
Việc kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, vốn được mệnh danh là "vua trái cây", sụt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm do chưa vượt qua được bài kiểm tra về dư lượng chất vàng O ở thị trường Trung Quốc không chỉ cho thấy sự chậm trễ, loay hoay của chúng ta trong giải quyết vấn đề này mà còn bộc lộ một tâm lý đáng quan ngại hơn. Đó là một bộ phận không nhỏ người trồng và doanh nghiệp vẫn coi an toàn sản xuất là chỉ để đối phó. Nghĩa là đối tác nhập khẩu yêu cầu gì thì đáp ứng cái đó, không yêu cầu thì... kệ.
Ví dụ, Trung Quốc kiểm tra dư lượng kháng sinh thì siết dư lượng kháng sinh; Trung Quốc cấm chất vàng O thì siết chất vàng O. Thế nên cứ lâu lâu, chúng ta lại chứng kiến nông sản này, thực phẩm kia gặp khó vì nước bạn gia tăng tiêu chuẩn mua hàng. Đáng lo ngại hơn, nếu xuất khẩu còn phải đối phó để đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác thì với thị trường nội địa, do không có đơn vị nào kiểm tra chất lượng nên sầu riêng chứa vàng O hay có bất kỳ chất gì cũng... chẳng sao. Xuất không được thì bán cho người tiêu dùng trong nước với giá rẻ hơn. Không chỉ sầu riêng, một loạt các vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui hiện nay cho thấy, người tiêu dùng nội địa đang phải đối diện rủi ro lớn từ thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng bủa vây.
An toàn "từ trang trại đến bàn ăn" không phải để đối phó mà đây là tiêu chuẩn được đặt ra từ hàng chục năm qua và là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay. Tất cả các khuyến cáo của quốc tế (ISO, CODEX...) dưới dạng quy định, tiêu chuẩn, quy trình... đều nhấn mạnh đến kiểm soát quá trình, trong đó khâu sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt) sẽ quyết định nguyên liệu khâu chế biến tiếp theo có chất lượng và an toàn hay không. Chúng ta muốn bán được hàng, muốn phát triển bền vững, muốn xây dựng uy tín thương hiệu, thì bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu này, không có cách nào khác. Còn nếu vẫn mang tâm lý đối phó thì đừng nói đến xuất khẩu, ngay tại thị trường nội địa về lâu dài cũng khó tồn tại. Nên nhớ, với hơn 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng với bất cứ doanh nghiệp nào. Chưa kể chúng ta đang giảm thuế nhập khẩu mạnh mẽ cho hàng nước ngoài, người tiêu dùng nội địa có rất nhiều lựa chọn hàng tốt, chất lượng, giá cả phù hợp. Doanh nghiệp nào còn mang tâm lý an toàn chỉ là đối phó, làm ăn chụp giật chắc chắn sẽ không có đất sống.
Trở lại vụ chất vàng O với sầu riêng, từ ngày 10.1, Trung Quốc thông báo áp dụng quy định các lô hàng sầu riêng từ Thái Lan, Việt Nam phải có thêm giấy chứng nhận kiểm định chất này. Các phòng xét nghiệm chất vàng O phải được phía Trung Quốc phê duyệt. Đến ngày 26.1, có 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm vàng O trong sầu riêng của Việt Nam được Trung Quốc công nhận. Tính đến nay cũng đã 5 tháng trôi qua nhưng như nói trên, sầu riêng Việt Nam vẫn chưa vượt qua được tiêu chuẩn này, vừa vẫn đang sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và tràn ra vỉa hè bán tại nội địa. Câu hỏi đặt ra, có phải số sầu riêng không vượt qua "ải vàng O" để xuất sang Trung Quốc đang được bán cho người tiêu dùng nội địa ? Và có bao nhiêu hàng hóa không đủ chuẩn xuất khẩu đang được bán trong nước bao lâu nay ?
Câu trả lời chắc chắn mỗi người đều có. Thiết nghĩ, nếu một số người nuôi trồng, phân phối, xuất khẩu và thậm chí cơ quan quản lý có thẩm quyền vẫn giữ tâm lý an toàn chỉ mang tính đối phó, thì các vụ việc phát hiện chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa". Chỉ khi chúng ta coi an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" là con đường duy nhất, tất yếu thì xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa mới đỡ bấp bênh và mới xây dựng được uy tín, chất lượng, năng lực cạnh tranh thực sự cho hàng Việt.
Theo Nguyên Khanh (TNO)