Gia Lai trải "thảm đỏ" mời gọi đầu tư các dự án công nghiệp chế biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đang nỗ lực kêu gọi đầu tư vào các dự án công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị, giảm áp lực về đầu ra cho các mặt hàng nông sản, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Kêu gọi nhiều dự án quy mô lớn

Tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2022-2025 (giai đoạn 2). Trong số 35 dự án được phê duyệt có nhiều dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến như: nhà máy chế biến và xuất khẩu trái cây (quy mô 1 ha) tại Cụm tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Prông; nhà máy chế biến gỗ (quy mô 20 ha) tại Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang; nhà máy sản xuất chất đốt từ phế phẩm nông nghiệp (quy mô 1,06 ha) tại Cụm công nghiệp thị xã Ayun Pa; nhà máy sản xuất chế biến gỗ và ván ghép thanh (quy mô 1 ha) tại Cụm công nghiệp huyện Chư Păh; nhà máy chế biến thức ăn gia súc (quy mô 20 ha) tại xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang; nhà máy sản xuất phao (quy mô 2 ha) tại Cụm công nghiệp huyện Chư Păh; nhà máy chế biến đá granite và đá bazan (quy mô 1,4 ha) tại Cụm công nghiệp huyện Đak Pơ và dự án xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi hợp tác xã gắn với sản xuất kinh doanh tại xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ. Tất cả các dự án này đều ở vị trí đất sạch, do Nhà nước quản lý, có thể khảo sát đầu tư ngay.

 Nhà máy sản xuất kính cường lực Phúc Thịnh Hoàng (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Nhà máy sản xuất kính cường lực Phúc Thịnh Hoàng (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy


Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030. Chương trình đưa ra danh mục một số dự án trọng điểm mà tỉnh kêu gọi đầu tư từ nay đến năm 2030 gồm: nhà máy thức ăn gia súc tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có công suất 100.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng; nhà máy súc sản tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có công suất 20.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư dự kiến 900 tỷ đồng; nhà máy đường tinh luyện tại thị xã An Khê có công suất 40.000 tấn nguyên liệu/ngày với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng...

Gia Lai hiện có nguồn nguyên liệu khá dồi dào, phong phú phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến với khoảng 550.000 ha cây trồng các loại, trong đó có khoảng 98.000 ha cà phê, gần 14.000 ha hồ tiêu, hơn 21.000 ha cây ăn quả và nhiều loại nông sản khác như điều, mì, mía… Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông dẫn đầu hồi tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: “Gia Lai có diện tích nông nghiệp lớn, không phát triển chiều rộng mà tập trung phát triển theo chiều sâu. Nhưng hiện trên địa bàn tỉnh có một số loại cây trồng kém hiệu quả, đề nghị được chuyển đổi diện tích này sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao”. Việc chuyển đổi này là tiền đề để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Tạo điều kiện cho nhà đầu tư

Theo thông tin từ Sở Công thương, trong 8 tháng năm 2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 10.300 tỷ đồng. Nông sản tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh khi chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm đã qua chế biến như: cà phê, cao su, chanh dây, điều… Có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến đã góp phần nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (Khu CN Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy


Ông Nguyễn Trọng Tuấn-Trưởng bộ phận thu mua của Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mỗi tuần, nhà máy của Công ty cần khoảng 1.000 tấn nguyên liệu để phục vụ chế biến, nhất là chanh dây. Để đảm bảo cho nhà máy hoạt động liên tục, chúng tôi cần nguồn nguyên liệu ổn định, rộng lớn. Hiện tại, chúng tôi đảm bảo thu mua hết nguồn chanh dây cho bà con nông dân”.

Gia Lai có 3 khu công nghiệp với diện tích gần 620 ha. Trong đó, Khu Công nghiệp Trà Đa hiện đã lấp đầy, Khu Công nghiệp Nam Pleiku đang đầu tư hạ tầng, còn Khu Công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Cùng với đó, toàn tỉnh có 12 cụm công nghiệp nhưng còn nhiều khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ trong đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, xử lý chất thải, nước thải. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Chúng tôi đang tham mưu giúp UBND tỉnh quy hoạch mở rộng và bổ sung đầu tư kết cấu hạ tầng của các khu-cụm công nghiệp để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông-lâm sản, dược liệu”.

Để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV), UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm, các thủ tục liên quan bảo đảm điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng việc giải quyết thủ tục hành chính ở cấp độ 3 và 4 giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng sự rõ ràng, công khai, minh bạch.

 

 HÀ DUY

 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.