Gia Lai: Xuất khẩu hàng chủ lực bứt phá ngoạn mục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Gia Lai có sự bứt phá mạnh mẽ cả về sản lượng lẫn giá trị với những mặt hàng chủ lực. Ngoài việc duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống, những cơ hội tích cực từ các hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu mới.

Hàng chủ lực có mức tăng mạnh

Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chạm mốc 368 triệu USD, đạt 55,76% kế hoạch, tăng 38,87% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, trái cây có mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Riêng cà phê chiếm tỷ trọng 78,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với sản lượng 145.000 tấn, đạt 290 triệu USD, tăng 20,8% về lượng, tăng 46,4% về giá trị.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 290 triệu USD. Ảnh: Vũ Thảo
Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai, kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 290 triệu USD. Ảnh: Vũ Thảo


Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: “Hàng năm, sản lượng cà phê xuất khẩu của Công ty đạt khoảng 70.000 tấn với kim ngạch khoảng 150 triệu USD. Riêng trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng cà phê xuất khẩu đã đạt 86.000 tấn với kim ngạch trên 170 triệu USD. Thị trường xuất khẩu mở rộng ra hơn 40 nước, trong đó, châu Âu chiếm khoảng 60%. Để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến xuất khẩu, Công ty đã liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận 4C, Rainforest, UTZ”.

Các năm trước, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh chỉ ở mức 200-300 triệu USD/năm. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 290 triệu USD. Nguyên nhân thúc đẩy giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh đến 46,4% là do giá bình quân trong 5 tháng đạt khoảng 2.000 USD (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, quốc gia đứng đầu về xuất khẩu cà phê là Brazil bị giảm sản lượng đã tạo cơ hội cho cà phê trong nước nói chung và Gia Lai nói riêng.

Bên cạnh mặt hàng cà phê thì xuất khẩu trái cây cũng có nhiều thuận lợi khi khối lượng xuất sang các nước khối EU tăng. Ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc DOVECO Gia Lai-cho hay: Những tháng đầu năm nay, sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty đạt 11.700 tấn sản phẩm với kim ngạch 30,5 triệu USD. Thị trường xuất khẩu mở rộng ra các nước Đức, Hà Lan, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Úc, Trung Quốc… Cùng với đó, Hiệp định EVFTA đã mang lại cơ hội cho Công ty trong việc mở rộng sang thị trường EU. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu qua thị trường này chiếm đến 45%. Bên cạnh những thuận lợi thì chi phí vận tải biển tăng cao, tình trạng tắc nghẽn ở các cảng tại một số nước nhập khẩu khiến hoạt động xuất khẩu của Công ty gặp một số khó khăn nhất định.

Kỳ vọng bứt phá

Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương, những năm gần đây, tình hình xuất khẩu của tỉnh có nhiều tín hiệu tốt. Toàn tỉnh có hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong số này có 3 đơn vị uy tín được Bộ Công thương bình chọn năm 2020 gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là cà phê, cao su, mì lát, trái cây, hồ tiêu, sản phẩm gỗ… Các sản phẩm này đã có mặt trên thị trường của hơn 40 quốc gia. Trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu với mặt hàng chủ yếu là cà phê nhân, sản phẩm gỗ; thị trường châu Á chiếm khoảng 30% với mặt hàng hồ tiêu, hạt điều, cà phê nhân, sản phẩm gỗ. Đặc biệt, một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình 200-300 triệu USD/năm. Thời gian qua, tỉnh có chủ trương kết nối rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm liên kết hoạt động xuất khẩu. Hiện nhiều doanh nghiệp cũng đã liên kết với các hiệp hội ngành hàng để quảng bá giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu ra các thị trường lớn.

 Hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo
Hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo


Ông Thái Như Hiệp nhận định: Lợi thế lớn nhất của Gia Lai là người dân đã chuyển dần từ trạng thái nông nghiệp cảm tính sang nông nghiệp bền vững đến khâu thu hoạch, giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến để nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê. Hiện nay, cà phê Gia Lai được các nước trên thế giới đánh giá rất cao về chất lượng, là sản phẩm tiềm năng để đi vào các thị trường khó tính nhất.

Bên cạnh đó, Gia Lai đã có nhiều nhà máy chế biến rau quả với quy mô lớn như: Công ty DOVECO Gia Lai; Công ty TNHH Quicornac; Nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây tươi và trái cây cấp đông IQF của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai; cùng hàng chục cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến rau quả. Đến nay, toàn tỉnh có 55 mã số vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói trái cây tươi như chuối, xoài, thanh long, mít, dưa hấu đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng thu mua thông qua hợp tác xã với các sản phẩm chủ yếu nằm trong chuỗi giá trị gồm: chanh dây, chuối tiêu hồng, chuối già Nam Mỹ, dứa, xoài, mít, thanh long… Trong đó, các sản phẩm chủ lực gồm chanh dây, dứa, xoài đông lạnh, chuối xuất khẩu sang thị trường EU đang ngày càng tăng về sản lượng và kim ngạch.

Ông Đinh Văn Tĩnh cho biết: “Tiềm năng xuất khẩu rau quả rất lớn, đặc biệt là chế biến các loại trái cây nhiệt đới có thế mạnh như: chanh dây, xoài, mãng cầu, bơ… Nếu như năm 2021, tổng sản lượng các mặt hàng xuất khẩu của DOVECO Gia Lai gần 32,8 ngàn tấn với kim ngạch xấp xỉ 70 triệu USD thì năm nay Công ty dự kiến đạt sản lượng xuất khẩu khoảng 50 ngàn tấn, kim ngạch khoảng 95-110 triệu USD. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, Công ty tiếp tục mở rộng các hình thức như: tự trồng, ký kết bao tiêu sản phẩm với nông dân, liên kết với các hợp tác xã để mở rộng diện tích, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng, đáp ứng nguồn hàng cho xuất khẩu”.

Còn ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac thì cho hay: Thị trường nước ngoài đang rất ưa chuộng sản phẩm chanh dây tím của Gia Lai. Vì vậy, trước mắt, Công ty sẽ tập trung chế biến mặt hàng này, sau đó mở rộng ra các mặt hàng trái cây khác. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng Công ty đã có những lô hàng xuất khẩu sang châu Âu. Theo kế hoạch, mỗi năm, Quicornac sẽ thu mua khoảng 150 ngàn tấn chanh dây để chế biến khoảng 20 ngàn tấn chanh dây cô đặc đông lạnh xuất khẩu.

 

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

Xe máy điện VinFast Motio gây sốt giới trẻ, giá chỉ 17,9 triệu đồng

(GLO)- Trung tuần tháng 1-2025, VinFast đã bổ sung một mẫu xe điện hai bánh mới là Motio. Sự xuất hiện của Motio đã khuấy động phân khúc xe máy điện cho học sinh, sinh viên. Với thiết kế nổi bật, nhiều trang bị hữu ích, mức giá tốt, mẫu xe này hứa hẹn dễ dàng chinh phục nhóm khách hàng trẻ tuổi.