Gìn giữ nghề mây truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ tầng 2 của ngôi nhà khang trang giữa khu vườn rộng lớn, những tấm mây dài trắng ngà buông xuống đung đưa nhè nhẹ hong nắng đông. Ngoài sân, những cuộn mây đan thành phẩm được xếp thành dãy. Doanh nghiệp tư nhân Dũng Tấn cũng là nhà riêng của anh Phạm Ngọc Tấn (thôn Tây Phú, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là nơi hoàn thiện khâu cuối cùng trước khi những cuộn mặt mây này được chuyển tới khách hàng. Có vẻ gì đó rất… điện ảnh.
 
Cha truyền con nối
“Đan mây không nặng nhọc nên người dân có thể tranh thủ lúc nông nhàn. Mỗi tháng một người cũng đạt thu nhập 3-4 triệu đồng. Người nhanh tay, thạo việc có thể đạt thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng”, bà Phạm Thị Tính, mẹ anh Phạm Ngọc Tấn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dũng Tấn, vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi.
Trung bình mỗi tháng, làng nghề mây tre đan Thượng Hiền tiêu thụ khoảng trên 200 tấn nguyên liệu mây, song. Nguồn mây, song ngoài thu mua trong tỉnh còn được chuyển về từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định cho làng nghề phát triển lâu dài, bền vững, cách đây nhiều năm, doanh nghiệp của anh Tấn (lúc đó do ông Phạm Ngọc Dũng, bố đẻ anh Tấn làm giám đốc) đã tiến hành sản xuất cây mây giống và phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh miền núi tổ chức cung ứng giống cho bà con trồng, khai thác và bán sản phẩm nguyên liệu cho làng nghề. Hạt mây được ươm gieo từ tháng 4, tháng 7 sẽ nảy mầm. Trong lúc đó, đất và phân được dồn bầu, để hoai rồi chọc lỗ, cấy cây con đã nảy mầm vào, tháng 2 năm sau có thể xuất bán cây giống với giá 15 triệu đồng/10.000 cây giống.
Bà Tính rưng rưng kể, lúc sinh thời, chồng bà, ông Phạm Ngọc Dũng, một thương binh thời chống Mỹ, đã bỏ công sức gây dựng doanh nghiệp Dũng Tấn. Doanh nghiệp của ông từng được tặng huy chương vàng và chứng nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, còn bản thân ông Phạm Ngọc Dũng là cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Bình. Đau đáu truyền nghề cho các con, nhưng trong số 5 người con của ông, chỉ có Phạm Ngọc Tấn, người con trai thứ 4, tốt nghiệp Đại học Quản trị kinh doanh chịu trở về quê nhà kế nghiệp gia đình. Được bố kèm cặp 2 năm, anh Tấn ngày càng vững vàng hơn trong công việc kinh doanh.
Chỉ có điều, nếu đến Thượng Hiền với hy vọng tìm được những sản phẩm mỹ nghệ đẹp và độc đáo, bạn có thể sẽ thất vọng. Bà Tính luyến tiếc kể, những bậc cao niên giỏi nghề, có thể làm được những sản phẩm như vậy hầu như đã quy tiên. “Lớp trẻ bây giờ thích học nhanh, làm nhanh, nhận thù lao “nóng”, nên chỉ tập trung vào đan mặt mây - một công việc có phần đơn giản. Còn lớp người khoảng 70 tuổi, cùng lứa với ông xã tôi thì đã mắt mờ, tay chậm, không làm được những thứ tỉ mẩn nữa”, bà Tính chia sẻ.
Dĩ nhiên, hàm lượng sáng tạo và đòi hỏi kỹ năng thấp hơn, giá trị gia tăng cũng sẽ ít hơn. Bù lại, nỗ lực kết nối với nơi cung cấp nguyên liệu (thông qua việc cung cấp giống mây, hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch, sơ chế…) như anh Tấn đang làm đã góp phần tạo ra thêm một “nghề” mới, thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Nghề xưa sống tốt
Xã Thượng Hiền nằm giữa huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình), một huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng được cả nước biết đến như làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (trên 600 năm tuổi); làng nghề mắm cáy, mắm rươi Hồng Tiến; dệt đũi Nam Cao; dệt thảm len Vũ Trung; chế biến cói ở Hòa Bình, Quang Lịch; làm móc lưỡi câu ở Tây Sơn, Nam Bình... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kiến Xương, qua khảo sát, đánh giá các làng nghề, hiện nay toàn huyện chỉ còn 22 làng nghề còn giữ vững các tiêu chí; 15 làng nghề khác đang mai một hoặc không còn là nghề chính. Đáng mừng là làng nghề mây tre đan Thượng Hiền nằm trong số làng nghề đang phát triển, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Theo các bậc cao niên trong xã, nghề đan mây đã có ở Thượng Hiền khoảng hơn 200 năm. Làng đang có hơn 1.200 hộ sản xuất với 2.400 lao động, chiếm khoảng 72% số lao động của địa phương. Ngoài sự nỗ lực, năng động của bản thân mỗi doanh nghiệp, người dân làm nghề, một trong những lý do khiến làng nghề Thượng Hiền vẫn phát triển tốt, là nhờ nguồn kinh phí khuyến công, khuyến thương của tỉnh và huyện đã được xã Thượng Hiền sử dụng khá hiệu quả để tổ chức truyền nghề cho lao động. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất cũng được tạo điều kiện tối đa để vay vốn ưu đãi mở rộng quy mô, nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới người tiêu dùng, các đối tác trong và ngoài nước.
Một vài năm trở lại đây, giá trị sản xuất từ làng nghề Thượng Hiền hàng năm đạt khoảng 80 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm có phần khó khăn hơn những năm trước, song mỗi tháng làng nghề cũng xuất ra thị trường hàng chục ngàn mét vuông sản phẩm tấm mây đan.
ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.