Giàu lên nhờ cây ăn quả và rau xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su liên tục mất mùa, mất giá, nhiều nông dân ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) mạnh dạn chuyển sang cây trồng mới. Nhiều mô hình bước đầu đem lại hiệu quả cao.



Từ trồng cây ăn quả

Ông Nguyễn Văn Hà (tổ 4, thị trấn Chư Ty) cho biết: Trước đây, gia đình ông trồng hồ tiêu. Khi cây hồ tiêu bắt đầu phủ trụ thì nhiễm bệnh chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Không nản chí, ông lại bắt tay cải tạo đất để trồng tiếp. Cứ thế 8 năm ròng rã đầu tư cho vườn hồ tiêu mất khoảng 400 triệu đồng mà chưa thu lại được đồng nào vì cây vẫn bị bệnh chết hàng loạt. Tháng 6-2018, ông mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 1 ha đất hồ tiêu chết sang trồng 400 cây chanh tứ quý, 40 cây ổi, 20 cây sầu riêng, 40 gốc cam và bưởi. Đến năm 2019, 400 gốc chanh tứ quý bắt đầu cho thu hoạch được gần 4 tấn quả; 40 gốc ổi cho thu 8 tạ quả. Với giá bán 20.000 đồng/kg chanh và 15.000 đồng/kg ổi, gia đình ông thu về gần 100 triệu đồng.

 Ông Nguyễn Văn Hà (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn chanh tứ quý của gia đình. Ảnh: N.S
Ông Nguyễn Văn Hà (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn chanh tứ quý của gia đình. Ảnh: N.S



Theo ông Hà, trồng chanh tứ quý rất dễ chăm sóc, cây lại sai quả, quả to và đều. Năm ngoái, vườn chanh cho thu bói được 2 đợt, còn năm nay sẽ cho thu hoạch 4 đợt, dự kiến sản lượng đạt khoảng 8 tấn. Vừa qua, gia đình ông đã thu hoạch đợt 1 được 2 tấn quả, thương lái mua tại vườn với giá 20.000 đồng/kg. Với 400 gốc chanh và 40 gốc ổi, trừ chi phí, bình quân gia đình ông lãi hơn 140 triệu đồng/năm. Những năm tới, khi diện tích sầu riêng, cam, bưởi cho thu hoạch thì gia đình ông sẽ có nguồn thu nhập khá hơn.

Cũng thất bại với cây hồ tiêu, đầu năm 2017, gia đình ông Vũ Văn Thuấn (tổ 2, thị trấn Chư Ty) đã chuyển đổi 1,5 ha sang trồng 700 cây cà phê, 13 cây sầu riêng, 60 cây bơ. Những năm tiếp theo, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm sầu riêng. Đến nay, trong vườn nhà ông đã có hơn 200 cây sầu riêng. Ông Thuấn cho hay: “Năm ngoái, 13 cây sầu riêng cho thu hoạch, bán được 90 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi có thêm 20 cây sầu riêng cho thu thoạch, diện tích bơ và cà phê cũng bắt đầu được thu bói. Dự kiến, gia đình tôi sẽ thu về hơn 200 triệu đồng. Việc chuyển đổi cây trồng giúp gia đình tôi bớt khó khăn sau những năm thất bại với cây hồ tiêu”.

Đến sản xuất rau xanh

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Thanh Minh (làng Klũh Yẻh, xã Ia Lang) có gần 3 sào đất trồng hồ tiêu. Thời điểm hồ tiêu được giá, mỗi năm, gia đình anh thu được 100 triệu đồng. Từ khi cây hồ tiêu bị chết hàng loạt và mất giá, kinh tế gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Để vực dậy sản xuất, năm 2019, anh đã chuyển đổi sang trồng cây măng tây. Hiện nay, mỗi ngày, vườn măng tây của gia đình cho thu nhập trên 1 triệu đồng. “Ngoài việc cung cấp măng tây thành phẩm ra thị trường, tôi đang tiến hành ươm cây giống bán cho các hộ trong xã để trồng. Tôi cũng đang dự kiến mở rộng thêm diện tích trồng các loại rau xanh”-anh Minh chia sẻ.

Anh Nguyễn Thanh Minh đang thu hoạch cây măng tây. Ảnh: Ngọc Sang
Anh Nguyễn Thanh Minh đang thu hoạch cây măng tây. Ảnh: Ngọc Sang



Trên địa bàn huyện Đức Cơ hiện có khoảng 153 ha cà phê già cỗi và hồ tiêu chết được chuyển đổi theo mô hình đa dạng cây trồng. Trong đó, huyện hỗ trợ cho người dân tái canh 50 ha cà phê, trồng 3 ha cây ăn quả. Riêng người dân tự chuyển đổi khoảng 100 ha gồm: tái canh cà phê, trồng cây ăn quả, chanh dây và rau màu các loại. Bước đầu, diện tích cây trồng này cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nông dân đang rất cần định hướng cụ thể của cơ quan chuyên môn để việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Trong những năm gần đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện chết nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện đã có nghị quyết vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp. Một số hộ dân chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng trên diện tích hồ tiêu chết bước đầu đã có thu nhập ổn định. “Thời gian tới, huyện sẽ định hướng cho người dân chuyển đổi khoảng 100 ha đất hồ tiêu chết sang trồng cây dược liệu, chanh dây, cây ăn quả và các loại cây ngắn ngày nhằm đa dạng hóa cây trồng trên một diện tích hoặc nhiều diện tích khác nhau để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ những mô hình cây ăn quả có diện tích từ 2 ha trở lên sản xuất theo hướng VietGAP, đăng ký xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cũng như tạo ra sản phẩm OCOP. Địa phương rất hy vọng với những mô hình chuyển đổi cây trồng sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản, trong đó có cây ăn quả giúp người dân từng bước phát triển sản xuất bền vững”-ông Tư thông tin.

 

 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.