Trọn đời với nghề dệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bước qua tuổi 66, dù đôi mắt hơi yếu, nhưng đôi tay bà Y Két (dân tộc Giẻ Triêng, thôn Đăk Si, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn mỗi khi ngồi vào khung cửi. Với bà, việc dệt thổ cẩm như là cách để bà bầu bạn, thể hiện tấm lòng, sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống.

Với mong muốn giữ gìn và khôi phục nghề dệt, bà Y Két thường cho chị em trong làng mượn khung cửi để dệt thổ cẩm. Sau một thời gian bộ khung cửi của bà Y Két được truyền tay cho nhiều chị trong làng mượn dệt, đến hôm nay, bà mới được gặp lại “người bạn” của mình. Nhớ nghề, từ sáng sớm, bà Y Két đã vào góc phòng, lục lọi trong chiếc rương gỗ cất những đồ vật quý giá, quan trọng của gia đình để xem số chỉ dệt còn có những màu nào.

Bà Y Két là 1 trong 68 người duy trì nghề dệt trên địa bàn xã Đăk Dục. Ảnh: V.T

Bà Y Két là 1 trong 68 người duy trì nghề dệt trên địa bàn xã Đăk Dục. Ảnh: V.T

Thấy thiếu vài số chỉ màu quan trọng, bà vội vàng sang nhà hàng xóm mượn dùng, rồi vài hôm sau có dịp ra chợ mua gửi lại. Khi đủ số chỉ, cũng là lúc bà có thể tự tin ngồi vào khung dệt để trải lòng mình với từng sản phẩm thổ cẩm.

Bà Y Két kể: Khung dệt này có tuổi đời còn lớn hơn tuổi tôi, bởi nó là tài sản mà mẹ tôi để lại. Ngày còn sống, khung dệt này gắn bó với mẹ hằng ngày. Qua khung dệt này, mẹ tôi dệt nên những tấm khăn, chiếc túi, chiếc váy cho các thành viên trong gia đình sinh hoạt hay diện trong các lễ hội của làng.

Ngày trước, không riêng gia đình bà Y Két, cộng đồng người Giẻ Triêng ngày ấy, nhà nào cũng có phụ nữ biết dệt. Dệt với họ như công việc thường ngày, là niềm vui, là một phần của cuộc sống.

Từ sáng sớm, khi đàn ông Giẻ Triêng đùm nắm cơm, cất con dao vào trong chiếc gùi do chính họ đan lát để đi rẫy, thì phụ nữ Giẻ Triêng lại quây quần bên khung cửi, họ vui vẻ kể chuyện, say sưa dệt nên những bộ trang phục truyền thống.

Bà Y Két khoe những sản phẩm thổ cẩm do chính tay bà dệt. Ảnh: VT

Bà Y Két khoe những sản phẩm thổ cẩm do chính tay bà dệt. Ảnh: VT

Có những ngày, khi sợi bông không còn đủ dệt, những người bà, người mẹ dẫn theo những đứa con, cháu gái của họ vào rừng sâu tìm rễ cây, vỏ cây để về kéo sợi, nhuộm màu. Theo cùng mẹ vượt nhiều triền núi hiểm trở tìm vỏ cây, rễ cây về kéo sợi hay được nghe mẹ chỉ dạy cách dệt, cô bé Y Két yêu nghề dệt, rồi sớm gắn bó với nghề dệt từ đó.

Bà còn nhớ khi mới trực tiếp ngồi dệt, được mẹ chỉ dạy tường tận, bà hạnh phúc vô cùng. Bởi theo quan niệm của người Giẻ Triêng ngày đó, một người phụ nữ giỏi giang, nết na thường được đánh giá qua các sản phẩm dệt, và phải biết dệt mới dễ “bắt” được chồng. Phụ nữ dệt càng khéo sẽ được nhiều đàn ông trong làng để mắt đến. Nên sau này, khi trở thành cô thiếu nữ, trong những ngày vui của làng, bà Y Két thường diện những chiếc váy do chính tay mình dày công dệt nên.

Và một chàng trai khỏe mạnh, đan lát giỏi- đã “phải lòng”, cùng bà xây dựng tổ ấm đến tận bây giờ. Bà Y Két nhớ lại, năm 1993, gia đình bà cùng nhiều hộ khác di cư tự do từ Lào sang Việt Nam sinh sống, ngoài một số giấy tờ tùy thân, dụng cụ lao động, bà Y Két còn đèo thêm bộ khung dệt cùng những tấm thổ cẩm mà mẹ bà để lại.

“Nó cồng kềnh thật, nhưng với tôi, nó là món quà vô giá, là “người bạn” mang giá trị tinh thần lớn của gia đình. Gia đình tôi đi đến đâu, khung cửi đều đi cùng đến đấy, để những lúc nông nhàn, tôi lại có thể mang ra dệt cho đỡ buồn” – bà Y Két thổ lộ.

Được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện, các hộ được nhập quốc tịch, được nhận hỗ trợ từ các chế độ, chính sách, nhanh chóng vươn mình, làm giàu trên vùng đất mới. Bà con chăm chỉ làm việc, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời duy trì nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc Giẻ Triêng, trong đó có nghề dệt.

Tấm dồ đôi được bà Y Két cần mẫn dệt hơn 1 tháng. Ảnh: V.T

Tấm dồ đôi được bà Y Két cần mẫn dệt hơn 1 tháng. Ảnh: V.T

Bà Y Két tâm sự: Đời sống ngày càng phát triển, nhưng tôi vẫn không quên nhiệm vụ giữ gìn văn hóa dân tộc. Điều khiến tôi thấy buồn là sợi bông đã khan hiếm, không còn nguyên liệu dệt truyền thống nên phải sử dụng sợi chỉ được nhuộm màu sẵn.

Dùng sợi chỉ có sẵn, phụ nữ Giẻ Triêng thường nhớ những lúc khó khăn mà mình trải qua để có được tấm thổ cẩm như lúc xưa, họ nhớ đến lúc lẽo đẽo theo chân các bà, các mẹ vào rừng hái bông, tìm vỏ cây, rễ cây làm sợi, làm màu, rồi ngày đêm ngồi bên khung cửi để dệt váy, túi cho con mình đến trường.

Và hiện tại, mặc dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, những người mẹ, người bà Giẻ Triêng vẫn còn cần mẫn, miệt mài bên khung cửi, dệt cho con, cho cháu mình những chiếc váy, chiếc túi, hay những tấm dồ đôi cho con gái mang về nhà chồng.

Để chứng thực, bà Y Két vào trong chiếc rương gỗ, lấy ra một tấm dồ đôi mới hoàn thiện từ nhiều tháng trước, cùng lỉnh kỉnh nhiều “báu vật” thổ cẩm mà mẹ bà để lại. Phụ bà trải tấm dồ đôi, tôi ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của nó.

Bà Y Két kể: Để dệt được tấm dồ đôi này, một mình bà phải mất hơn một tháng trời, ngày đêm miệt mài, mới có thể hoàn thiện. Khi những đứa con gái đi lấy chồng, tấm dồ đôi cùng ít đồ thổ cẩm là của hồi môn mà tôi sẽ cho chúng nó. Cuộc sống ngày càng hiện đại, đầy đủ, nhiều thiếu nữ trong làng không muốn học dệt. Nhưng tôi dạy các con, dệt là giữ gìn văn hoá, là giữ hồn cốt của dân tộc Giẻ Triêng, nên chúng chịu học và đều biết dệt trước khi về nhà chồng.

Cất gọn tấm dồ đôi, cùng những món đồ thổ cẩm, bà Y Két quay lại khung cửi, tiếp tục dàn sợi. Và cứ thế, tiếng lách cách của thoi dệt tiếp tục đập vào khung gỗ thô sơ, người phụ nữ Giẻ Triêng kia lại miệt mài, tạo ra những tấm thổ cẩm đầy sắc màu trong niềm hân hoan, ngưỡng mộ của những người trẻ trong làng mỗi khi đến xem.

Ông Bloong Hâm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Dục cho biết: Bà Y Két là 1 trong 68 người vẫn còn duy trì nghề dệt trên địa bàn. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hoá dân tộc; phối hợp với các gia đình, nghệ nhân trong xã vận động các thế hệ trẻ tham gia các lớp truyền dạy văn hoá, học hỏi làm nhạc cụ, nghề truyền thống từ ông bà, cha mẹ. Từ đó giúp văn hóa dân tộc Giẻ Triêng tiếp tục được duy trì và phát huy trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.