'Cởi trói' để khoa học - công nghệ đột phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ (KH-CN) và Đổi mới sáng tạo vừa được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 6-5 là bước tiến về mặt thể chế, đồng thời cho thấy một tầm nhìn mới: đặt niềm tin vào trí tuệ con người và khát vọng sáng tạo như một động lực cốt lõi trong phát triển đất nước.

050520250955-z6569074035205-d216359969caf8e4beae9665bd6c07d3-5079-1223.jpg

Điểm nhấn của dự thảo luật là việc trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các cơ sở nghiên cứu, từ hoạt động chuyên môn, xây dựng bộ máy đến cơ chế chi tiêu theo phương thức khoán. Đó là bước đột phá trong quản lý và phát triển KH-CN cũng như hoạt động đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22-12-2024) của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Bước đột phá trên không chỉ đơn thuần là về bước cải cách hành chính, đó là sự thay đổi tư duy từ “quản lý để kiểm soát” sang “quản lý để khơi mở”. Trình bày dự án luật tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, Nhà nước sẽ tập trung quản lý mục tiêu, kết quả đầu ra và hiệu quả nghiên cứu, thay vì can thiệp vào phương pháp thực hiện. Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu. Trong trường hợp dự án không đạt kết quả mong đợi, các tổ chức nghiên cứu sẽ không còn chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình nghiên cứu. Về bản chất, khoa học là hành trình khám phá không chắc chắn và không phải mọi thất bại đều là lãng phí. Nghiên cứu không đạt mục tiêu có thể vẫn mang lại bài học, tránh sai lầm hoặc mở hướng đi mới. Việc miễn trừ trách nhiệm dân sự cho tổ chức nghiên cứu khi dự án không đạt kết quả mong đợi chính là sự công nhận tính đặc thù của nghiên cứu khoa học, khích lệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại để tiến tới đột phá.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, chấp nhận rủi ro không đồng nghĩa với buông lỏng trách nhiệm. Dù chấp nhận rủi ro ở từng nhiệm vụ, dự án cụ thể, chính sách mới sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động dựa trên tổng thể tổ chức và chương trình nghiên cứu, mở đường cho cơ chế sàng lọc tự nhiên - nơi các tổ chức khoa học được trao cơ hội phát triển bền vững khi chứng minh được hiệu quả, hoặc sẽ bị giảm nguồn lực, giải thể nếu hoạt động kém hiệu quả, trì trệ, lãng phí. Đây là cách tiếp cận công bằng, minh bạch và hướng đến giá trị thực chất thay vì hình thức. Giao tự chủ sẽ tạo cơ chế linh hoạt, khuyến khích đổi mới, dám chấp nhận rủi ro, thúc đẩy nhà khoa học theo đuổi vấn đề thách thức, tạo đột phá khoa học.

Đặc biệt, dự luật KH-CN và đổi mới sáng tạo bổ sung quy định về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trao quyền sở hữu và tự quyết cho cơ sở nghiên cứu đối với thành quả và tài sản hình thành từ hoạt động này. Việc này không những thúc đẩy ứng dụng thực tiễn mà còn trao quyền làm giàu chính đáng cho nhà khoa học - những người nhiều năm qua đã lặng lẽ cống hiến nhưng ít được tưởng thưởng xứng đáng. Mức hưởng lợi nhuận tối thiểu 30% từ thương mại hóa cho người trực tiếp nghiên cứu là sự thừa nhận công lao, trí tuệ và vai trò cá nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Việc cho phép nhà khoa học được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp KH-CN cũng là cách “mở cửa” để khoa học bước ra khỏi “tháp ngà”, đến gần hơn với đời sống và thị trường. Cùng với đó, những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, thu hút nhân tài trong và ngoài nước vừa góp phần lấp khoảng trống nguồn lực nghiên cứu, vừa thể hiện tinh thần trân trọng tài năng con người - yếu tố trung tâm trong mọi chiến lược đổi mới sáng tạo.

Dự luật lần này ra đời rất kịp thời, nối tiếp Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội (ngày 19-2-2025) “về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Một khi được thông qua và thực thi hiệu quả, dự án Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra “cú hích” mạnh mẽ, không chỉ “cởi trói” những ràng buộc theo cơ chế cũ, mà còn khai mở nguồn lực sáng tạo khổng lồ đang tiềm ẩn trong từng con người, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi nhà khoa học được tin tưởng, doanh nghiệp được hỗ trợ và người dân được hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu, KH-CN sẽ thực sự trở thành nền tảng cho một nền kinh tế tri thức, một xã hội phát triển bền vững, văn minh.

Theo TRẦN LƯU (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Đó là câu hỏi của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh thủ tục, quy trình hoàn thuế hiện nay vẫn còn rắc rối, bất hợp lý. Thậm chí trong Dự thảo thuế giá trị gia tăng đang lấy ý kiến, quy định về hoàn thuế còn đẩy rủi ro về phía người mua hàng.

Chiêu trò nguy hại

Chiêu trò nguy hại

Những ngày vừa qua, một cuộc tranh cãi đã diễn ra trên mạng xã hội, bắt nguồn từ nhiều ý kiến cá nhân trước một hoạt động của doanh nghiệp. Cuộc tranh cãi đã trở nên ồn ào, gây nhiều phản ứng hơn khi xuất hiện một làn sóng định hướng thông tin bằng phương pháp seeding.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Rạng rỡ Việt Nam

Rạng rỡ Việt Nam

Hôm nay, người dân TPHCM cùng cả nước hân hoan Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trong niềm vui, tự hào và xúc động dâng trào.