
Mới đây, đại diện một số doanh nghiệp (DN) bức xúc khi thủ tục, thời gian hoàn thuế bị kéo dài, khiến họ cụt vốn, đành tạm ngưng hoạt động. Đoạn trường hoàn thuế... có lẽ là câu chuyện tồn tại lưu cữu nhất trên thị trường bấy lâu nay. Cuộc họp nào, hội nghị nào... cũng phản ánh, cũng giải đáp, cũng hứa hẹn, cũng cam kết nhưng hết họp thì mọi việc hầu như lại đâu vào đấy.
Một trong những nguyên nhân cũng là do ngành thuế "chọn việc nhẹ nhàng", đó là chỉ tập trung vào quản lý hóa đơn rồi lại xác minh hóa đơn từ F1, F2, F3… để quyết định hoàn thuế dẫn đến tình trạng chậm, ngâm hồ sơ hoàn thuế của DN. Trong khi chúng ta đều biết, hóa đơn chỉ là một trong những chứng từ thanh toán, còn có hợp đồng mua bán giữa 2 bên, hàng chuyển đi tiền chuyển về... Chưa kể theo quy định thì DN tự khai, tự tính, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Nên nếu DN có hợp đồng, có hàng xuất khẩu, tờ khai hải quan, có nhận tiền thật, có đầy đủ giấy tờ chứng minh việc sản xuất, xuất khẩu thì nhà thuế lẽ ra phải căn cứ trên các hồ sơ, chứng từ đó để hoàn thuế kịp thời theo quy định cho DN.
Nhưng không! Cứ đến thời điểm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) có "một ông" nào đó trong chuỗi cung ứng đầu vào ngưng hoạt động là DN bị từ chối hoàn thuế, bất chấp thời điểm phát sinh hoạt động mua bán thì tất cả hồ sơ thủ tục đều đúng và giải trình được. Hay DN thương mại mua hàng của nông dân không có hóa đơn chứng từ nhưng DN xuất khẩu bị vạ lây, không được hoàn thuế. Chưa kể thời gian xác minh hóa đơn trong nội bộ ngành thuế kéo dài không có thời hạn dù theo quy định hiện nay, hồ sơ hoàn thuế trước - kiểm tra sau là 6 ngày, còn kiểm tra trước - hoàn thuế sau là 40 ngày.
Mới nhất dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Thuế GTGT cũng có nội dung khiến nhiều người tá hỏa. Theo đó, người mua chỉ được hoàn thuế GTGT khi người bán đã nộp thuế GTGT. Trong khi ai cũng biết, chúng ta - trong vai người mua hàng đều đã phải trả tiền thuế GTGT cho người bán. Người bán có trách nhiệm nộp số thuế này vào ngân sách và người mua không có công cụ hay quyền hạn gì để can thiệp, quản lý việc nộp thuế của người bán. Vậy tại sao không cho người mua hoàn thuế nếu người bán không nộp? Và vai trò quản lý của cơ quan thuế ở đâu trong quy định này?
Tất nhiên, việc xác minh hóa đơn để chống gian lận thuế là việc cần làm. Ngành thuế thời gian qua cũng nỗ lực hiện đại hóa quản lý thuế thông qua áp dụng hóa đơn điện tử, hoàn thuế qua mạng... Nhưng điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy quản lý thuế nói chung và hoàn thuế nói riêng sang tư duy phục vụ.
Trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nhấn mạnh những chính sách mới tạo thuận lợi cho "lực lượng tiên phong của nền kinh tế" thì tư duy phục vụ của bộ máy hành chính công sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Theo Nguyên Khanh (TNO)