
Hàng ngàn tấn giá đỗ ngâm chất cấm ở một cơ sở sản xuất tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) vừa bị cơ quan chức năng phát hiện đã gây xôn xao dư luận, bởi đây là thực phẩm quen thuộc trong mâm cơm gia đình. Mỗi ngày, cơ sở này cung cấp ra thị trường 3-5 tấn giá đỗ.
Và để kiếm lời nhiều hơn, các đối tượng bỏ qua sức khỏe của người tiêu dùng, thản nhiên dùng hóa chất độc hại để ngâm tẩm trong khâu sản xuất, khiến giá đỗ mập, trắng, không có rễ, không bị thối hỏng và mọng nước hơn, tăng khối lượng thành phẩm 20-25%. Đáng buồn hơn khi trên bao bì sản phẩm, họ vẫn “tự tin” ghi dòng chữ “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản”.
Những ngày qua, khi các địa phương triển khai đợt cao điểm kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, dư luận lại càng xôn xao khi hàng chục tấn hàng thực phẩm đông lạnh không có nguồn gốc xuất xứ, hư hỏng, bốc mùi bị thu giữ. Gần đây nhất, tại thành phố du lịch nổi tiếng Đà Lạt, hơn 2,5 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc tại Công ty TNHH Khủng Long Sữa đã bị thu giữ.
Tại Hà Nội, cơ quan chức năng cũng vừa thu giữ hàng chục tấn thực phẩm bẩn. Trong đó có khoảng 7 tấn thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ gồm: 2.560 kg trứng non, 200 kg trứng gà, 3.050 kg nầm heo và 1.200 kg tràng heo; 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm; 10 tấn nội tạng trâu, bò có dấu hiệu hư hỏng, bốc mùi; 1 tấn nguyên liệu thực phẩm “bẩn” như: xúc xích, lạp xưởng, há cảo, viên thả lẩu “thập cẩm”, thanh cua... Điều đáng quan tâm là trước khi bị phát hiện, không thể biết được đã có bao nhiêu tấn thực phẩm bẩn được tiêu thụ, chế biến và phục vụ cho người dân.
Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai cũng tăng cường kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm và phát hiện không ít sai phạm.
Tính đến ngày 7-5, đoàn đã lập biên bản đối với 6 cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, chủ yếu là các lỗi: khu vực chứa đựng không đầy đủ giá kệ; không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động…
Đoàn liên ngành sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trong thời gian tới, quyết tâm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Câu chuyện thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, không nguồn gốc xuất xứ vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, bởi ăn uống là một trong những nhu cầu lớn nhất của con người. Chưa khi nào niềm tin đối với vấn đề an toàn thực phẩm bị giảm sút nghiêm trọng như hiện tại.
Bất chấp lương tâm, các đối tượng lấy sức khỏe của người dân, thậm chí của cả bản thân và gia đình để đổi lấy lợi nhuận trước mắt. Hàng ngàn lon sữa bột cho trẻ sơ sinh đến người cao tuổi; lọ nước mắm, bột ngọt trong gian bếp; món ăn trong mâm cơm hay trên bàn nhậu cho đến viên thuốc của người đau bệnh…, tất cả đều có thể làm giả một cách tinh vi không ai ngờ tới.
Những bài viết đầy trăn trở, lo lắng, day dứt của người mẹ vô tình cho con mình sử dụng sữa giả suốt thời gian dài khiến cộng đồng mạng không khỏi xót xa và thấy căm giận hơn những kẻ bất lương kia. Mâm cơm gia đình lẽ ra phải là nơi cung cấp dưỡng chất đủ đầy cho sức khỏe các thành viên lại ẩn chứa những nguy cơ tồn dư chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc… Niềm tin của con người với con người đang bị bào mòn một cách nghiêm trọng bởi sự bất lương, nhẫn tâm ấy.
Mặc cho hàng trăm trường hợp bị phát hiện, khởi tố, thực phẩm bẩn, thực phẩm giả vẫn đang len lỏi trong cuộc sống của chúng ta bằng những cách thức ngày càng tinh vi, khó lường. Vì thế, người tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cần được phổ cập thường xuyên cách nhận diện thực phẩm bẩn, sản phẩm giả mạo.
Mỗi người dân cũng phải trở thành “người tiêu dùng thông thái”, tự mình nâng cao kiến thức, kỹ năng lựa chọn thực phẩm, ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ hạn sử dụng, tránh những thực phẩm có dấu hiệu bất thường.
Đồng thời, cần lên tiếng phản ánh khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đặt lương tâm, đạo đức, trách nhiệm lên trên hết để làm ra những sản phẩm chất lượng ngay từ đầu, thực sự vì sức khỏe người tiêu dùng.
Các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm cũng cần bị xử phạt nghiêm minh, đích đáng nhằm tạo sự răn đe, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Chỉ khi cả cộng đồng cùng chung tay thì vấn đề an toàn thực phẩm mới được đảm bảo, sức khỏe người tiêu dùng mới thực sự được bảo vệ.