Giữ lấy vẻ đẹp của tinh khôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không ít người Việt biết và thuộc nhiều đoạn, thậm chí yêu đến mê đắm truyện ngắn đẹp như một bức tranh “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh. Vì sao tác phẩm được công bố từ năm 1941 lại chiếm trọn cảm tình của độc giả ngày nay như vậy?

Theo tôi, trước hết không chỉ vì truyện ngắn này được đưa vào sách giáo khoa nên sức lan tỏa rộng mà quan trọng hơn, dù ít hay nhiều, từ khoảng thời gian sau khi tác phẩm ra đời không lâu đến nay, trong xã hội ta, ai cũng có quyền đi học. Do đó, có thể xem đây là lời nhà văn nói hộ lòng mình. Đó chính là một lý do làm nên sức hấp dẫn lâu bền của truyện ngắn này.

 Tranh minh họa (nguồn internet).
Tranh minh họa (nguồn internet).


Dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, người ta vẫn sẽ nhớ, ít nhất là đoạn mở đầu nhẹ nhàng, êm ái của tác phẩm: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường (…). Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”.

Sự thay đổi không phải ở cảnh sắc thiên nhiên. Sự khác biệt đến từ một sự thay đổi lớn, đúng hơn là mới lạ, như tác giả đã tinh tế chỉ ra: “hôm nay tôi đi học”. Sự thay đổi đầu đời của một đứa trẻ quen với những trò chơi hay sự nghịch ngợm tự do nơi ruộng đồng từ nay được thay thế bằng sự trang nghiêm, khuôn khổ nhưng ấm áp ở trường học. Trong cuộc đời học sinh, ai cũng đều phải đi qua những giây phút ban đầu ngượng ngùng đáng yêu ấy.

Theo quan sát của cá nhân tôi, hàng chục năm trở lại đây, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ kéo theo tốc độ lan truyền tác phẩm “Tôi đi học” càng thêm nhanh. Điều này ít nhất cho thấy sự quan tâm đến truyện ngắn của độc giả, trong đó có nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh.

Tôi rất thích đoạn văn này của nhà văn Thanh Tịnh: “Mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ”. Và, tôi cũng biết, đồng thời tiếc cho nhiều em nhỏ ngày nay ít còn giữ được cảm giác mới mẻ, tinh khôi ấy.

Theo mô tả của nhà văn, nhân vật “tôi đi học” hôm ấy chỉ mang theo 2 cuốn vở cùng thước và bút. Không cặp hay ba lô, người con giữ chặt những cuốn vở còn người mẹ cầm thước và bút, hẳn là vì sợ con mình nhỏ bé sẽ đánh rơi mất dụng cụ học tập quý giá ấy. Ngày nay, con em chúng ta đi học hành trang không đơn giản thế...

Giáo dục của chúng ta lấy học sinh làm trung tâm, muốn đào tạo các em trở thành những con người toàn diện. Không có gì sai cả và tất cả chúng ta đều mong chờ những mùa quả ngọt từ nền giáo dục ưu việt hôm nay. Chúng ta cũng mong mỏi những ưu phiền trong nghề giáo cao quý sẽ dần được loại bỏ.

Từng là học trò, làm thầy giáo rồi lại trở thành phụ huynh, tôi có nhiều năm đi qua những tầng nấc cảm xúc khác nhau. Phải chăng môi trường giáo dục hôm nay thi thoảng vẫn còn gợn lên đôi chút cảm giác chưa được như mong đợi nên đôi khi, ta sẽ ngoái đầu nhìn lại ngày xưa và thầm ao ước những điều tốt đẹp sẽ đến vào ngày mai? Đọc “Tôi đi học”, thấy dường như trong lòng ta hôm nay đang có một thứ gì đó tươi tắn nảy nở là vì vậy.

 

 THANH AN

 

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.