Hacker đang mở đợt tấn công có chủ đích trên diện rộng vào Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cục An toàn thông tin đề nghị người dùng khẩn trương ứng phó sau khi có hơn 400.000 địa chỉ IP bị nhiễm mã độc của chiến dịch tấn công có chủ đích vào hệ thống thông tin ở Việt Nam.

 (Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)


Sáng 30/10, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cơ quan điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia đã phát lệnh điều phối, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gấp rút rà quét, bóc gỡ các tệp tin chứa mã độc của chiến dịch tấn công có chủ đích (APT) quy mô lớn đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Theo đó, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết đã phát hiện và ghi nhận chiến dịch tấn công APT có máy chủ điều khiển đặt bên ngoài lãnh thổ, phát tán mã độc quy mô lớn nhằm vào các hệ thống thông tin của các cơ quan Chính phủ và chủ quản hệ thống thông tin hạ tầng quan trọng quốc gia Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà chức trách đã xác định được hơn 400.000 địa chỉ IP bị lây nhiễm với hơn 16 biến thể của mã độc trong chiến dịch này.

Cũng trong lệnh điều phối ứng cứu mới phát ra, Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện gấp các biện pháp theo dõi, giám sát những kết nối đến máy chủ điều khiển mã độc.

Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được yêu cầu phải giám sát nghiêm ngặt, ngăn chặn kết nối đến các máy chủ điều khiển mã độc APT theo danh sách được Cục An toàn thông tin tổng hợp (dưới đây).


 

Danh sách các tên miền/IP máy chủ điều khiển mã độc (Nguồn: Cục An toàn thông tin)
Danh sách các tên miền/IP máy chủ điều khiển mã độc (Nguồn: Cục An toàn thông tin)
Danh sách mã băm (Nguồn: Cục An toàn thông tin)
Danh sách mã băm (Nguồn: Cục An toàn thông tin)



Mã độc được nhóm tin tặc sử dụng trong chiến dịch tấn công APT lần này được đánh giá là rất nguy hiểm.

Khi phát tán vào Việt Nam, mã độc chủ yếu được lây nhiễm qua đường email, đánh lừa người dùng nhấn vào file word (.doc) đính kèm. Ngoài việc đánh cắp thông tin, tin tặc còn có thể lợi dụng máy của người dùng để tấn công các máy tính khác, huy động thành một mạng máy tính ma tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Các mã độc này cũng có thể nằm vùng, gián điệp để thực hiện tấn công leo thang các hệ thống thông tin trọng yếu.

Người sử dụng có thể tải công cụ rà quét, diệt các mã độc của chiến dịch APT do Cục xây dựng và cung cấp trên các trang ais.gov.vn, vncert.vn.

Nhấn mạnh mức độ đặc biệt nguy hiểm của các mã độc được nhóm tin tặc sử dụng trong chiến dịch tấn công APT quy mô lớn lần này, Cục An toàn thông tin đề nghị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện lệnh điều phối. Thời hạn các đơn vị gửi báo cáo tình hình lây nhiễm và kết quả xử lý (nếu có) về Cục An toàn thông tin là trước ngày 5/11/2019.

Minh Sơn (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.