
Nói bất ngờ bởi bên cạnh các nội dung về tiến bộ công nghệ trong sản xuất chip bán dẫn, thì chủ điểm khác được thảo luận sâu sắc tại sự kiện là các bất ổn thương mại, sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Sự kiện có hẳn phần trình bày rồi thảo luận khá dài của ông Chris Miller, học giả cao cấp của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và là tác giả của tác phẩm nổi tiếng Chip War (tạm dịch: Cuộc chiến chip) ra đời năm 2022. Qua đó, sự kiện cho thấy các tập đoàn công nghệ Mỹ đang phải phối hợp với nhau để sẵn sàng cho "Chip War" tiếp tục kéo dài giữa nước này với Trung Quốc, vốn đang dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Thực tế, thương chiến ngành công nghệ đã xảy ra từ nhiều năm trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng thuế đối ứng rồi leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc như hiện nay.
Song hành cùng thuế, thương chiến Mỹ - Trung còn có nhiều biện pháp trừng phạt khác nhằm vào nhau. Điển hình, Mỹ ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận nhiều loại công nghệ hiện đại như các bộ xử lý đồ họa tối tân và các loại chip tiên tiến để phát triển trí tuệ nhân tạo. Ngược lại, Bắc Kinh áp dụng các lệnh cấm xuất khẩu sang Mỹ đối với nhiều loại đất hiếm và các khoáng chất quan trọng cần thiết cho sự phát triển của ngành bán dẫn.
Các biện pháp ăn miếng trả miếng giữa hai bên đã gây ra ảnh hưởng cho cả các nền kinh tế khác. Ví dụ, Washington áp dụng mở rộng lệnh hạn chế bán các bộ xử lý đồ họa tối tân cho một số bên chứ không chỉ riêng Bắc Kinh nhằm ngăn việc chuyển các thiết bị này sang Trung Quốc thông qua nước thứ ba. Được xem là "chiến trường then chốt" trong cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc, nên cuộc cạnh tranh công nghệ được dự báo khó hạ nhiệt, thậm chí leo thang hơn, ngay cả khi Washington và Bắc Kinh đạt được một số thỏa thuận chung về thương mại.
Thực tế trên khiến vấn đề tự chủ công nghệ đang dần trở nên quan trọng hơn đối với gần như mọi quốc gia, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng công nghệ đang bị đứt gãy. Đây là thách thức lớn đối với các nền kinh tế.
Trong khi đó, sự bùng nổ của khoa học công nghệ và chuyển đổi số đang tạo ra nhiều bước tiến ngoạn mục. Qua đó, giá trị gia tăng của nền kinh tế tỷ lệ thuận với hàm lượng khoa học công nghệ, số hóa. Chính vì thế, công nghệ trở thành yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của mọi quốc gia và VN cũng không nằm ngoài nguyên tắc này.
Tháng 12.2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng, mang tính chiến lược cho sự phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Với bối cảnh thương chiến căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ được nêu ra ở trên, VN không chỉ cần đẩy nhanh quá trình phát triển, mà quan trọng hơn là phải tăng cường tự chủ về công nghệ.
Theo Ngô Minh Trí (TNO)