Gia Lai ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét.

Hiệu quả bước đầu

Toàn tỉnh hiện có 723.156,38 ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 478.810,19 ha, rừng trồng 152.470,9 ha và đất chưa có rừng là 91.875,29 ha. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai một số phần mềm ứng dụng công nghệ số nhằm phát hiện và ngăn chặn sớm nguy cơ cháy rừng, mất rừng.

Ông Nguyễn Minh Cương-Phó Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) thông tin: Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng cảnh báo phát hiện mất rừng của Cục Kiểm lâm.

Đối với phần mềm này, người dùng có máy tính kết nối internet truy cập vào địa chỉ, chọn tỉnh, huyện, ảnh vệ tinh Landsat 7+8 cho kỳ trước và kỳ sau đặt giá trị tối thiểu để phân tích biến động và chạy ứng dụng thì phần mềm tự động phân tích vùng biến động dựa trên ảnh vệ tinh ở hai thời điểm khác nhau. Sau khi phát hiện vùng biến động sẽ cập nhật vào điện thoại hoặc máy tính bảng để kiểm tra, xác minh ngoài thực địa.

Bên cạnh đó, phần mềm ứng dụng phát hiện sớm cháy rừng (Hotspot GLA) là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin GIS hiện đại, hoạt động đồng bộ, tự động từ khâu thu nhận và xử lý điểm cháy từ các vệ tinh MODID, Suomi NPP gắn vào hệ thống CSDL và GIS đưa ra kết quả thông tin điểm cháy đến người dùng điện thoại di động, máy tính bảng, tin nhắn, email… phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng kịp thời.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cập nhật diễn biến tài nguyên rừng thông qua phần mềm ứng dụng cảnh báo phát hiện mất rừng. Ảnh: N.D

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cập nhật diễn biến tài nguyên rừng thông qua phần mềm ứng dụng cảnh báo phát hiện mất rừng. Ảnh: N.D

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa-cho biết: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp của huyện khoảng 31.465,23 ha. Những năm gần đây, cán bộ kỹ thuật của đơn vị thường xuyên học tập, ứng dụng các phần mềm trong quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, ứng dụng Hostpot GLA mang lại hiệu quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ cháy nào ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

“Thuận lợi của ứng dụng này là kiểm lâm viên địa bàn các xã, thị trấn sẽ phát hiện sớm các điểm cháy nhỏ để dập tắt kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, giảm khối lượng công việc và không cần nhiều nguồn nhân lực tham gia. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phòng-chống cháy rừng của địa phương đạt hiệu quả cao”-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa nói.

Ngoài ra, phần mềm “Phát hiện mất rừng, cháy rừng trên địa bàn Gia Lai từ ảnh vệ tinh theo thời gian thực hiện” (Gia Lai FFW) là sản phẩm của đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh thực hiện từ năm 2018 cũng đang được lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ứng dụng.

Phần mềm này gồm 2 hợp phần đã phát huy những tính năng tích cực như: hợp phần phát hiện mất rừng từ ảnh vệ tinh để giám sát rừng theo đơn vị hành chính các cấp, cho phép phát hiện các vị trí mất rừng và trích xuất thông tin đến từng lô, khoảnh theo bản đồ diễn biến rừng hàng năm; hợp phần phát hiện cháy rừng sẽ phát hiện các đám cháy từ ảnh vệ tinh MODIS và tự động xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ cháy dựa vào điều kiện thời tiết tại các trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp, những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến rõ nét. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua từng năm.

Điển hình như năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý 193 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 92 vụ so với năm 2022. Kết quả này là tiền đề để Chi cục Kiểm lâm tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng số đã được Nhà nước đầu tư phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Ứng dụng công nghệ Flycam trong quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: N.D

Ứng dụng công nghệ Flycam trong quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: N.D

Ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: “Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong thống kê, theo dõi tổng hợp tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức kiểm lâm.

Sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu mùa vụ trồng rừng phục vụ sản xuất. Nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp. Thu hút các nguồn lực đầu tư chuyển đổi số và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện chuyển đổi số các dự án liên ngành, liên vùng đảm bảo đồng bộ, kết nối, liên thông”.

Có thể bạn quan tâm