Lắp trạm phát sóng để bảo vệ sâm Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để giúp người dân bảo vệ sâm Ngọc Linh, UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã kêu gọi Tập đoàn Viettel tiến hành lắp đặt trạm phát sóng.

Phủ sóng để bảo vệ sâm Ngọc Linh

Ngày 12.11, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho biết Tập đoàn Viettel đã lắp đặt 2 trạm phát sóng tại vùng sóng yếu nhằm bảo vệ sâm Ngọc Linh.

Hai vị trí được lắp đặt 2 trạm phát sóng nằm tại thôn Tu Thó (xã Tê Xăng) và thôn Đăk Dơn (xã Măng Ri). Trước kia, sóng viễn thông khu vực này rất yếu, việc liên hệ qua điện thoại rất khó, thậm chí gián đoạn. Người dân ở các khu vực này đang đẩy mạnh trồng sâm Ngọc Linh nhưng không có sóng nên không thể lắp camera an ninh để bảo vệ vườn.

Trạm phát sóng góp phần bảo vệ sâm Ngọc Linh. ẢNH: THIÊN ÂN
Trạm phát sóng góp phần bảo vệ sâm Ngọc Linh. ẢNH: THIÊN ÂN

Hiện giá sâm Ngọc Linh ngoài thị trường rất cao, dao động từ 160 - 250 triệu đồng/kg. Thời gian qua, trên địa bàn H.Tu Mơ Rông liên tục xảy ra các vụ trộm cắp sâm Ngọc Linh với số lượng lớn khiến cho các hộ gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế.

Để giúp người dân bảo vệ vườn sâm nói riêng và thuận tiện trong việc sinh hoạt, liên lạc, UBND H.Tu Mơ Rông kêu gọi Tập đoàn Viettel tiến hành lắp đặt trạm phát sóng. Từ khi có sóng viễn thông, người dân đồng loạt lắp camera bảo vệ vườn sâm nhằm ngăn chặn trộm cắp.

Anh A Phân (ở thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) cho biết, gia đình anh trồng hơn 500 cây sâm trên núi Ngọc Linh. Việc trồng và bảo vệ sâm gặp khó khi vị trí trồng là khu rừng sâu, đường sá đi lại khó khăn, sóng chập chờn, nhiều điểm không có sóng. Bởi vậy, gia đình anh thường xuyên túc trực trên vườn để bảo vệ sâm. Dù anh A Phân muốn lắp camera để quản lý vườn sâm qua điện thoại, giảm nhân công bảo vệ nhưng không có sóng viễn thông nên đành "bó tay".

Nạn trộm cắp sâm Ngọc Linh khiến người dân thiệt hại lớn về kinh tế. ẢNH: THIÊN ÂN
Nạn trộm cắp sâm Ngọc Linh khiến người dân thiệt hại lớn về kinh tế. ẢNH: THIÊN ÂN

"Đến nay, nhờ sự quan tâm từ địa phương cũng như Tập đoàn Viettel, khu vực trồng sâm có sóng mạnh. Có sóng, gia đình tôi liền lắp đặt 2 camera trên vườn. Bây giờ, tôi có thể giám sát vườn sâm của mình thông qua màn hình điện thoại rất hiệu quả", anh A Phân nói.

Vận động người dân lắp đặt camera

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó chủ tịch UBND xã Măng Ri, sâm Ngọc Linh là loại cây được đồng bào Xơ Đăng kỳ vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tại khu vực núi thôn Đăk Dơn, đồng bào Xơ Đăng trồng sâm Ngọc Linh nhiều, nhưng gặp khó vì khu vực núi sâu, sóng điện thoại không bao phủ hết.

Nghi phạm trộm cắp 350 gốc sâm Ngọc Linh bị cơ quan công an bắt giữ. ẢNH: THIÊN ÂN
Nghi phạm trộm cắp 350 gốc sâm Ngọc Linh bị cơ quan công an bắt giữ. ẢNH: THIÊN ÂN

Điều này khiến công tác quản lý vườn sâm gặp khó, không thể lắp camera để giám sát, thông tin liên hệ qua điện thoại với người thân cũng bị gián đoạn. Từ khi có trạm phát sóng, nhiều người dân chủ động mua camera để lắp đặt trên vườn, trục đường chính... Nhờ đó, các vườn sâm được quản lý bằng công nghệ, giúp việc bảo vệ được tốt hơn. Hiện có 7 hộ dân xã Măng Ri lắp đặt camera để bảo vệ vườn sâm nhưng nhiều hộ khác cũng được hưởng lợi thông qua việc giám sát, quản lý chung.

"Xã đang kêu gọi, vận động người dân chủ động lắp đặt camera tại các trục đường chính dẫn vào vườn sâm mà sóng vừa phủ đến, nhằm quản lý người lạ vào vườn. Xã cũng khuyến cáo người dân, qua camera, nếu phát hiện người lạ xâm nhập vào vườn, thực hiện hành vi trộm cắp, cần lưu giữ, báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng để có hướng bắt quả tang, làm cơ sở xử lý", ông Trí nói.

Trước khi có sóng để lắp đặt camera an ninh, người dân chỉ có thể bảo vệ vườn sâm bằng hàng rào, chông tre. ẢNH: THIÊN ÂN
Trước khi có sóng để lắp đặt camera an ninh, người dân chỉ có thể bảo vệ vườn sâm bằng hàng rào, chông tre. ẢNH: THIÊN ÂN

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông cho hay, bên cạnh việc kêu gọi lắp đặt trạm phát sóng, huyện đã triển khai các dự án lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các điểm giao thông quan trọng nhằm phục vụ kiểm soát, điều tra. Đồng thời, chỉ đạo các xã vận động nhân dân kê khai diện tích, số lượng, vị trí trồng, liên kết trồng để lập hồ sơ pháp lý vùng trồng sâm Ngọc Linh.

Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

null