Gỡ nút thắt để kinh tế tăng trưởng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả hết sức tích cực trong 10 tháng qua như: GDP tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát… thì nền kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay khoảng 8% và năm 2023 là 6,5% đòi hỏi Chính phủ phải có các giải pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Trong 10 tháng năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường; dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn; giá nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng đột biến dẫn đến tăng trưởng giảm, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái ở nhiều nền kinh tế, bao gồm cả những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, được hiện thực hóa bằng Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Trước đó, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30 với nhiều quyết nghị rất mạnh mẽ về công tác phòng-chống dịch gắn với phát triển kinh tế, ổn định xã hội, mở đường cho việc ra đời Nghị quyết số 128 của Chính phủ, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: Tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực quan trọng là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, góp phần quan trọng đưa GDP 9 tháng năm 2022 tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong suốt 12 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (CPI 9 tháng tăng 2,73%), các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định…
Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn (tới hơn 200% GDP) như Việt Nam thì vẫn còn đó nhiều rủi ro tiềm ẩn, tác động từ bên ngoài cũng như từ chính nội tại của nền kinh tế, tạo áp lực rất lớn lên tăng trưởng cũng như việc kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, đòi hỏi phải chủ động và không chủ quan trong công tác dự báo, điều hành. Theo các chuyên gia, Chính phủ cần làm rõ những yếu tố bất lợi, thậm chí là những điểm nghẽn tác động tới “3 chân kiềng” tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa. 
Cụ thể, với hoạt động xuất khẩu, mặc dù tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 10 tháng qua đạt hơn 620 tỷ USD (xuất siêu gần 8 tỷ USD) nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm xuất khẩu. Thậm chí, khả năng thâm hụt trong cán cân thương mại hàng hóa là rất cao khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của ta như: dệt may, da giày, đồ gỗ… đang gặp khó vì thiếu đơn hàng, bị hủy đơn hàng đã ký trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do cắt giảm tiêu dùng, bởi áp lực lạm phát của nhiều quốc gia.
Với đầu tư, giải ngân đầu tư công chậm vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả. Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm 2022 nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt 50% yêu cầu. Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 20%). Ngay cả các dự án trọng điểm của quốc gia, tiến độ cũng rất chậm. Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với liên kết vùng được coi là động lực cho tăng trưởng bền vững và hiệu quả cộng gộp nhưng lại chưa được coi trọng.
Cuối cùng là phải làm sao để nâng cao chất lượng của nền kinh tế. Tốc độ tăng năng suất lao động là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nhưng vẫn không đạt, cho thấy tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động. Thu nhập chưa được cải thiện sẽ tác động trực tiếp tới nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, để có một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì việc đáp ứng “cầu” nội địa, nghĩa là tăng trưởng từ tiêu dùng nội địa chính là thế chân kiềng thứ 3 đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Vì vậy, để kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, gắn với ổn định vĩ mô cần phải xây dựng được một kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát. Cần nhanh chóng khơi thông dòng vốn để tiền đi vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đồng thời phải thận trọng với rủi ro lạm phát có thể tăng trở lại.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...