Gương mặt thơ: Phan Thị Thanh Nhàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi tôi còn học phổ thông, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã nổi tiếng với tập “Xóm đê ngày ấy” mà học sinh từng phải học và phân tích.

Rồi sau đó, khi bài thơ “Hương thầm” được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thì tên tuổi chị gắn với... hoa bưởi. Khắp các sân khấu ca nhạc một thời tràn ngập hoa bưởi. Và bạn đọc yêu thơ chị cũng rất hay tìm cách tặng chị hoa này.

Nhưng chị còn những bài thơ tình hay đến thổn thức, đến quặn thắt mà lại cũng... nhẹ như không: “Nếu anh đi với người yêu/Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi/Con đường ta đã dạo chơi/Xin đừng đi với một người khác em”.

Có xa xót, có tự tin, có điềm tĩnh, có dằn vặt, có níu kéo... và tóm lại, cuối cùng là, chỗ nào xung quanh em cũng là... đường. Cái lá, giọt sương, ánh mặt trời, giấc ngủ, cơn mơ vân vân, tức là, anh không được yêu ai, ngoài em.

Tôi với chị từng đọc thơ ở liên hoan thơ quốc tế tại Ấn Độ và hiểu thêm chất thi sĩ trong con người chị. Lạc quan, hết sức vui vẻ với đàn em, đàn cháu nhưng cũng hết sức chỉn chu. Sinh năm 1943 nhưng không ai nghĩ chị đã... từng ấy tuổi. Vẫn đi bơi, khiêu vũ, đạp xe và gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp, không chỉ ở Hà Nội mà rất nhiều nơi trên thế giới. Người vẫn còn “Cầm tay Hà Nội” được thì chưa thể quá 60, xấp xỉ tôi thôi nên tôi cũng luôn luôn coi chị là bạn, là bằng vai phải lứa. Nhưng mà bằng thế nào được. Năng lượng sống của tôi có lẽ chỉ bằng phần nhỏ của chị, nhất là khi đọc những câu như thế này: “Ta cầm tay Hà Nội/Mối tình đầu vẹn nguyên”. Vẫn nồng nàn lắm!

Giờ, mỗi lần ra Hà Nội mà có điều kiện, chị đều rủ tôi... uống bia. Chị cũng từng vào Pleiku và có thơ về Tây Nguyên. Năm 2021, chị xuất bản tập thơ tình “Nhẫn cỏ”. Còn hiện nay thì, hàng ngày, tôi vẫn thấy chị “sáng đèn” trên Facebook. Chị chính là một thi sĩ thứ thiệt, một thi sĩ không tuổi, thi sĩ phi thời gian.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.





TRỜI VÀ ĐẤT



Chiều nay chắc giận em ghê lắm

Anh bực mình triết lý lung tung

Hai đứa ta như trời với đất

Tính tình sao xung khắc vô cùng!



Vâng trời-đất chẳng hề thân thiết

Vì tính tình có giống nhau đâu

Trời ồn ào buồn vui lộ liễu

Đất trầm tư suy nghĩ trước sau.



Nhưng trời dẫu xa cao lồng lộng

Tính vẫn thường bồng bột đổi thay

Khi giận dữ núi nghiêng đất lở

Bão tan rồi, trời xanh thơ ngây.



Đất khiêm nhường màu nâu lao động

Mà thẳm sâu lặng lẽ sinh sôi

Trên mặt đất chính là cuộc sống

Có cần chi biện bạch nhiều lời.



Anh ơi

Nếu được ví cao xa như thế

Em cũng không là trời đất gì đâu

Nhưng anh có biết không: trời-đất

Sẽ chả là gì nếu thiếu nhau.





CON ĐƯỜNG



Nếu anh đi với người yêu

Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi

Con đường ta đã dạo chơi

Xin đừng đi với một người khác em.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Hàng cây nay đã lớn lên

Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau

Hai ta không biết vì đâu

Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài.



Nếu cùng người mới dạo chơi

Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu.





FACEBOOK VÀ NHẪN CỎ



Chàng kém mình nhiều tuổi

Chưa một lần gặp nhau

Bỗng nhắn tin thương mến:

“Ngón tay số thế nào?”.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang



Nước mắt mình bỗng chảy

Suốt một đời yêu đương

Chưa ai từng tặng nhẫn

Dẫu khổ nghèo, giàu sang.



Giờ dù là nhẫn cỏ

Kết bài thơ không lời

Cũng sưởi mình ấm áp

Ngón tay gầy đơn côi.



Dẫu rằng không gặp mặt

Vẫn ấm lòng-chàng ơi!

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.