Độc đáo lễ cúng giọt nước làng Ghè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nay, dân làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ cúng giọt nước (hay còn gọi là bến nước) nhanh gọn, không tập trung đông người nhưng vẫn lưu giữ đầy đủ những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Từ xưa đến nay, đồng bào Jrai ở làng Ghè sinh sống với triết lý đa thần, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Họ quan niệm các vị thần như: thần nước, thần lửa, thần mặt trời, thần mặt trăng, thần núi, thần rừng… có quyền năng vô song, tôn trọng các thần sẽ được phù hộ, giúp đỡ nhiều mặt trong cuộc sống. Trong các vị thần thì thần nước là quan trọng và linh thiêng nhất, vì nước mang lại sự sống cho muôn loài. Do vậy, cứ vào giữa mùa khô (tháng 1 hoặc tháng 2 Dương lịch hàng năm), khi trời cao xanh vời vợi, khi nguồn nước mạch trong núi chảy ra trong vắt là dân làng bảo nhau tổ chức lễ cúng giọt nước để tạ ơn thần nước đã cho dân làng nguồn nước dồi dào, môi trường trong lành, nuôi sống con người và cỏ cây, muông thú.
Lễ vật cúng năm nay gồm có 1 con heo quay khoảng 7 kg, 1 con gà nướng gần 2 kg, ghè rượu cần hơn 20 kg, gùi cơm lam hơn 10 kg, bánh kẹo, nước uống… Các lễ vật trang trọng đặt trên những chiếc lá chuối tươi sạch, ở cạnh giọt nước. Trước khi cúng, những người phụ lễ uy tín cẩn thận bôi gan gà sống, tiết gà sống lên tai của ghè rượu. Già làng Kpuih Ố là chủ lễ cúng. Ông giải thích: “Làm như vậy là để mời gọi Yàng và các thần linh về chứng kiến, chung vui, phù hộ độ trì cho bà con trong làng mạnh giỏi, giúp mưa thuận gió hòa, làm ăn gặp nhiều may mắn, không có dịch bệnh xảy ra”.
Cúng xong, già làng và Trưởng thôn Ghè Kpuih Vinh hướng dẫn bà con cùng đi dọn vệ sinh giọt nước, thu dọn cây cối ngã đổ, rác thải, bồi đắp đường đi lối lại khu vực giọt nước. Xong đâu đó, già làng Kpuih Ố đến chỗ cúng khấn vái một lần nữa, rồi xin Yàng và các thần linh cho người làng liên hoan chung vui với nhau. 
Dân làng Ghè chung vui dịp cúng giọt nước. Ảnh: Hoàng Cư
Dân làng Ghè chung vui dịp cúng giọt nước. Ảnh: Hoàng Cư
Ông Rơ Mah Bêh (làng Dơk Ngol, xã Ia Dơk) phấn khởi nói: “Những năm trước, mình và bà con các làng ở gần đây đến chung vui cùng người dân làng Ghè. Nhưng năm nay, để phòng-chống dịch Covid-19, lễ cúng đơn giản, ít người tham gia, không đánh cồng chiêng, múa hát nên người làng mình đến ít hơn”.
Lễ cúng giọt nước là hình thức tín ngưỡng tâm linh dân gian, là dịp tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ của người bản địa, mang đậm giá trị văn hóa cộng đồng, được thống nhất trong quy ước, hương ước của các làng. Lễ cúng giọt nước làng Ghè được nhiều người quan tâm hơn vì giàu bản sắc, được bảo tồn và phát huy giá trị rất tốt. Thêm nữa, giọt nước làng Ghè cạnh Cây đa di sản Việt Nam và thác Lệ Kim. Ông Rơ Lan Pêu-Chủ tịch UBND xã Ia Dơk-cho biết: “Lễ cúng giọt nước thì làng nào cũng có, nhưng làng Ghè có nhiều lợi thế hơn vì có Cây đa di sản Việt Nam, lại gần thác Lê Kim hùng vĩ, đường sá đi lại thuận tiện nên thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, khám phá ngày càng nhiều. Chúng tôi khuyến khích bà con bảo tồn và phát huy giá trị lễ cúng truyền thống, đồng thời với các giá trị văn hóa dân gian để làm phong phú thêm đời sống tinh thần, thu hút khách du lịch”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

(GLO)- Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.

Từ trái sang: 4 chị em người Bahnar Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương. Ảnh: M.C

Bốn chị em người Bahnar tâm huyết với văn hóa truyền thống

(GLO)- Cả 4 chị em gái trong một gia đình người Bahnar ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng nữ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm của làng. Họ vừa là hạt nhân, vừa là chất xúc tác giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.