Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được xem là “quốc bảo” của Việt Nam, sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, loại cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Đó là lý do để người dân tại vùng núi Ngọc Linh tích cực bảo vệ, gìn giữ và phát triển loại dược liệu quý này. Tuy nhiên, việc bảo tồn nguồn giống, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là một hành trình đầy gian nan.

bao-ve-thuong-hieu-sam-ngoc-linh-dd.jpg
Người dân tỉnh Kon Tum chăm sóc cây sâm Ngọc Linh.

Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là vùng đất được du khách biết đến là “thủ phủ” sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum. Dãy Ngọc Linh quanh năm sương mù và mưa lạnh, nơi có độ che phủ rừng tự nhiên rất lớn là điều kiện lý tưởng cho các loại dược liệu quý sinh trưởng và phát triển.

Tham gia trồng sâm trên dãy núi Ngọc Linh, ông A Linh (thôn Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết: Hằng năm, sau khi thu hoạch, người dân sẽ đem hạt sâm vào khu rừng già để ươm. Đến tháng 3, cây lên mầm và cho ra củ. Khoảng 5 tháng sau, cây sâm bắt đầu sinh trưởng tốt, có thể di thực dưới tán rừng.

Tuy nhiên, thời điểm này bắt đầu vào mùa mưa, cây sâm dễ bị thối củ và chết, người dân phải chờ đến khoảng tháng 10-11, khi thời tiết khô hơn, mới bắt đầu mùa trồng mới. Khi đó, những nhóm hộ sẽ cùng nhau lên rừng, nhẹ nhàng nhổ những gốc sâm đã gieo tại vườn ươm; nhổ thật nhẹ để bảo vệ bộ rễ rồi đem đi trồng tại khu vực đã chuẩn bị sẵn. Sau khi nhổ lên, phải đem cây đi trồng ngay, nếu để hai, ba ngày, cây sẽ yếu và chết.

Theo ông A Linh, khi gieo hạt, tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 60% đến 70%. Khi trồng, tỷ lệ sống giảm theo từng năm. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, tỷ lệ sống chỉ còn 30% đến 40% số cây. Vì thế, dù nói là sâm trồng, nhưng thực tế cây giống được gieo bằng hạt, trồng tự nhiên trên rừng. Quá trình trồng không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân bón khi cây sinh trưởng và phát triển.

Ông A Đức (thôn Long Hy, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) thì cho biết: Không ít người vẫn nhầm lẫn cây sâm Ngọc Linh và cây tam thất hoang. Cây sâm Ngọc Linh chỉ sống ở lưng chừng các ngọn núi, nơi thường xuyên có mây mù bao phủ. Dấu hiệu để phân biệt là sâm Ngọc Linh có hai củ tròn tròn phần dưới gốc, rễ sâm tua tủa như rễ tre, màu vàng, củ thường nhỏ hơn, dài; lõi bên trong nâu đậm chứng tỏ sâm lâu năm và nhiều hoạt chất; còn tam thất hoang, rễ củ thường giống đuôi chuột, màu hơi đen.

Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, quý hiếm, phân bố ở miền trung Việt Nam, điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ tối thiểu 70% và có độ cao từ 1.200m đến 2.500m. Phần rễ và thân rễ cây sâm Ngọc Linh thiên nhiên có 52 hợp chất saponin đã được xác định. Nhờ những phát hiện về hàm lượng hoạt chất trong sâm Ngọc Linh đã khiến giá trị của loại cây này được nâng cao, tùy thuộc vào số tuổi của cây mà giá dao động khoảng từ 150-200 triệu đồng/kg.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết: Sâm Ngọc Linh được phân bố tại hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Hiện tại, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được hơn 2.800 ha sâm Ngọc Linh. Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần giúp gần 2.000 hộ đồng bào dân tộc Xơ Đăng thoát nghèo; giúp hàng trăm hộ làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Thực tế là đã xảy ra các trường hợp rao bán sâm Ngọc Linh giả bằng những loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh. Người chịu thiệt đầu tiên là khách hàng khi họ phải bỏ số tiền lớn nhưng không mua đúng sản phẩm, còn người trồng tâm huyết thì thiệt hại. Hiện nay, 1 ha sâm Ngọc Linh đem lại giá trị hơn 30 tỷ đồng, là một cây trồng có giá trị cao về kinh tế, tuy nhiên loại cây này đang đối mặt với nạn sâm giả khiến người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị thiệt hại lớn.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Khoa Dược - Trường đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Do giá cả chênh lệch đến hàng trăm triệu đồng giữa một số loại sâm so với sâm Ngọc Linh, cùng với tình trạng nhập lậu tam thất hoang giá rẻ, chất lượng không kiểm soát từ Trung Quốc vào Việt Nam, thị trường sâm đang bất ổn, thiếu kiểm soát, dẫn đến tình trạng hàng lậu, hàng giả tràn lan, ảnh hưởng hình ảnh và uy tín của sâm Ngọc Linh và thiệt hại cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển cây sâm của Việt Nam chưa thật sự chặt chẽ và khoa học... đã gây khó khăn cho sự phát triển của sâm Việt Nam nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng.

Theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đã định hướng phát triển sâm Ngọc Linh trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cho người trồng sâm.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Kon Tum và nhất là lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông đã ban hành nhiều văn bản chính sách bảo vệ cây sâm Ngọc Linh nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là hành trình gian nan, vất vả.

Tuy vậy, không ngại khó, ngại khổ, chỉ trồng những cây đã được kiểm định thuần gien sâm Ngọc Linh tại chỗ, không tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh, kiên quyết đấu tranh với tình trạng “đội lốt” sâm Ngọc Linh… là việc mà đồng bào dân tộc Xơ Đăng dưới chân núi Ngọc Linh đã và đang làm để bảo vệ, gìn giữ và phát triển “quốc bảo” của Việt Nam.

Theo Bài, ảnh: MINH NGHĨA VÀ PHÚC THẮNG (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.