Tròn nửa thế kỷ dựng xây đất nước với những thành tựu vô cùng to lớn, Việt Nam tiếp tục vươn mình đón cơ hội mới để có thể tự tin ghi tên mình vào nhóm các quốc gia phát triển.
Với những quyết sách mang tính đột phá về thể chế sẽ được thảo luận, thông qua làm tiền đề cho đất nước bước vào kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV được xem là kỳ họp lịch sử của đất nước.

Diễn ra sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11-hội nghị bàn về những quyết sách mang tính xoay chuyển của đất nước, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV được xem là kỳ họp “lịch sử của lịch sử” khi sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác lập hiến, lập pháp và những vấn đề trọng đại của đất nước.
Việc chuẩn bị cho kỳ họp này đã được khởi động từ nhiều tháng nay, khi cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngày càng quyết liệt, thực chất, đụng chạm đến nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng nhà nước, cải cách hành chính, tư duy quản trị, chất lượng nền công vụ… thông qua việc tinh gọn hệ thống hành chính từ Trung ương đến địa phương, nhất là chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, chấm dứt hoạt động của cấp huyện, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Quá trình ấy đòi hỏi có sự hậu thuẫn vững chắc của hệ thống hiến pháp và pháp luật. Cùng với đó là những cải cách mang tính đột phá về thể chế. Bởi thực tế cho thấy, yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định thành công của mỗi quốc gia là thể chế, pháp luật phải chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Nhà nước phải biết nói không với những tồn tại, bất cập trong thể chế, pháp luật; phải kiên quyết không thỏa hiệp với bất kỳ sự yếu kém nào trong quá trình thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật hay tổ chức thực thi.
Với 37 ngày làm việc được chia thành 2 đợt, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ thảo luận và quyết định một khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội lớn của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013, thông qua nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh để cả nước chỉ còn 34 tỉnh, thành phố và giảm 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy nhà nước “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân”.
Kỳ họp này cũng được xem là kỳ họp của những thay đổi khi dự kiến, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết về việc bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phấn đấu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và 2 con số trong các năm tiếp theo…
Việc chính thức thừa nhận và dành cơ chế đủ thông thoáng, đủ tiện lợi để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, cũng như nhiều chủ trương, quyết sách khác, thông qua kiến tạo thể chế pháp luật vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông các động lực tăng trưởng chính là những thay đổi mang tính đột phá trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Khai mạc sớm hơn dự định 2 tuần, thời gian làm việc nhiều hơn những kỳ họp khác, lại diễn ra trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV được kỳ vọng là kỳ họp lịch sử khi không chỉ quyết định những vấn đề hệ trọng trong lịch sử phát triển đất nước, của dân tộc, mà còn là dấu mốc quan trọng trong tư duy kiến tạo thể chế, để hệ thống thể chế, pháp luật thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia.
Thể chế, pháp luật kiến tạo chính là chìa khóa để mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước-thời kỳ của sự bứt phá, tự tin hội nhập và khát vọng vươn mình.