Giọt nước ở làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cũng giống như nhiều đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, giọt nước đối với đồng bào DTTS ở Kon Tum là biểu tượng văn hóa hết sức độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của bà con. Tập quán sử dụng giọt nước được bà con duy trì, gìn giữ đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn.

Tỉnh Kon Tum hiện có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm khoảng 53% dân số với 28 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó, có 7 DTTS tại chỗ là Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Bên cạnh những nét khác biệt, các DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm chung trong một số tập quán, văn hóa truyền thống, trong đó, có tập quán sử dụng giọt nước để có nguồn nước sạch trong sinh hoạt, ăn uống.

Giọt nước là biểu tượng gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con các DTTS. Ảnh: H.T

Giọt nước là biểu tượng gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con các DTTS. Ảnh: H.T

Bà Đậu Ngọc Hoài Thu - Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum) cho biết: Khi nhắc đến các thôn đồng bào DTTS trên địa bàn, ngoài những công trình văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo thì không thể không nhắc đến tập quán sử dụng nước từ giọt của bà con, là một tập quán trong sinh hoạt tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Thường thì mỗi buôn làng đồng bào DTTS đều có ít nhất một giọt nước. Theo đó, mọi người trong cộng đồng làng có trách nhiệm giữ sạch nguồn nước, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên xung quanh. Theo quan niệm của bà con, họ có thể không có cơm ăn, áo mặc đủ ấm, nhưng không thể không có nguồn nước sạch lấy từ giọt.

Theo các già làng kể lại, cộng đồng các DTTS trên địa bàn khi lập làng thường chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp, nhưng quan trọng nhất là có nguồn nước tốt để làm giọt nước, xem đây là lựa chọn có vai trò hàng đầu. Giọt nước của đồng bào các DTTS được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng phải đảm bảo sạch, tinh khiết, có thể sử dụng trong việc ăn uống hàng ngày. Vì vậy, thường là nguồn nước lấy từ mạch núi, khe suối được dẫn về làng bằng các ống lồ ô nối nhau.

Lấy nước giọt. Ảnh: H.T

Lấy nước giọt. Ảnh: H.T

Nghệ nhân ưu tú A Jar (làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho biết: “Ngày xưa trước khi dời làng, lập làng mới thì dân làng thường phải nghiên cứu, khảo sát rất kỹ, nếu chỗ nào không có nguồn nước sạch, thuận lợi để dẫn nước về tạo thành giọt nước thì không thể lập làng được. Giọt nước có tầm quan trọng rất lớn, không như nước sông, suối bình thường. Giọt nước đảm bảo độ tinh khiết để có thể uống, nấu ăn”.

Từ bao đời nay, hình ảnh giọt nước đối với cộng đồng các DTTS trên địa bàn đã trở nên gần gũi, thiêng liêng, dù đi xa đến nơi đâu họ cũng luôn nhớ về giọt nước nơi làng mình. Không chỉ mang giá trị tinh thần to lớn, giọt nước còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt thường nhật của dân làng, là không gian tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Giọt nước đã trở thành nét đẹp truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa và sinh hoạt của mỗi cộng đồng DTTS.

Đến với bất cứ thôn, làng đồng bào DTTS nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh rộn ràng, vui tươi với cảnh sinh hoạt đời thường của người dân bên giọt nước của làng. Vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn, những người phụ nữ thường địu con, cháu ra tắm giặt, hứng nước từ các ống tre chứa đầy vào các quả bầu khô, ống lồ ô hoặc phổ biến hơn hiện nay là các chai nhựa, sau đó đựng đầy ắp trong chiếc gùi mây tre mang về nhà hoặc lên rẫy để sử dụng. Giọt nước như là điểm hẹn của bà con trong thôn, họ tranh thủ trò chuyện, tâm tình với nhau vui vẻ trong lúc sinh hoạt đời thường, dưới dòng nước trong lành, tinh khiết.

Nghệ nhân ưu tú A Jring Đeng ở thôn Kon Brăp Ju (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) cho biết: “Tại làng chúng tôi có một giọt nước được bà con thường xuyên sử dụng. Giọt nước này đã gắn bó với dân làng rất lâu, từ khi tôi còn nhỏ. Bà con sinh hoạt với nhau rất vui vẻ bên giọt nước, nhất là mùa nắng thường tập trung giặt giũ, xách nước về nhà. Hiện tại, nhiều nhà trong làng đã có nước giếng, nước máy tiện lợi nhưng vẫn thích xuống giọt nước tắm, giặt, mang nước về nhà để uống, sinh hoạt”.

Phụ nữ Ba Na bên giọt nước của làng. Ảnh: H.T

Phụ nữ Ba Na bên giọt nước của làng. Ảnh: H.T

Đối với đồng bào DTTS, giọt nước là một nơi rất linh thiêng, có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh đối với bà con. Giọt nước là nơi thần nước trú ngụ, ban phát cho dân làng dòng nước sạch, tinh khiết, dồi dào để bà con khi sử dụng có sức khỏe tốt, tránh được bệnh tật, bên cạnh đó còn đủ nước cho tưới tiêu, trồng trọt để có mùa màng bội thu.

Trước khi làm mới hoặc sửa sang lại giọt nước, bà con DTTS chuẩn bị rất kỹ lưỡng và trải qua nhiều công đoạn. Theo các già làng kể lại, khi tìm được nguồn nước đảm bảo, trước khi dẫn nước về thôn, người dân phải làm lễ cúng và sau đó mỗi năm một lần thực hiện cúng giọt nước, lặp lại các nghi lễ tương tự. Cúng giọt nước là dịp để bà con tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho dân làng nguồn nước sạch để dùng. So với trước đây, lễ vật cúng giọt nước hiện tại đã có phần đơn giản hơn, nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng, lòng thành kính của bà con đối với các thần linh, chúa trời.

Trong việc lựa chọn và tạo dựng giọt nước của đồng bào các DTTS, tuy có nhiều điểm chung nhưng vẫn có những nét riêng biệt, đặc sắc của từng dân tộc. Điển hình như trong việc lựa chọn vị trí bắc máng nước, người Ba Na với người Xơ Đăng cũng có nhiều điểm khác. Theo đó, người Ba Na thì chọn địa điểm dựng giọt nước gần nguồn nước, còn người Xơ Đăng thì khoảng cách xa hơn. Ngoài ra, trong trình tự các nghi lễ khi tạo dựng mới hoặc sửa sang lại giọt nước hàng năm, các dân tộc cũng có những điểm khác nhau trong việc khấn vái, lựa chọn lễ vật, dụng cụ để tế thần linh.

Tại tỉnh ta có nhiều địa điểm được cộng đồng các DTTS tại chỗ chọn làm giọt nước đã trở thành địa điểm độc đáo, thu hút người dân đến tham quan, du lịch. Có thể kể đến tại địa bàn thành phố Kon Tum đã từng có một Giọt nước chảy mạnh được bà con dân tộc Ba Na ở khu vực lân cận đến lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của đời sống, sản xuất, người dân tìm được nhiều nguồn nước khác thay thế nên dần không còn cần đến nguồn nước này nữa.

Vì vậy tại địa điểm này, vào năm 2012, thành phố Kon Tum đã xây dựng Công viên giọt nước Đăk Bla. Đây là một trong 8 công trình trọng điểm của địa phương chào mừng 100 năm thành lập tỉnh (9/2/1913- 9/2/2013). Công viên giọt nước Đăk Bla được xây dựng với những kiến trúc đặc trưng của đồng bào DTTS bản địa trên địa bàn tỉnh nên đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Ngày nay, tại nhiều thôn, làng các DTTS trên địa bàn tỉnh, bà con vẫn duy trì thói quen sử dụng giọt nước và các nghi thức cúng bái, sửa sang giọt nước hằng năm. Điều này cho thấy tầm quan trọng của giọt nước trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con DTTS còn rất lớn. Tại những nơi có giọt nước, bà con vẫn nỗ lực gìn giữ để nguồn nước được trong sạch và giữ thói quen sử dụng nước giọt trong sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là cách để họ tạo sự gắn kết cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.