làng văn hóa du lịch Kon Ktu (phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum) cũng đứng trước sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng bởi sự bê tông hóa ngôi làng diễn ra mạnh mẽ khi được một ngân hàng lớn đầu tư. Có người gọi đó là “cái chết của một ngôi làng” từng có vị trí và kiến trúc đẹp bậc nhất khu vực Bắc Tây Nguyên.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh: “Nhà rông là ngôi nhà chung của cộng đồng. Đó vốn là một không gian mở để đón dân làng và du khách đến từ mọi hướng. Việc xây hàng rào, nhất là hàng rào sắt như thế này không chỉ tốn kém mà còn gây phản cảm, phá vỡ không gian truyền thống của nhà rông Bahnar. Nó khiến những người yêu văn hóa Tây Nguyên cảm thấy đau lòng, bởi ở thời điểm hiện tại, Hà Tây là khu vực hiếm hoi còn lại những ngôi nhà rông đẹp, là điển hình của nhà rông truyền thống Tây Nguyên”.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Chuyện thường ngày của người lính tình nguyện ở Đức Cơ

Chuyện thường ngày của người lính tình nguyện Võ Văn Sung

(GLO)- Vừa đi phiên dịch cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh về lại gặp đoàn cựu chiến binh có nguyện vọng đi thăm chiến trường xưa, không cách nào từ chối, anh Võ Văn Sung-Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị tỉnh Gia Lai lại khăn gói lên đường vừa làm hướng dẫn viên vừa kiêm phiên dịch cho các đồng đội cũ.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.