Gượng dậy để sống: Vừa làm anh, vừa làm 'cha mẹ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cả cha lẫn mẹ đều mất vì Covid-19, hai anh em Trình Quang Thịnh (28 tuổi, làm bảo vệ) và Trình Thanh Ngân (16 tuổi, học sinh lớp 10 tại TP.HCM) nương tựa nhau đi qua những ngày tháng đau buồn.
Chia sẻ với chúng tôi, cô bé Thanh Ngân bày tỏ sự hối tiếc: “Lúc ba mẹ mất, hai anh em không có tấm hình nào của ba mẹ để thờ. Em chưa bao giờ chụp hình ba mẹ trên điện thoại của mình và gia đình em không có tấm ảnh nào chụp chung!”.
“Con sẽ ráng lo cho bé Ngân...”
Mấy tháng nay, hai anh em Thịnh - Ngân chuyển đến tá túc trong nhà bà con tại P.15, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Ngân rơm rớm nước mắt, nói về di ảnh của các đấng sinh thành trên bàn thờ: “Hình này được chụp khi ba mẹ em dự đám cưới của chị họ. Chị ấy cắt ra, nên mới có ảnh để thờ”.
Trước đó, hai anh em cùng cha mẹ ở trọ nhiều năm liền tại xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM. Trong cao điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn ra khốc liệt tại TP.HCM (từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 9.2021), hai anh em mất cả mẹ (53 tuổi) lẫn cha (55 tuổi) chỉ trong vòng một tuần lễ!
 
Không chỉ lo cuộc sống riêng, anh Thịnh thay cha mẹ nuôi dạy em gái
Không chỉ lo cuộc sống riêng, anh Thịnh thay cha mẹ nuôi dạy em gái
Theo anh Trình Quang Thịnh, ngày 16.7.2021, mẹ anh được đưa vào điều trị Covid-19 tại một bệnh viện lớn ở Q.5, TP.HCM. Anh Thịnh xót xa: “Khi đó bệnh viện quá tải, có quá nhiều F0, y bác sĩ không đủ khả năng chăm lo cho tất cả bệnh nhân. Tôi xin vào nuôi mẹ nhưng lãnh đạo bệnh viện không cho vì liên quan đến vấn đề lây nhiễm”.
Trong 10 ngày người mẹ nằm viện điều trị Covid-19, hầu như hôm nào anh Thịnh cũng gọi 2 - 3 cuộc điện thoại để động viên tinh thần mẹ. Thịnh luôn nhớ cuộc trò chuyện vui vẻ của hai mẹ con, không ngờ đó là lần cuối cùng anh còn có mẹ trên đời. Khi ấy, Thịnh khoe: “Mẹ ơi, con sắp lấy vợ. Qua tết, con nói với ba coi ngày nào được thì làm lễ ra mắt, để hai bà sui gặp nhau”. Bà mẹ vui mừng: “Tao khỏe rồi, tao xin bác sĩ về liền”. Nhưng theo anh Thịnh, từ đêm đó, anh không liên lạc được với mẹ. Hai hôm sau, vào ngày 26.7.2021, bác sĩ báo tin mẹ anh mất.
Bi kịch liên tiếp xảy ra, ngày 2.8.2021, chỉ một tuần sau cái chết của người mẹ, ba của anh Thịnh điều trị cùng bệnh viện cũng qua đời vì Covid-19. Sau khi cố gắng năn nỉ bộ phận đưa xác đi thiêu, anh Thịnh được phép nhìn thi hài người thân lần cuối, song phải đứng từ xa và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Và trong 2 lần bái vọng đấng sinh thành, anh Thịnh khấn: “Con sẽ ráng lo cho bé Ngân, mong mẹ (ba) yên nghỉ...”.
 
Cô bé Trình Thanh Ngân giữ lại áo quần của cha mẹ để mặc, với suy nghĩ hai đấng sinh thành luôn bên cạnh mình
Cô bé Trình Thanh Ngân giữ lại áo quần của cha mẹ để mặc, với suy nghĩ hai đấng sinh thành luôn bên cạnh mình
Anh Thịnh làm bảo vệ cho một công ty tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Sau khi ba mẹ qua đời, anh Thịnh và em gái đến ở nhà của người bà con tại Q.Bình Thạnh, cách không xa chỗ làm của anh. Với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, anh Thịnh phải trang trải nhiều khoản chi, trong đó có việc nuôi em gái ăn học.
Không chỉ lo chuyện cơm áo, anh Thịnh cho biết đôi khi còn “đau đầu” với đứa em đang tuổi dậy thì. Đặc biệt, trong thời gian đầu bất đắc dĩ làm thay vai trò ba mẹ, anh Thịnh từng chia sẻ: “Ba mẹ mất rồi, trách nhiệm của mình với bé Ngân là phải nuôi em, cho nó ăn học và sự hiểu biết. Hồi trước, ba mẹ nuông chiều em khiến nó không biết làm gì. Những lúc em làm sai, mình có la mắng nó. Mình nhìn nó, rồi nhìn lại hình ba mẹ trên bàn thờ, thầm nói rằng giờ con phải làm sao để dạy được em...”.
Mặc áo quần của người cha quá cố
Trong khi đó, cô bé Thanh Ngân âm thầm chịu đựng cú sốc tâm lý và nỗi hụt hẫng, cô đơn khi đột ngột mất đi vòng tay yêu thương của cha mẹ. Cô bé vừa khóc vừa kể: Ở nhà trọ cũ (H.Bình Chánh), Ngân nhìn đâu cũng thấy trống vắng. Không còn hình ảnh quen thuộc ba đang cặm cụi sửa xe, hoặc coi ti vi, đọc báo; mẹ đứng ở bếp nấu ăn, hoặc ngồi bên em trò chuyện...
 
Hai anh em Trình Quang Thịnh và Trình Thanh Ngân nhớ thương cha mẹ. Ảnh: Như Lịch
Hai anh em Trình Quang Thịnh và Trình Thanh Ngân nhớ thương cha mẹ. Ảnh: Như Lịch
“Đến tận bây giờ, đôi lúc em vẫn nghĩ đây chỉ là giấc mơ thôi, không phải thật. Cho tới khi thấy hình ba mẹ trên bàn thờ, em mới trở về thực tại là hai người thương yêu em nhất không còn bên em nữa”, Ngân thổ lộ. Từ lúc biến cố xảy ra, anh trai lo mưu sinh, Ngân phải tự làm mọi việc như nấu ăn, giặt đồ, lau dọn...
Ngân tâm sự hôm các bạn cùng lớp đi chích ngừa Covid-19, mọi người dặn nhau phải mời phụ huynh đi cùng. Bạn nào cũng đi chung với mẹ hoặc ba, riêng Ngân đơn độc. Một người bạn biết hoàn cảnh mồ côi của Ngân, đã tự nguyện lên trợ giúp cô bé điền hồ sơ.
Trong phòng trọ, tôi nhận thấy Ngân treo khá nhiều áo quần của ba mẹ, đặc biệt là nhiều áo sơ mi và quần tây của người cha. Nữ sinh này cho biết thường mặc áo quần của người cha quá cố những khi có việc ra đường hoặc đi học ngoại khóa. Thấy Ngân hay mặc quần tây rộng, có bạn vô tình hỏi đùa: “Mày bận quần của ba mày hả, sao bự quá vậy?”. Ngân ứa nước mắt: “Ừ, quần của ba tao!”.
Thanh Ngân bộc bạch: “Hồi xưa, ba em làm công sở nên luôn bận quần tây, áo sơ mi. Áo quần ba nhiều vì mẹ tranh thủ đi may thêm cho ba. Còn mẹ chỉ mua vài đồ bộ mấy chục ngàn đồng bày bán ở vỉa hè để mặc từ năm này qua năm khác (khóc)... Em muốn giữ lại tất cả nhưng lo là nếu không đốt áo quần của ba mẹ thì ở dưới đó ba mẹ lấy gì để bận. Cho nên em chỉ đốt áo quần mới, giữ lại đồ cũ, thậm chí đồ sờn rách vì đó là những cái ba mẹ từng mặc nhiều lần với nhiều kỷ niệm”.
Đối với anh em Thịnh - Ngân, một trong những điều day dứt và hối tiếc khôn nguôi là chưa bao giờ chụp hình, quay video lúc cả nhà sum vầy, có đủ đầy ba mẹ. Hai anh em không thể ngờ ba mẹ mình ra đi đột ngột như vậy. Cô bé Thanh Ngân ngậm ngùi: “Em sợ ngày nào đó, em quên mất giọng nói của ba mẹ. Em thấy mình nợ ba mẹ nhiều lắm!”. (còn tiếp)
Bánh bao cúng mẹ
Thanh Ngân cho biết trong những ngày cuối cùng mà mẹ Ngân điều trị Covid-19 ở bệnh viện, bà nhắn con gái: “Con mua cho mẹ một cái bánh bao ở chỗ mẹ hay ăn”. Nhưng lúc đó TP.HCM thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nên tiệm bánh bao quen thuộc tạm ngừng buôn bán. Ngân gọi điện động viên mẹ: “Mẹ ráng khỏe, hết dịch rồi con chở mẹ đi ăn, mẹ muốn ăn món gì cũng có”. Bà mẹ vui vẻ: “Ráng đợi đi, tuần sau tao về. Bác sĩ nói tao khỏe rồi, tao hết bịnh rồi nè”. Không ngờ hai hôm sau đó, bà mẹ không qua khỏi... Suốt nhiều tháng liền, mỗi ngày Ngân mua hai cái bánh bao cúng mẹ.
Theo Như Lịch (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.