Lần đầu tiên Đắk Nông bảo hiểm lượng mưa cho cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm qua, tình trạng hạn hán đã tác động không nhỏ đến sản xuất cà phê của Đắk Nông. Vì vậy, bảo hiểm lượng mưa sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhà nông do thiên tai gây ra.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có khoảng 142.000ha cà phê, sản lượng hơn 360.000 tấn/vụ. Sản phẩm cà phê của tỉnh xuất khẩu đến các thị trường như: Singapore, Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia…

Tuy nhiên, sản xuất cà phê phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc thù về địa hình, việc trồng cà phê ở Đắk Nông đang gặp không ít khó khăn, nhất là tình trạng khô hạn kéo dài, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.

lan-dau-tien-dak-nong-bao-hiem-luong-mua-dd.jpg
Dựa trên dữ liệu thời tiết được thu thập trên, bảo hiểm lượng mưa sẽ tự động thanh toán các khoản bồi thường cho người tham gia trong trường hợp bị tổn thất do thiên tai

Do đó, trong khuôn khổ Dự án “Sản xuất cà phê bền vững theo hướng giảm phát thải và đáp ứng các quy định chống phá rừng của EU tại Đắk Nông”, Công ty Cổ phần Intimex Đắk Nông, Công ty JDE Peet’s (Hà Lan) và Công ty Cổ phần TMT Consulting phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai thí điểm mô hình bảo hiểm lượng mưa cho cây cà phê tại huyện Krông Nô và Đắk Glong (Đắk Nông).

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần TMT Consulting, tại huyện Krông Nô, đơn vị tư vấn TMT Consulting đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thí điểm mô hình và được nông dân trồng cà phê của 7 xã vùng dự án đồng tình ủng hộ.

Bà Nguyễn Thị Hương ở xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết đến chương trình bảo hiểm lượng mưa. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy mô hình sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân”.

2baohiemluongmua.jpg
Bà Nguyễn Thị Hương ở xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đồng tình với mô hình bảo hiểm lượng mưa

Còn ông Nguyễn Trọng Tuyển ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong canh tác hơn 3ha cà phê. Những năm qua, do biến đổi bất thường của thời tiết, nắng nóng kéo dài khiến chi phí chăm sóc cà phê của ông Tuyển tăng lên khá cao.

Ông Tuyển cho hay: “Chương trình bảo hiểm lượng mưa cho cây cà phê có thể ví như của để dành đối với nông dân. Qua đó, giúp người dân giảm bớt những thiệt hại do thời tiết gây ra”.

Thời gian qua, Công ty Cổ phần TMT Consulting đã tiến hành khảo sát, kết nối và triển khai hội thảo, giúp người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc tham gia mô hình bảo hiểm lượng mưa. Đến nay, huyện Krông Nô đã có trên 35 nông hộ với 99,6ha cà phê tiếp cận mô hình mới này.

3baohiemluongmua.jpg
Tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới luôn đe dọa nhiều diện tích cà phê ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông)

“Đây là mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng. TMT Consulting đã kết nối cho các bên tham gia gặp gỡ, tìm giải pháp thực hiện cũng như nhân rộng mô hình trong tương lai”, ông Nguyễn Thanh Tâm cho hay.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, tại Việt Nam, có một số doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm và nhà mạng đã triển khai chương trình bảo hiểm lượng mưa. Cụ thể như: Công ty Công nghệ Bảo hiểm (Insur-Tech) Hillridge, Công ty TNHH Bảo hiểm Phi nhân thọ MSIG Việt Nam (MSIG Việt Nam), Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI)…

“Sản phẩm bảo hiểm lượng mưa được số hóa 100% nên khác với bảo hiểm nông nghiệp truyền thống. Việc chi trả không phụ thuộc vào mức độ thiệt hại mà sẽ dựa vào lượng mưa ở khu vực đó”, đại diện Insur-Tech nói.

4baohiemluongmua.jpg
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên luôn đồng hành, hướng dẫn người dân canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo đó, nếu lượng mưa được tính toán và đo lường tự động thấp hơn so với quy định trong hợp đồng bảo hiểm, hệ thống sẽ tự động tính toán và chi trả quyền lợi cho người dân. Hiện nay, chương trình bảo hiểm chỉ số lượng mưa đã được nông dân tại 18 tỉnh, thành tiếp cận, trong đó có Đắk Nông.

Hiện, nhiều doanh nghiệp triển khai mức bảo hiểm 5.000 đồng/ngày, người dân sẽ có cơ hội nhận bồi thường lên tới 6 triệu đồng. Cụ thể, nếu chỉ số lượng mưa tại khu vực canh tác thấp hơn ngưỡng nhất định trong thời gian mua bảo hiểm, người nông dân chỉ cần gửi các tài liệu cần thiết (từ điện thoại thông minh) qua cổng tiếp nhận thông tin của dịch vụ để nhận bồi thường.

Theo Văn Tâm (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm