(GLO)- Với mục tiêu tạo dựng những “giờ đọc hạnh phúc”, Công ty TNHH Giáo dục Giác Ngộ-TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Dự án văn hóa đọc với chủ đề: “Đọc sách cùng Gia Lai-Vì ngày mai tươi sáng” tại một số trường học ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Sáng 3-4, chương trình tổ chức tại Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng (xã Ia Blang) đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của thầy và trò nhà trường. Ngoài việc trao tặng 1 tủ sách gồm 500 cuốn, tặng 30 ba lô và 90 quyển vở cho học sinh nghèo vượt khó, Dự án còn tạo niềm hứng khởi khi làm mẫu “Giờ đọc hạnh phúc” tại một lớp học.
Có lẽ chưa khi nào 2 từ “hạnh phúc” được nhắc đến nhiều như thế trong một dự án lan tỏa văn hóa đọc. Bằng những cách làm hết sức gần gũi, tự nhiên, các thành viên Dự án đã khơi gợi sự tò mò, ham hiểu biết của mỗi bạn nhỏ.
Đầu tiên, giới thiệu 1 chiếc túi đựng nhiều vật dụng khác nhau, chị Trần Thị Mỹ Dung-Trưởng Dự án đã tổ chức một trò chơi thú vị. Một học sinh được mời lên bục, đưa tay vào túi và đoán xem vật mình chạm đến là gì, sau đó diễn tả để các bạn đoán ra. Cứ vậy, từng món đồ được lấy khỏi túi, tạo sự thu hút và không khí sôi nổi.
Từ những món đồ ấy, chị Dung đã kể lại từng câu chuyện liên quan các nhân vật trong bộ sách “Gieo hạt cùng vĩ nhân” (Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh) mà Dự án trao tặng nhà trường. Chẳng hạn, chiếc sọt tre nhắc nhớ chuyện về Phạm Ngũ Lão; cái túi vàng kể chuyện Mạc Đĩnh Chi; quả trứng liên quan đến danh họa Leonardo Da Vinci; quả táo làm ta liên tưởng đến Kimura-một nông dân nổi tiếng của Nhật Bản… Xen giữa những câu chuyện, học sinh được yêu cầu đọc sách một cách thật tĩnh lặng trong vòng 5 phút, giữa tiếng nhạc êm dịu.
|
Các thành viên của Dự án giao lưu cùng học sinh trong “Giờ đọc hạnh phúc”. Ảnh: Lam Nguyên |
Chị Trần Thị Mỹ Dung-Trưởng Dự án văn hóa đọc (Công ty TNHH Giáo dục Giác Ngộ-TP. Hồ Chí Minh): “Từ ngày 2 đến 5-4, trên địa bàn huyện Chư Sê, Dự án cũng tổ chức chương trình tương tự tại Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du (xã Dun), THPT Trường Chinh (thị trấn Chư Sê), Tịnh xá Phú Cường (xã Ia Pal) và Tịnh xá Ngọc Đồng (xã Ia Blang). Qua đó trao tặng 1.700 cuốn sách, 110 ba lô, 330 quyển vở với tổng kinh phí 100 triệu đồng”. |
Tiếp đến, một số video clip về mối tương quan của con người và muôn loài, con người với thiên nhiên được trình chiếu đã chạm đến những cảm xúc sâu xa nhất của học sinh, khơi mở lòng thương yêu và ham muốn đọc sách tìm hiểu về môi trường, tự nhiên. Tình yêu với sách được “gieo trồng” một cách hết sức nhẹ nhàng như thế.
Em Đặng Hoàng Phúc (lớp 5A2) bày tỏ: “Giờ đọc này khiến em cảm thấy thật sự hạnh phúc. Nhờ có các cô chú mà em càng hiểu thêm rằng sách mang đến cho mình nhiều điều bổ ích. Từ nay em sẽ chăm chỉ đến thư viện trường tìm thêm sách hay để đọc”. Còn em Nguyễn Thị Huyền My (cùng lớp) thì hào hứng cho hay: “Ngoài việc đọc ở thư viện trường, em sẽ mượn sách về nhà và dành ra 1 giờ đọc sách mỗi ngày”.
Kết thúc “Giờ đọc hạnh phúc”, cả lớp cùng hân hoan hát vang ca khúc “Tôi yêu sách hay” do chính các thành viên Dự án sáng tác: “Mặt trời sáng tươi/Một ngày lại đến đây/Ôi sách tôi yêu, cả thế giới đang hòa mình cùng nằm trong sách/Nhiều điều rất hay/Cả bầu trời tri thức/Sách cho tôi đạo đức, cho tôi nghị lực và hiểu sâu sắc/Tôi yêu sách hay… Cả nhà đọc sách/Một giờ mỗi ngày/Bạn hỡi chúng ta đọc sách tương lai sáng tươi…”.
|
Các thành viên của Dự án tặng sách cho các em học sinh. Ảnh: Lam Nguyên |
Cô Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Hiệu trưởng nhà trường-nhận xét: “Đây là hoạt động rất ý nghĩa, khuyến khích văn hóa đọc và làm phong phú thêm thư viện góc lớp. Mong rằng Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng nhà trường để các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn”.
Đặc biệt, bên cạnh việc lan tỏa văn hóa đọc, các thành viên Dự án còn dành một buổi chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo ngôi trường hạnh phúc đến giáo viên nhà trường. Quan điểm của Dự án là “thầy cô hạnh phúc sẽ tạo ra học trò hạnh phúc”. Cụ thể, thông qua việc trình chiếu một số video clip và cùng thảo luận, chương trình đã đánh thức những cảm xúc đẹp đẽ, góp phần chuyển hóa tâm thức giáo viên, giúp họ nhận ra hạnh phúc thực sự với nghề để từ đó thương yêu học trò hơn.
Cô giáo Võ Thị Bích Tuyền xúc động: “Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc là chương trình rất giá trị. Chúng tôi được tìm hiểu thế nào là giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc. Từng nhóm được yêu cầu đưa ra mô hình ngôi trường hạnh phúc theo ý tưởng của mình, được hướng dẫn tổ chức giờ đọc hấp dẫn cho học sinh, bí quyết giúp thầy và trò đều hạnh phúc trong môi trường học đường”.
Đánh giá cao những hoạt động trong khuôn khổ Dự án, một số giáo viên khác cũng nhận định: Không chỉ tặng sách, quà, các thành viên còn trao truyền những giá trị về tinh thần đáng quý. Hiện nay, một bộ phận giáo viên còn thiếu tâm huyết với nghề. Tham gia những buổi chia sẻ kinh nghiệm với cách làm rất sáng tạo này, họ sẽ hiểu thêm rằng đi dạy không chỉ để kiếm tiền mà còn là gieo hạt giống giúp bao thế hệ học sinh được hưởng lợi, xã hội ngày càng phát triển hơn.
LAM NGUYÊN