
Những ngày này, cả nước vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Các sân bay, các điểm đến, các khách sạn, nhà hàng... cũng đang bận rộn đón khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Mua sắm trước lễ tăng mạnh do tâm lý người dân phấn chấn hơn, thoải mái hơn. Thời gian nghỉ kéo dài hơn mọi năm cũng khiến việc sắp xếp kỳ nghỉ thuận tiện hơn với nhiều người. Du lịch tăng tốc đã và đang kích thích tiêu dùng, vốn vẫn là nỗi lo kéo dài suốt thời gian qua khi tâm lý thắt chặt chi tiêu bao phủ thị trường vì kinh tế khó khăn.
Tương tự chúng ta đã chứng kiến trước lễ, có 80 dự án khởi công, khánh thành trên cả nước, trong đó rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia. Hiệu quả, hiệu ứng của các công trình này với kinh tế xã hội sẽ được phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới. Đơn cử, 5 tuyến cao tốc thông xe và một cầu đưa vào sử dụng trong tháng 4 vừa rồi sẽ giúp giảm thời gian đi lại cho người dân, giảm chi phí vận tải hàng hóa cho doanh nghiệp, từ đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa. Chỉ tính riêng TP.HCM trước lễ cũng có tới 5 công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, góp phần giảm kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, từ đó nâng cao chất lượng đời sống cũng như cải thiện môi trường đầu tư cho TP.
Đặc biệt, việc khánh thành nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) không chỉ giải tỏa điểm nghẽn quá tải kéo dài của sân bay lớn nhất cả nước mà nhà ga mới còn được coi là "chất xúc tác" cho chuỗi giá trị kinh tế - xã hội rộng lớn tại TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ - khu vực đóng góp hơn 30% GDP quốc gia.
"Đầu tàu" tăng tốc đương nhiên sẽ kéo các toa tàu phía sau tăng theo, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng chung của cả nước. Ở chiều ngược lại, các dự án vừa khởi công, trong đó có các dự án tỉ USD, thậm chí hàng chục tỉ USD lại có tác dụng kích hoạt hệ thống sản xuất, các công trường sẽ nóng máy, ngành xây dựng sẽ sôi động, tiêu dùng nhờ đó sẽ được thúc đẩy kéo theo hàng triệu việc làm cho xã hội từ nay đến cuối năm và trong thời gian tới.
Quan trọng hơn, chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước "xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tiếp tục đột phá tư duy và phương thức tạo ra sức sản xuất mới, lực lượng sản xuất mới, chất lượng mới" mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự quyết liệt của Chính phủ hành động trong tháo gỡ các ách tắc về thủ tục, cơ chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi... khiến họ cảm nhận được sự chia sẻ, đồng hành. Đặc biệt, cảm hứng dân tộc, khát vọng về một VN hùng cường được nhen lên và bùng nổ trong đại lễ lịch sử của dân tộc nhân kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất chính là "sức mạnh mềm" để chúng ta vượt qua những thách thức, khó khăn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% của năm nay cũng như trở thành quốc gia có thu nhập cao trong tương lai.
Có thể thấy, sau đại lễ, một tâm thế mới, khí thế mới đang mở ra. Đó chính là sức bật cho đất nước tiến về phía trước.
Theo Nguyên Minh (TNO)