Cuộc thi nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua Cuộc thi, tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lực lượng, góp phần xây dựng, hình thành mạng lưới rộng khắp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ.
Đồng thời, nâng cao chất lượng các tác phẩm chính luận trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ, tuyên truyền, lan tỏa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tập trung vào các nội dung của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ tỉnh. Hình thành nguồn tác phẩm phong phú, có chất lượng, có tính chiến đấu cao phục vụ trực tiếp công tác tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị, địa phương và tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước có tác phẩm báo chí phù hợp với tiêu chí Cuộc thi đều có quyền gửi tác phẩm tham dự. Mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi nhiều tác phẩm tham dự Cuộc thi.
Với các tác phẩm dạng viết, Ban Tổ chức chỉ xét trao giải cho mỗi tác giả/nhóm tác giả tối đa 2 tác phẩm dự thi gồm: 1 bài viết chính luận loại hình Tạp chí (Tạp chí in hoặc Tạp chí điện tử) và 1 bài viết chính luận loại hình Báo (Báo in hoặc Báo điện tử).
Đối với các tác phẩm dạng báo nói/báo hình/video clip, mỗi tác giả/nhóm tác giả xét giải tối đa 3 tác phẩm dự thi gồm: 1 tác phẩm phát thanh; 1 tác phẩm truyền hình và 1 tác phẩm video clip.
Tác giả/nhóm tác giả xác định chủ đề tác phẩm theo các nhóm chủ đề tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm, những vấn đề nổi lên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, như: giá trị khoa học, cách mạng và thời đại của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những đề xuất bổ sung, phát triển; chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; lý luận về đường lối đổi mới đất nước; mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay với các giá trị nổi bật (kết hợp hài hòa giữa ổn định và phát triển, lấy con người làm trung tâm, “không ai bị bỏ lại phía sau”, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân); bảo vệ, vận dụng và phát triển lý luận của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; những nội dung cốt lõi, nội dung mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương khoá XIII; Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Gia Lai; bảo đảm an sinh xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội trên tất cả các lĩnh vực; tổng kết những kinh nghiệm quý, mô hình, cách làm hay và đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tác phẩm dự thi là tác phẩm chính luận bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc được dịch ra tiếng Việt) hoặc tiếng nước ngoài, thuộc một trong các loại hình: Tạp chí (in hoặc điện tử), Báo (in hoặc điện tử), phát thanh/truyền hình/video clip.
Trong đó, tác phẩm tạp chí có dung lượng bài viết tối thiểu 4.000 từ, tối đa 6.000 từ; báo viết không quá 4.000 từ/bài; báo điện tử không quá 2.000 từ/bài (với bài viết nhiều kỳ thì không quá 3 kỳ, mỗi kỳ không quá 2.000 từ và kết cấu như một bài viết độc lập).
Thể loại phát thanh: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc loạt bài chuyên luận, chuyên đề về cùng một chủ đề (mỗi loạt bài không quá 03 kỳ). Mỗi bài (hoặc mỗi kỳ trong loạt bài) có thời lượng tối đa không quá 30 phút.
Thể loại truyền hình: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc loạt bài chuyên luận, chuyên đề về cùng một chủ đề (mỗi loạt bài không quá 3 kỳ). Mỗi bài (hoặc mỗi kỳ trong loạt bài) có thời lượng tối đa không quá 30 phút.
Video clip, mỗi tác phẩm là một video clip hoặc loạt video clip về cùng một chủ đề chuyên luận, chuyên đề (mỗi loạt video clip không quá 3 kỳ). Mỗi video clip (hoặc mỗi kỳ trong loạt video clip) có thời lượng tối đa không quá 5 phút.
Ban Tổ chức Cuộc thi được quyền sử dụng tác phẩm dự thi để công bố/đăng tải trên các phương tiện truyền thông và trên mạng xã hội phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hội Nhà báo tỉnh là đầu mối thu nhận, tổng hợp các tác phẩm dự thi của các chi hội nhà báo trực thuộc; cơ quan báo chí của tỉnh; nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, ngành, địa phương khác thường trú trên địa bàn tỉnh tham gia Cuộc thi. Ban Tuyên giáo (tuyên huấn, phòng chính trị) các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc là đầu mối giúp cấp ủy thu nhận, tổng hợp các tác phẩm dự thi của cán bộ, đảng viên, người dân thuộc địa phương, đơn vị.
Hồ sơ tham dự Cuộc thi gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chậm nhất vào ngày 30-6-2023(theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận tác phẩm: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai (số 02, đường Hai Bà Trưng, TP. Pleiku. Email: thichinhluan35gialai@gmail.com).