Giáo sư Đại học Harvard tìm được mảnh vỡ từ công nghệ của người ngoài hành tinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nhà vật lý thiên văn của Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng đã tìm được chứng cứ cho phép xác nhận sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh, nhờ vào nỗ lực rà soát đáy biển thuộc Tây Thái Bình Dương.
Những mảnh vỡ hình cầu được cho xuất phát từ một thiên thạch lao xuống trái đất năm 2014. Ảnh: ĐẠI HỌC HARVARD
Những mảnh vỡ hình cầu được cho xuất phát từ một thiên thạch lao xuống trái đất năm 2014. Ảnh: ĐẠI HỌC HARVARD

Giáo sư Avi Loeb của Đại học Harvard tin rằng nhóm của ông vừa tìm được những mảnh vỡ xuất phát từ công nghệ của người ngoài hành tinh trong thiên thạch rơi xuống vùng biển ngoài khơi Papua New Guinea năm 2014, theo báo USA Today hôm 7.7.

Để trục vớt thiên thạch này, đội ngũ do ông dẫn đầu đã có mặt trên tàu có tên Silver Star khởi hành đến vùng biển ngoài khơi Papua New Guinea ở Tây Thái Bình Dương với sứ mệnh tìm kiếm những phần còn lại của thiên thạch bí ẩn lao xuống đất gần 10 năm trước.

Trong vòng 2 tuần, họ tiến hành rà soát hơn 160 km thềm biển, và tìm được 50 quả cầu siêu nhỏ, bên trong chứa một dạng hợp kim không hề giống với bất kỳ hợp kim nào thuộc về hệ mặt trời. Những mảnh vỡ hình cầu này được cho xuất phát từ một thiên thạch cỡ quả bóng rổ, xuất phát từ bên ngoài Thái dương hệ.

Đội ngũ tìm kiếm mảnh vỡ thiên thạch ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: ĐẠI HỌC HARVARD

Đội ngũ tìm kiếm mảnh vỡ thiên thạch ở Tây Thái Bình Dương. Ảnh: ĐẠI HỌC HARVARD

Những quả cầu này có kích thước nhỏ đến nỗi cần phải sử dụng kính hiển vi để quan sát và phân tích. Giáo sư Loeb cho biết nhóm của ông đã mang số "vật chứng" quay về Mỹ và tiếp tục phân tích trong phòng thí nghiệm của Đại học Harvard trước khi có thể xác nhận chúng có nguồn gốc tự nhiên hoặc là sản phẩm công nghệ.

Tùy theo kết quả thu được, chúng có thể là bằng chứng cho phép lần đầu tiên chứng minh được sự tồn tại của người ngoài hành tinh.

"Phát hiện của chúng tôi mở ra một biên giới mới trong lĩnh vực thiên văn học, theo đó nghiên cứu bên ngoài hệ mặt trời thông qua kính hiển vi thay vì kính viễn vọng", báo USA Today dẫn lời giáo sư Loeb.

Có thể bạn quan tâm