Giá trị độc đáo của nghề dệt truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Câu nói “Đàn ông đan gùi/đàn bà dệt vải” đã khẳng định 2 nghề thủ công này có từ lâu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai. Đây là 2 nghề phụ của 2 giới trong sự phân công lao động. Việc thạo 2 nghề này là tiêu chí để đánh giá sự chăm chỉ khéo léo của người đàn ông và phụ nữ trong cộng đồng.

Nghề dệt đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào DTTS. Đa số phụ nữ Bahnar, Jrai đều ít nhiều biết dệt vải. Dệt là một nghề phụ có từ xa xưa, có quá trình phát triển, biến đổi không ngừng qua các thời kỳ với nhiều kỹ thuật từ thủ công thô sơ đến tiên tiến, hiện đại. Dệt vải là thước đo sự chịu khó, khéo léo, kiên trì của người phụ nữ DTTS, từ 10 tuổi trở lên đã có thể theo học nghề, càng lớn tuổi kỹ năng dệt và cách tạo các hoa văn của người phụ nữ càng điêu luyện.

Vì vậy, nghề dệt truyền thống thể hiện trình độ phát triển, sự sáng tạo, khéo léo của phụ nữ Bahnar, Jrai, được coi là thước đo giá trị của người phụ nữ. Việc truyền nghề được nối tiếp theo thế hệ, đó là cách đồng bào giữ gìn và phát triển nghề.

Hiện nay, nhiều nghệ nhân có thể sống được với nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Thùy Chi

Hiện nay, nhiều nghệ nhân có thể sống được với nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Thùy Chi

Trước đây, bà con chỉ dệt để tự dùng trong đời sống. Hiện nay, chị em đã biết dệt thổ cẩm để bán, trao đổi hàng hóa, vì thế ngoài các giá trị sử dụng, thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử, tâm linh... trang phục có thêm giá trị kinh tế. Giá trị kinh tế thường được đo bằng đơn vị tiền tệ. Giá trị kinh tế của nghề dệt truyền thống thể hiện qua thời gian hao phí sức lao động của nghệ nhân làm ra thổ cẩm để bán trong cộng đồng hoặc bán cho khách có nhu cầu nhằm cải thiện cuộc sống, coi đó là công việc chính hoặc công việc phụ có thể tăng thêm nguồn thu nhập cho bản thân, gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có những nghệ nhân đã có thể sống được với nghề dệt thổ cẩm, làm y phục truyền thống để bán. Một số chị em đã mở nhà may, thuê phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm, thiết kế các mẫu váy dạ hội, nắm bắt xu hướng thị trường, làm ra các món hàng theo xu thế thời trang như: khăn quàng cổ, túi xách để bán ra thị trường.

Nghệ nhân Jrai điển hình như bà Kpă HOanh ở làng Broăi, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa; bà Rơ Châm Moanh ở làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh; bà Ksor H’Kan ở xã Phú Cần, huyện Krông Pa; bà Kpă HUyên ở làng Plei Teng, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện; chị Rơ Mah H’Tuyết ở thị trấn Phú Thiện… Nghệ nhân người Bahnar cũng cải thiện cuộc sống nhờ dệt giỏi và bán trang phục truyền thống như chị Đinh Thị H’Rin ở làng Nghe Lớn, thị trấn Kông Chro; bà Đinh Thị A Đơt ở làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ; bà Mlốp ở làng Dôr 2, xã Glar, huyện Đak Đoa...

Chị Pel (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) là người khá thành công khi biết dệt, thiết kế, may các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Jrai bán cho người dân các làng gần xa như váy áo, khố tấm địu em bé, tấm chăn truyền thống; bán cho du khách các sản phẩm túi, ví, cà vạt, gối, khăn trải bàn, áo váy cách tân, khăn quàng cổ...

Chị H’Tuyết ở Phú Thiện hiện có cửa hàng may riêng, chị thiết kế cắt may trang phục vừa truyền thống cho khách, cho học sinh trên chất liệu vải dệt công nghiệp. Từ khi mở cửa hàng may trang phục thổ cẩm đến nay, chị và gia đình làm không hết việc, thu nhập tăng cao. Ngoài ra, chị còn tạo cơ hội việc làm cho một số chị em trong xã.

Chị H’Tuyết tâm sự: “Không chỉ là cơ hội nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình, tạo cơ hội làm giàu cho bản thân, tôi nghĩ việc kinh doanh thổ cẩm còn là cơ hội nhanh nhất đưa thổ cẩm của dân tộc Jrai, Bahnar và các dân tộc Tây Nguyên ra tới công chúng trong nước, quốc tế. Khách của cửa hàng đặt mua một lần đều có lần quay lại để may thêm các sản phẩm yêu thích làm từ thổ cẩm. Ngoài giá trị văn hóa, thổ cẩm đem lại lợi ích không nhỏ nếu đầu tư công sức, tâm huyết khai thác nó”.

Để tạo ra một sản phẩm dệt truyền thống tốn rất nhiều thời gian, phụ thuộc vào tay nghề của từng nghệ nhân nên khối lượng sản phẩm mà nghề dệt truyền thống sản xuất ra không lớn. Giá trị kinh tế lại phụ thuộc hao phí lao động bỏ ra và phụ thuộc vào khối lượng sản phẩm mà ngành sản xuất ra nên giá thành sản phẩm dệt truyền thống cao. Do đó, thị trường cung cấp của mặt hàng này sẽ thuộc dạng phân khúc thị trường: tập trung vào khách hàng mục tiêu dựa trên đặc điểm tuổi tác, tính cách, sở thích, thu nhập, nhu cầu, khoảng cách địa lý... để xây dựng chiến lược tiếp thị và tối đa hóa doanh thu bán sản phẩm.

Thách thức đối với sản phẩm dệt truyền thống hiện nay đó là phải giảm chi phí lao động để hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm dệt truyền thống bằng máy công nghiệp, mà hình thức này khó áp dụng vì nó liên quan đến tay nghề của nghệ nhân. Chất liệu của sản phẩm dệt cần phải cải tiến lại để trang phục mặc không bị khô cứng.

Khi có một lượng nhu cầu lớn của thị trường cần đáp ứng ngay lập tức thì dệt truyền thống khó cung ứng kịp, do đó cần một lượng lớn nghệ nhân có tay nghề để dễ dàng đáp ứng khi có yêu cầu của thị trường. Dệt truyền thống là một ngành liên quan đến cái đẹp nên phải nắm bắt xu thế của thời đại để có thể cung cấp ra nhiều sản phẩm hợp thời trang, đáp ứng thị trường (như mẫu túi, ví hàng năm, kiểu dáng quần áo, trang sức phụ kiện...).

Vì vậy, sản phẩm dệt truyền thống phải bắt kịp xu thế thị trường, nâng cao chất lượng, đa dạng về kiểu dáng, tăng độ thẩm mỹ... tạo ra các sản phẩm để đáp ứng thị trường mục tiêu để tạo ra nhiều giá trị kinh tế.

Hy vọng với tiềm năng và giá trị độc đáo, thời gian tới, nghề dệt truyền thống của đồng bào Bahnar, Jrai sẽ góp phần đem lại thu nhập bền vững cho lực lượng lao động nữ ở địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.