Gieo trồng sớm vụ Đông Xuân để tránh hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo dự kiến, vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện Chư Prông sẽ gieo trồng 900 ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương huy động mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp nhằm gieo trồng đúng thời vụ và hoàn thành kế hoạch đề ra.

Nông dân tích cực ra đồng

 

Làm đất chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Đức Thụy
Làm đất chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Đức Thụy
Với những diện tích lúa năm trước bị hạn, đặc biệt là diện tích mất trắng, huyện cũng hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, nhu cầu sử dụng nước tưới ít hơn, như: đậu, bắp, rau các loại... Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân gia cố bờ vùng, bờ thửa; kiểm tra, sửa chữa và tu bổ các công trình thủy lợi; bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi; thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước và vận hành hợp lý các công trình điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu cây trồng…

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng thuộc các xã: Ia Mơr, Ia Piơr, Ia Lâu… đều bắt gặp không khí lao động khẩn trương, tấp nập của bà con nông dân. Tại cánh đồng làng Ring (xã Ia Mơr), từ sáng sớm, người dân đã í ới gọi nhau ra đồng, người làm cỏ, người đắp bờ, nạo vét kênh mương… Tay chân lấm lem bùn đất, anh Lê Văn Hồng (làng Ring) cho biết: “Vụ Đông Xuân trước, gia đình tôi gieo sạ 2 ha lúa. Đến giai đoạn lúa trổ đòng thì gặp hạn nên có đến 1,5 ha bị giảm năng suất 70%, thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Vì vậy, năm nay, gia đình tôi chủ động gieo sạ sớm và chọn giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, hy vọng sẽ tránh được hạn”. Theo anh Hồng, người dân làng Ring sống chủ yếu dựa vào cây lúa, nhưng năm vừa qua, hầu như nhà nào cũng bị thua lỗ, có nhà mất trắng. Do vậy, vụ Đông Xuân năm nay, theo khuyến cáo, bà con đều tích cực chuẩn bị đất, phân bón, nước… và xuống giống sớm.

Cũng như gia đình anh Hồng, nhiều hộ khác ở làng Ring sau khi thu hoạch xong vụ mùa đã khẩn trương làm đất và chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục sản xuất vụ Đông-Xuân. Ông Phạm Văn Hiển-Trưởng thôn Ring, cho hay: “Làng có 40 ha đất trồng lúa. Trong vụ Đông Xuân 2015-2016, có hơn 30 ha lúa bị thiệt hại nặng do hạn hán (giảm 70% năng suất). Để tránh thiệt hại trong vụ Đông Xuân năm nay theo khuyến cáo, bà con quyết định gieo sạ sớm hơn so với lịch thời vụ 15 ngày; đồng thời, sử dụng một số giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn như: Khang Dân 18, Q5, HT1, Mai Lâm để tránh hạn”. Ông Hiển cũng băn khoăn: “Tính đến thời điểm hiện tại, bà con trong làng đã gieo trồng được 50% diện tích nhưng nước ở sông, suối tại đây đang cạn nhanh nên bà con rất lo lắng, phải thường xuyên kiểm tra các bờ ruộng để giữ nước”.

 

Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông: “Hiện trên địa bàn huyện có 6 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, gồm: đập dâng Ia Lâu, đập dâng Ia Kly, đập dâng Ia Hlốp và hồ chứa Plei Pai, hồ thủy lợi thị trấn Chư Prông, hồ Hoàng Ân và nhiều hồ, đập tạm khác. Vụ Đông Xuân 2016-2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chủ động phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông huyện xây dựng lịch tưới cho diện tích cây trồng ở các xã có công trình thủy lợi với phương châm “Bố trí lịch thời vụ sớm hơn để tránh hạn”. Bên cạnh đó, Phòng cũng phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông huyện tổ chức quản lý tốt nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo nhu cầu sử dụng của từng loại cây trồng, theo từng giai đoạn…”.

Rời cánh đồng làng Ring, chúng tôi tiếp tục đến cánh đồng thôn Lũng Vân (xã Ia Lâu). Một số diện tích trên cánh đồng đã lún phún những mầm xanh. Nông dân Hà Văn Mừng chia sẻ: “Nhiều hộ dân đã phải ra đồng từ 3 giờ đến 21 giờ để cày cho xong đất nhằm kịp xuống giống, đảm bảo tiến độ gieo trồng như khuyến cáo của UBND xã”. Có mặt tại cánh đồng để động viên bà con, ông Nguyễn Đức Tuyên-Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết: “Vụ Đông Xuân 2016-2017, toàn xã dự kiến gieo trồng 280 ha lúa, tập trung ở các thôn: Lũng Vân, Bắc Thái, Phố Hiến, thôn 1, thôn 3 và thôn 7. Cuối tháng 10 vừa qua, UBND xã đã vận động bà con khẩn trương thu hoạch vụ mùa và xác định những diện tích đủ nguồn nước tưới để đưa vào sản xuất vụ Đông Xuân. Xã cũng triển khai cho nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, dẫn nước từ đập dâng Ia Hlốp và hồ chứa Plei Pai về các kênh mương nội đồng phục vụ cho việc làm đất; kiểm tra kỹ bờ ruộng, bờ thửa để giữ nước và tiết kiệm nước cho cây trồng”. Ông Tuyên nhấn mạnh, khoảng đầu tháng 11, hầu hết các hộ dân trong xã đã làm xong đất và xuống giống. Riêng 10 ha không đảm bảo nước tưới được xã hướng dẫn chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác.

 

Gieo trồng sớm để tránh hạn
 

Cánh đồng thôn Lũng Vân (xã Ia Lâu). Ảnh: H.T
Cánh đồng thôn Lũng Vân (xã Ia Lâu). Ảnh: H.T

Theo thống kê, vụ Đông Xuân năm 2015-2016, toàn huyện Chư Prông có hơn 200 ha lúa bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó mất trắng khoảng vài chục ha, số còn lại là giảm năng suất. Do đó, để chủ động trong việc phòng-chống hạn, hạn chế thiệt hại cho cây trồng vụ Đông Xuân năm nay, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và bố trí lịch thời vụ phù hợp; đồng thời điều chỉnh giảm diện tích ở những vùng bị hạn, mất trắng chứ không yêu cầu phải gieo trồng đủ diện tích theo kế hoạch.

Đối với cây lúa, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến cáo bà con nông dân gieo trồng sớm hơn so với lịch thời vụ khoảng 15 ngày và chỉ triển khai xuống giống trên những diện tích đảm bảo đủ nguồn nước và những diện tích mà vụ gieo trồng trước không bị hạn. Cụ thể, vùng chủ động được nguồn nước, các địa phương cần tập trung xuống giống trong khung thời vụ từ ngày 1-12 đến 20-12-2016; những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ, UBND các xã khuyến cáo nhân dân cân đối diện tích xuống giống phù hợp với lượng nước trong hồ đập, gieo sạ sớm hơn lúa đại trà (trước ngày 1-12). Huyện cũng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nên gieo sạ lúa tiết kiệm giống (ở mức 100-120 kg/ha) và áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”: giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả và “1 phải”-phải sử dụng giống xác nhận. 

 

Hồ chứa nước thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông). Ảnh: NGUYỄN DIỆP
Hồ chứa nước thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông). Ảnh: N.D
“Khó khăn nhất trong vụ sản xuất năm nay vẫn là nguồn nước. Mặc dù lượng nước ở các ao hồ, đập dâng hiện vẫn dồi dào, tuy nhiên theo đánh giá của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, hạn hán vẫn có thể xảy ra vào cuối vụ. Do vậy, công tác chuẩn bị cho việc gieo trồng vụ Đông Xuân cần phải chu đáo. Ngoài việc hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai cho nhân dân gieo sạ đúng lịch thời vụ đã được UBND huyện điều chỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn tích cực vận động nhân dân nạo vét kênh mương, sử dụng nguồn nước hợp lý để đảm bảo nước tưới cho cây trồng”-ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho biết. 

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng xây dựng, bổ sung, cập nhật phương án chống hạn, trong đó bố trí kinh phí cho công tác phòng-chống hạn, nhất là ở những vùng có nguy cơ hạn cao; thông báo kịp thời tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh kịp thời việc cấp nước phục vụ sản xuất phù hợp với từng khu tưới, vùng tưới của từng địa phương; thực hiện tưới luân phiên theo từng tuyến kênh, khu tưới theo kế hoạch và lịch tưới của các công trình... Mặt khác, Phòng cũng hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất…  

Qua rà soát, đến nay, toàn huyện đã gieo sạ được 80% diện tích lúa. “Nếu nông dân gieo trồng sớm theo lịch khuyến cáo thì đến khoảng cuối tháng 3, diện tích lúa đã cho thu hoạch, có xảy ra hạn (hạn sớm thường rơi vào khoảng giữa tháng 3) cũng không bị ảnh hưởng”-ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông nhấn mạnh.

 

Để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, huyện Chư Prông đã tổ chức 3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững quy trình canh tác từng loại cây trồng và cách ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ 18 tấn lúa giống OM4900 cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gieo sạ trong vụ Đông Xuân 2016-2017.

 Anh Huy-Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.