Giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật: Bài toán khó của nhiều trường THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Âm nhạc và Mỹ thuật là 2 trong số các môn học tự chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 10. Tuy nhiên, hiện nay, việc thiếu đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học này đang là bài toán khó của nhiều trường THPT trong tỉnh Gia Lai.
Năm học 2022-2023, Trường THPT Pleiku dự kiến tuyển 14 lớp 10 với 630 học sinh. Trên cơ sở hướng dẫn của ngành, nhà trường đã tiến hành xây dựng phương án dự kiến đảm bảo chất lượng dạy học lớp 10 theo từng tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập dựa trên điều kiện thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng như thiết bị dạy học. Theo đó, 4 tổ hợp môn học được xây dựng thuộc các nhóm Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Công nghệ; trừ các môn Nghệ thuật. 
Thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng nhà trường-trăn trở: Do không có giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật và theo quy định không thể hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế nên nhà trường đành phải loại 2 môn học này ra khỏi các tổ hợp dự kiến xây dựng trước đó. Đây là điều khá đáng tiếc vì qua khảo sát tại một số trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku, nhu cầu học tập các môn Nghệ thuật của học sinh lớp 9 khi vào lớp 10 khá cao. Đơn cử như Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư) có 177/523 học sinh lựa chọn học các môn Nghệ thuật, cao hơn môn Công nghệ (100 em) và Tin học (151 em). Nếu được phép hợp đồng giáo viên, chúng tôi sẵn sàng xây dựng các tổ hợp có môn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Tương tự, thầy Trần Bá Công-Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) cũng cho hay: “Qua khảo sát nhu cầu ở 2 trường THCS trên địa bàn, nhóm tổ hợp Công nghệ-Nghệ thuật, trong đó có môn Âm nhạc, được học sinh lớp 9 đăng ký lựa chọn rất cao, chiếm hơn 40%. Song, giáo viên dạy Âm nhạc và Mỹ thuật hiện nay vẫn là nỗi băn khoăn lớn nhất của trường nói riêng và hầu hết các trường THPT trong tỉnh nói chung vì không có đội ngũ, cũng không thể hợp đồng giáo viên dạy các môn này từ bậc THCS. Riêng các môn còn lại, nhà trường đã xây dựng phương án quản trị đội ngũ, cơ bản đảm bảo nhu cầu học tập, giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018 vào năm học 2022-2023”.
 Cán bộ, giáo viên Trường THPT Pleiku họp bàn xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho lớp 10 năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Pleiku họp bàn xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho lớp 10 năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà
Vì có 2 bậc học nên Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Păh) thuận lợi hơn các trường THPT khác về đội ngũ giáo viên giảng dạy Âm nhạc và Mỹ thuật cho lớp 10 vào năm học tới. Tuy nhiên, theo Phó Hiệu trưởng Đỗ Quang Tuấn, số giáo viên dạy 2 môn học này ở bậc THCS vẫn có người chưa đạt chuẩn để dạy cho bậc THPT và cần thời gian để bồi dưỡng, nâng cao. Ngoài ra, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 khá đông (hơn 70%) nên cũng tạo ra những khó khăn nhất định trong việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn. “Nhà trường chỉ xây dựng 2 tổ hợp môn học lựa chọn đối với lớp 10 để đảm bảo chất lượng trong năm học 2022-2023. Trong đó, đối với nhóm môn Công nghệ-Nghệ thuật, chúng tôi ưu tiên lựa chọn các môn phù hợp với năng lực đội ngũ và cơ sở vật chất hiện có. Dự kiến, nhà trường sẽ tuyển sinh 4 lớp 10 với khoảng 180 học sinh”-thầy Tuấn cho biết.
Thời gian qua, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung-giáo viên Âm nhạc Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái-cũng tích cực tìm hiểu về Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT; đồng thời chủ động trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sẵn sàng cho việc giảng dạy bộ môn này ở lớp 10 nếu được nhà trường phân công.
Cô Nhung chia sẻ: “Qua nghiên cứu sách giáo khoa lớp 10 mới, tôi thấy nội dung khá phong phú. Học sinh sẽ được làm quen với nhạc cụ, hợp xướng, học sâu hơn về nhạc lý... Để đảm bảo công tác giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới ở bậc THPT, tôi đã tự đăng ký tham gia các khóa học nâng cao về nhạc cụ, trong đó có một số nhạc cụ dân tộc như: sáo trúc, trống, đàn đá nhằm trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân. Ngoài ra, tôi cũng tự mua sắm các nhạc cụ như: đàn piano, organ, ghi ta, sáo, đàn đá... để vừa luyện tập, vừa phục vụ cho việc giảng dạy trên lớp”.
Cũng theo cô Nhung, thuận lợi của nhà trường là có Câu lạc bộ Âm nhạc với sự tham gia của khoảng 100 học sinh ở cả 2 bậc học. Câu lạc bộ này đã được duy trì nhiều năm với những hoạt động như: hòa tấu, biểu diễn âm nhạc sân khấu... Đây là tiền đề giúp học sinh lớp 9 dễ dàng tiếp cận với chương trình học khi vào lớp 10, nếu lựa chọn tổ hợp có môn Âm nhạc.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung-giáo viên Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Păh) luôn chủ động nâng cao trình độ, sẵn sàng dạy môn Âm nhạc lớp 10 nếu được nhà trường phân công. Ảnh: Mộc Trà
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung-giáo viên Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái (huyện Chư Păh) luôn chủ động nâng cao trình độ, sẵn sàng dạy môn Âm nhạc lớp 10 nếu được nhà trường phân công. Ảnh: Mộc Trà
Tại hội nghị triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10 và phương án đảm bảo chất lượng dạy-học lớp 10 năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, vấn đề khó khăn về đội ngũ giáo viên dạy Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được các đại biểu đưa ra bàn thảo, tìm hướng tháo gỡ. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT) Cao Văn Hiếu thông tin: Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn về việc tìm nguồn giáo viên giảng dạy các môn Nghệ thuật ở khối THPT, song điều đáng nói là cơ chế hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế hiện nay không có. Nếu các trường tiến hành hợp đồng thì sẽ sai quy định và không thể chi trả. Sở đã có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ cho ý kiến bằng văn bản về hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế theo Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10-10-2011 của Bộ GD-ĐT quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có phản hồi. 
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cho biết: Bám sát chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở đã hướng dẫn các trường đang thiếu hụt hoặc không có đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở lớp 10 vào năm học tới, trước mắt xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp với đội ngũ hiện có. Nếu học sinh lựa chọn những môn học mà trường chưa có giáo viên thì cần tuyên truyền, định hướng để các em lựa chọn môn học khác phù hợp. Sau khi có kết quả tổng hợp từ các trường, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục định hướng điều chuyển giáo viên sao cho phù hợp, không riêng 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật mà cho tất cả môn học để đảm bảo có lớp phải có giáo viên, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.