Giữ làng trong phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa lòng Đà Nẵng sôi động vẫn còn những ngôi làng giữ được nếp xưa với rặng tre, bến nước và những mái nhà ngót nghét trăm tuổi.

Làng cổ trong lòng phố được người dân chung tay gìn giữ nét “nhà quê”, để đón những đoàn khách dăm, chục người, Tây có, ta có ghé chân, hòa mình vào không gian thanh bình, hồn hậu.

Cổ kính giữa đô thị hiện đại

Từ đường ĐT 605 nối liền Đà Nẵng - Quảng Nam rẽ xuống con đường bê tông rộng chừng 3,5 m với tấm biển chỉ đường nhỏ nhắn “thôn Phong Nam”, một khung cảnh làng quê Việt hiện ra với những rặng tre rợp bóng, những mái nhà núp sau những hàng cau xanh mát.

Có tuổi đời ngót nghét trăm năm với lịch sử hình thành tên đất, tên làng gắn với công cuộc khai hoang, mở cõi từ thế kỉ XV, làng Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) ngày nay vẫn giữ nét hồn hậu, chân quê.

Giữa làn sóng đô thị hóa, làng cổ Phong Nam vẫn giữ được nét chân quê, hồn hậu với tỷ lệ cây xanh chiếm 85% diện tích. Ảnh: Giang Thanh
Giữa làn sóng đô thị hóa, làng cổ Phong Nam vẫn giữ được nét chân quê, hồn hậu với tỷ lệ cây xanh chiếm 85% diện tích. Ảnh: Giang Thanh

Ngay đầu làng là nhà thờ tiền hiền thờ phụng 17 tộc họ được xưng tôn là tiền hiền, hậu hiền. Mái nhà thờ với những lớp ngói âm dương phủ rêu phong, với điêu khắc rồng phượng uốn lượn, với những đĩa cổ trang trí phỏng dựng lại những nếp sinh hoạt, thờ phụng từ xa xưa. Ông Nguyễn Xí (Trưởng thôn Phong Nam) kể, từ trước dịch COVID-19, thôn Phong Nam là một điểm đến được du khách, đặc biệt là khách quốc tế yêu thích.

Cứ đến cuối tuần hoặc những dịp nghỉ lễ, từng đoàn khách đạp xe từ trung tâm thành phố đến với làng cổ, để hít hà không khí trong lành của làng quê. “Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích những thứ “nhà quê” ở Phong Nam. Họ hỏi mua nải chuối, quả ổi về làm quà, họ thích thú với cánh đồng thơm mùi mạ non, họ vui vẻ khám phá chợ quê. Bởi vậy, tụi tui luôn nhắc nhở nhau giữ gìn, giữ bản sắc cho làng quê trăm tuổi”, ông Xí nói.

Dù đời sống hiện đại, cuộc sống khấm khá hơn, những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được khoảnh vườn với những bụi chè tàu xanh um chạy dài tít tắp, khoảng sân lát gạch đỏ… Họ nhắc nhở nhau để giữ lấy chân quê, giữ lấy mộc mạc giữa đô thị hóa xô bồ.

Trải qua cả trăm năm lịch sử, làng Phong Nam vẫn giữ được 5 ngôi nhà cổ với tuổi đời gần 200 năm cùng nhiều đền, chùa, đình miếu có tồn tại lâu hơn tên đất, tên làng như miếu Thần Nông, miếu Thái Giám, miếu Bà Tủy, miếu Thần Hoàng…

Những làng quê trong phố ở Đà Nẵng níu chân du khách. Ảnh: Giang Thanh
Những làng quê trong phố ở Đà Nẵng níu chân du khách. Ảnh: Giang Thanh

Cách trung tâm Đà Nẵng khoảng mười lăm cây số, thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) có tên làng đã tồn tại qua 6 thế kỉ với những đình, miếu cổ, nhà thờ… được xây dựng trong suốt lịch sử lập làng, mở cõi. Trong đó, nổi bật là Đình làng Bồ Bản (Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia) gắn với quần thể các công trình văn hóa như miếu Thần Nông, mộ Tiền Hiền, Giếng cổ, Bia chiến tích trận đánh xóm Đình Bồ Bản, Chùa Phật giáo Hưng Quang, Chùa Minh sư Thọ Quang...

Ông Tán Kim - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Bồ Bản kể rằng, từ bao đời nay, dân làng luôn cùng nhau gìn giữ nếp làng, giữ những di sản đã tồn tại qua bao nhiêu thế hệ.

Xây sản phẩm du lịch từ làng

Lễ hội Mục đồng được phục dựng, gắn với lịch sử và văn hóa truyền thống của làng. Ảnh: Giang Thanh
Lễ hội Mục đồng được phục dựng, gắn với lịch sử và văn hóa truyền thống của làng. Ảnh: Giang Thanh

Nằm sát cánh đồng lúa chạy dài tít tắp, ngôi nhà cổ của anh Lê Đức Phúc (tổ 6, thôn Phong Nam) là địa điểm níu chân nhiều người dân và du khách khi ghé lại làng cổ này. Ngôi nhà đã hơn 150 tuổi vẫn sừng sững dưới hàng cau, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Vốn là một kiến trúc sư, anh Phúc gìn giữ từng tấc đất, từng viên gạch của ngôi nhà nơi chôn nhau cắt rốn. Bởi vậy, cho đến nay, tất cả những chi tiết, cách bài trí và nội thất trong căn nhà vẫn vẹn nguyên như thuở trước.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, các đề án xây dựng “làng văn hóa đặc trưng” ở thôn Phong Nam và thôn Bồ Bản hướng đến phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống của địa phương; đồng thời, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch gắn với làng quê, làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp.

Cất ngôi nhà khang trang 2 tầng bên cạnh để sinh sống, anh vẫn dành cho căn nhà cổ một khoảng sân gạch đỏ rộng rãi trồng đầy hoa lan đất với bụi tre xào xạc trước ngõ.

“Ngôi nhà là nơi mạch nguồn của các thế hệ trong gia đình tôi, cũng là dấu ấn của làng. Trách nhiệm của những thế hệ sau như chúng tôi là phải gìn giữ, làm đẹp thêm những giá trị văn hóa - lịch sử đáng quý này. Bởi không dễ gì ở thành phố sôi động, xô bồ có thể tìm lại được nét quê hồn hậu, chân chất như vậy”, anh Phúc nói.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng, Trưởng thôn Phong Nam tự hào kể về những năm tháng mà người dân nơi đây bền bỉ giữ làng, giữ văn hóa, giữ những công trình có tuổi đời hàng trăm năm. Ở làng, người dân vẫn giữ những nếp xưa lệ cũ, những nghề truyền thống như làm bánh khô, bánh tráng, bánh gừng, đan tre…

Những con đường vẫn ngập khoảng xanh với những cây cổ thụ tán rộng cả vài mét, với những hàng rào chè tàu, cau, mơ… chạy dài tít tắp. Dù đã qua cả thế kỉ, những tộc họ ở làng vẫn giữ lễ cúng tế tiền hiền, để tưởng nhớ, tri ân những bậc tiền nhân đã khai phá, lập làng, giữ làng cho thế hệ sau.

Ở Phong Nam cũng có lễ rước Mục đồng là lễ hội duy nhất tôn vinh các mục đồng gắn với di tích đình làng Phong Lệ - nơi thờ cúng Thần Nông. Lần cuối lễ hội được tổ chức vào thời phong kiến đó là vào năm Bảo Đại thứ 11 (năm 1936). Sau này, lễ rước Mục đồng được phục dựng và tổ chức vào các năm 2007, 2010 và 2014. Đầu năm 2024, UBND huyện Hòa Vang đã phục dựng lễ hội này và định hướng duy trì đều đặn qua các năm để khôi phục lại nét văn hóa độc đáo này.

Vừa qua, UBND huyện Hòa Vang đã ban hành Đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam và thôn Bồn Bản để giữ gìn những làng cổ trăm tuổi này tồn tại bền vững trước làn sóng đô thị hóa, hướng đến khai thác dịch vụ du lịch sinh thái ở những vùng quê độc đáo này.

“Từ khi biết thông tin, người dân đều rất phấn khởi và kỳ vọng bởi từ đó, những giá trị văn hóa được gìn giữ bao đời của làng sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy; tạo ra sinh kế mới bền vững cho người dân dựa trên những vốn quý của làng quê”, ông Tán Kim chia sẻ.

Theo GIANG THANH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.