Những ngày cuối tháng Tư, cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước. Trên nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh, hàng ngàn người đã xuống đường theo dõi lễ diễu binh, diễu hành - một sự kiện vừa long trọng, vừa thiêng liêng.

Thế nhưng giữa không khí rộn ràng ấy, một đoạn livestream đang dậy sóng mạng xã hội lại khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng: một nhóm thanh niên, với thái độ cười cợt, giành chỗ ngồi với hai cụ ông cựu chiến binh, không một lời nhường nhịn, cũng chẳng một thái độ tôn kính.
Những người cựu binh ấy từng vào sinh ra tử, và chính họ đã tiến vào giải phóng Sài Gòn - ngồi bên lề đường với chiếc mũ bạc màu và tấm huân chương trên ngực áo, lặng lẽ. Còn những thanh niên kia, đáng tuổi cháu con, vừa ngồi vừa quay livestream, buông lời thiếu lễ độ, vô tâm đến lạnh người. Chứng kiến đoạn clip ấy, người ta không khỏi tự hỏi: Phải chăng, có một khoảng trống đáng lo trong tâm hồn của một bộ phận người trẻ hiện nay - nơi lòng biết ơn, sự khiêm nhường và ý thức cộng đồng ngày một nhạt phai?
Không ai trách giới trẻ vì sự bồng bột hay cá tính. Nhưng cái đáng sợ nhất là sự vô cảm. Vô cảm trước quá khứ của cha ông, vô cảm trước những hi sinh có thật đã mang lại cuộc sống hôm nay. Lối sống ấy không chỉ là ích kỷ, mà còn là biểu hiện của một nền đạo đức đang lung lay - nơi quyền lợi cá nhân được đặt cao hơn sự kính trọng, hơn lẽ phải và cả tình người. Điều khiến người ta đau lòng không chỉ là câu chuyện giành chỗ, mà là cảm giác: có những trái tim trẻ đang dần đánh mất khả năng... biết đỏ mặt.
Vô cảm - không còn là một khái niệm xa xôi. Đó là thứ đang len lỏi vào lối sống của một bộ phận giới trẻ hôm nay: nơi cái tôi được tôn vinh quá mức, còn sự thấu cảm thì ngày một trở nên xa lạ. Người trẻ ấy, có thể rất nhanh nhạy với công nghệ, rất hiện đại trong tư duy, nhưng lại hời hợt trong cách ứng xử với chính những giá trị làm nên cốt lõi của một con người - lòng biết ơn, sự khiêm nhường, và đạo lý.

Chúng ta vẫn thường nhấn mạnh thế hệ trẻ là rường cột nước nhà, là lực lượng xung kích trong thời đại mới. Nhưng cột mà rỗng, thì nhà sao vững? Một xã hội phát triển không chỉ dựa vào trình độ học vấn hay công nghệ, mà còn dựa vào đạo đức công dân - thứ gắn liền với cách một người sống, cư xử và ứng xử với quá khứ, hiện tại và tương lai.
Không thể phủ nhận, có rất nhiều người trẻ đang sống đẹp, dấn thân, cống hiến. Nhưng chính vì thế, lại càng không nên im lặng trước những biểu hiện lệch chuẩn như câu chuyện trên. Một lời nhường chỗ cho người già không làm ai nhỏ đi, một ánh mắt cúi đầu trước người cựu binh không làm thanh xuân bớt rực rỡ. Trái lại, đó là cách mỗi người trẻ làm dày thêm chiều sâu nhân cách của mình.
Lòng biết ơn - nếu không được nuôi dưỡng - sẽ chết dần trong sự vô tư hời hợt. Còn đạo đức - nếu không được nhắc nhở, rèn giũa - sẽ mòn vẹt theo thói quen hưởng thụ và cái tôi ích kỷ. Người trẻ hôm nay cần được nhắc nhớ rằng: không có tự do nào là ngẫu nhiên, không có hòa bình nào là sẵn có. Và không có nền văn minh nào có thể đứng vững nếu thiếu nền tảng đạo lý.
Thật may, giữa sự vô cảm ấy, vẫn có những ánh sáng dịu dàng khiến người ta tin vào điều tử tế. Cũng trong ngày hôm đó, khi hai người lính già lặng lẽ đứng dậy trong ánh mắt ái ngại của mọi người, một nữ sinh - dáng người nhỏ nhắn - đã bước tới, mời hai cụ ngồi vào chỗ của mình và nhóm bạn cô. Việc làm đó của Dương Hoàng Dung (sinh năm 2006, sinh viên năm nhất ngành Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) rất đúng lúc, như một hành động thức tỉnh lòng trắc ẩn, xuất phát tự nhiên từ lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn đầy nhân văn của người trẻ trong một xã hội hiện đại.
Dung tâm niệm rằng, yêu nước, phải yêu luôn cả những người đã làm nên đất nước, yêu cả những người đã khuất và trân trọng những người đang còn ở đây. Bởi em biết rằng 10, 20 năm sau, chúng ta khó có thể gặp lại những người lính bằng xương bằng thịt bước ra từ mưa bom bão đạn của cuộc chiến, khó có cơ hội nghe được những câu chuyện có thật từ chính các bác kể thêm lần nào nữa.
Cũng sau buổi lễ, không ít bạn trẻ đã ở lại cùng nhau nhặt rác, gom chai nước, giấy vụn, trả lại con phố sạch đẹp như một lời cảm ơn lặng lẽ dành cho ngày kỷ niệm.
Thế mới thấy: ánh sáng và bóng tối vẫn song hành trong mỗi con người, mỗi thời đại. Quan trọng là chúng ta - người lớn, người thầy, người truyền cảm hứng - có đủ kiên nhẫn để thắp lên những ngọn đèn hay không. Một xã hội không thể trông đợi vào đạo đức tự nhiên, nếu không giáo dục, không nhắc nhở và không gạn đục khơi trong.
Giới trẻ hôm nay cần được sống trong một môi trường mà ở đó, sự tử tế không bị cười chê, lòng biết ơn không trở thành “lỗi thời”. Họ có quyền hiện đại, có quyền năng động, nhưng không có quyền quên đi gốc rễ - những người đã ngã xuống để họ có được ngày bình yên hôm nay.
Câu chuyện của nhóm thanh niên kia, suy cho cùng, chỉ là một lát cắt. Nhưng nếu mỗi lát cắt đều nhức nhối như vậy, ta phải nghiêm túc nhìn lại. Không phải để trách móc, mà để giáo dục. Không phải để buông bỏ, mà để khơi dậy - một thế hệ biết cúi đầu trước lịch sử và biết ngẩng cao đầu trong nhân cách.
Bởi lẽ, một đất nước chỉ thực sự hùng cường khi tuổi trẻ của đất nước đó vừa biết đi tới tương lai, vừa không quên ngước nhìn, tri ân về nguồn cội.
Lòng biết ơn - nếu không được nuôi dưỡng - sẽ chết dần trong sự vô tư hời hợt. Còn đạo đức - nếu không được nhắc nhở, rèn giũa - sẽ mòn vẹt theo thói quen hưởng thụ và cái tôi ích kỷ. Người trẻ hôm nay cần được nhắc nhớ rằng: không có tự do nào là ngẫu nhiên, không có hòa bình nào là sẵn có. Và không có nền văn minh nào có thể đứng vững nếu thiếu nền tảng đạo lý.
Theo Nguyễn Minh Tuấn (TPO)