Gia Lai: Tìm lời giải "bài toán" thừa-thiếu giáo viên cục bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và sử dụng biên chế, song tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, bậc học vẫn còn xảy ra tại các địa phương trong tỉnh Gia Lai. Đây là “bài toán” cần sớm có lời giải nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nơi thừa, chốn thiếu
Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 268 trường mầm non, 209 trường tiểu học, 162 trường THCS, 73 trường tiểu học và THCS thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện với hơn 363 ngàn học sinh/12.103 lớp. Thực hiện Quyết định số 754/QĐ-UBND ngày 28-12-2020 của UBND tỉnh “về việc giao số lượng người làm việc trong các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2021”, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu người làm việc, hợp đồng lao động cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập năm học 2021-2022. Theo đó, tổng số biên chế được giao là 19.136 người gồm: 1.739 cán bộ quản lý, 14.738 giáo viên, 1.113 nhân viên và 751 hợp đồng lao động. Trong năm 2021, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng 740 viên chức và phân bổ cho các trường theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng đã xem xét, giải quyết nhu cầu thuyên chuyển công tác của giáo viên; đồng thời, có kế hoạch điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để đảm bảo tính đồng đều trong việc sử dụng biên chế, hạ thấp mức chênh lệch tỷ lệ giáo viên/lớp giữa các trường trên địa bàn.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh họp tổng kết đợt giám sát về “Công tác quản lý, sử dụng biên chế ngành Giáo dục tại các huyện, thị xã, thành phố năm học 2021-2022”. Ảnh: Hà Phương
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh họp tổng kết đợt giám sát về “Công tác quản lý, sử dụng biên chế ngành Giáo dục tại các huyện, thị xã, thành phố năm học 2021-2022”. Ảnh: Hà Phương
Tuy nhiên, tại một số địa phương trong tỉnh, tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ ở các môn học, bậc học vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học. Thầy Đỗ Đình Thiên-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Anh Hùng Wừu (xã Gào, TP. Pleiku) phân trần: Đã 3 năm nay, nhà trường thiếu 7 giáo viên tiểu học (5 giáo viên dạy văn hóa, 1 giáo viên Tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học) và 2 giáo viên THCS (1 giáo viên Lịch sử-Địa lý, 1 giáo viên Hóa học-Sinh học). Để đảm bảo nguồn nhân lực, hàng năm, nhà trường ký hợp đồng với các giáo viên nhằm bổ khuyết. Thế nhưng, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, thành phố vẫn chưa cho chủ trương hợp đồng, trường phải phân công giáo viên dạy tăng giờ để bổ khuyết những vị trí thiếu; trong khi đó, kinh phí để chi trả cho việc này lại không có.
Tương tự, năm học 2021-2022, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) được UBND huyện giao 42 chỉ tiêu biên chế, trong đó có 2 cán bộ quản lý, 37 giáo viên và 3 nhân viên. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa, toàn trường vẫn còn thiếu 1 giáo viên Giáo dục công dân, 1 giáo viên Thể dục, 3 nhân viên phụ trách văn thư-thủ quỹ, công nghệ thông tin và quản lý thiết bị. “Hiện một số giáo viên của trường đang đảm nhận giảng dạy thêm môn học không đúng chuyên ngành đào tạo của mình; số khác còn phải kiêm nhiệm nhiều việc. Đáng nói, trường vẫn chưa có giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số để thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”-thầy Hòa nêu thực trạng.
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) Nguyễn Văn Hòa nêu thực trạng quản lý, sử dụng giáo viên tại trường. Ảnh Hà Phương
Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) Nguyễn Văn Hòa nêu thực trạng quản lý, sử dụng giáo viên tại trường. Ảnh: Hà Phương
Việc giao biên chế cho các trường không hợp lý và chưa đúng quy định cũng dẫn đến tình trạng thừa-thiếu giáo viên. Đơn cử như tỷ lệ giáo viên/lớp tại Trường Tiểu học và THCS Anh Hùng Wừu (TP. Pleiku) chỉ đạt 0,67, trong khi tại Trường Tiểu học và THCS xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) lại lên tới 2,38. Thêm vào đó, một số cơ sở giáo dục tổ chức lớp học chưa thật sự khoa học, sĩ số học sinh thấp hơn so với định mức… làm gia tăng số lớp, gây ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên giảng dạy, chẳng hạn như Trường Tiểu học và THCS xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh). Một số khác lại tiếp nhận giáo viên có chuyên môn không phù hợp với môn học đang thiếu về giảng dạy, dẫn đến tổng biên chế được giao thì vẫn đủ nhưng nội bộ lại thừa-thiếu giáo viên. Ngoài ra, hàng năm, quy mô lớp học và số học sinh/lớp đều tăng nhưng các trường không những không được giao bổ sung biên chế giáo viên mà còn phải thực hiện tinh giản 10% theo quy định. Đây cũng là nguyên nhân khiến “bài toán” thiếu giáo viên càng trở nên nan giải.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo chỉ tiêu biên chế được giao, Trường Tiểu học và THCS xã Chư Đang Ya hiện thừa giáo viên ở bậc THCS nhưng lại thiếu ở bậc tiểu học. Để cân đối đội ngũ và đảm bảo công tác chuyên môn, nhà trường đã phân công giáo viên ở bậc THCS dạy tăng cường ở các lớp tiểu học. Tuy nhiên, khi thực hiện giải pháp này, nhà trường lại gặp khó khăn do định mức giờ dạy và tiết dạy có sự chênh lệch. “Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), định mức giờ dạy của giáo viên THCS là 45 phút/tiết, giáo viên tiểu học là 35 phút/tiết; còn định mức tiết dạy của giáo viên THCS là 19 tiết/tuần, giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Hiện nay, việc giải quyết chế độ cho các giáo viên THCS dạy tăng cường ở bậc tiểu học các môn: Thể dục, Tin học, Giáo dục địa phương… cũng như giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc tiểu học sang dạy cho học sinh THCS vẫn chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản để giúp các trường gỡ khó trong vấn đề này”-Hiệu trưởng Nguyễn Hải Phụng đề xuất.
Một tiết học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Một tiết học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Năm học 2021-2022, qua rà soát, TP. Pleiku còn thiếu khoảng 279 giáo viên. Trong đó, một số trường có tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ. Theo Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Nguyễn Đình Thức, trước tình hình này, ngành đã tiến hành rà soát và điều động nội bộ giáo viên giữa các trường tiểu học, THCS (36 người với 266 tiết) để tiết kiệm biên chế và giảm số môn thừa-thiếu giáo viên. “Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì quá trình dạy tăng thay kéo dài thì chất lượng sẽ không đảm bảo. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các cấp bổ sung biên chế tối thiểu để đảm bảo việc dạy học, nhất là yêu cầu học 2 buổi/ngày và tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp đối với bậc tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”-ông Thức thông tin.
Những năm qua, Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ và UBND cấp huyện đi tìm lời giải cho “bài toán” thiếu giáo viên và hạn chế tối đa tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, qua 3 năm thực hiện chủ trương sáp nhập trường và điểm trường, toàn tỉnh đã giảm được 10 trường mầm non, 68 trường tiểu học, 48 trường THCS, tăng 42 trường tiểu học và THCS. Cùng với đó, giảm được thêm 515 lớp ở các trường công lập và 406 điểm trường. Điều này góp phần làm cho tình trạng thừa-thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh phần nào “giảm nhiệt”. Trong các đợt thanh tra, kiểm tra, đánh giá ngoài kiểm định chất lượng giáo dục, khi phát hiện các trường học bố trí số học sinh/lớp đạt thấp so với mức quy định tối đa của Bộ GD-ĐT, Sở cũng đã kịp thời nhắc nhở và yêu cầu đơn vị sắp xếp lại lớp học cho phù hợp. 
Các cơ sở mầm non trên địa bàn TP. Pleiku cũng phấn khởi đón trẻ đến trường và đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
Các cơ sở mầm non trên địa bàn TP. Pleiku cũng phấn khởi đón trẻ đến trường và đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định: Việc phổ cập giáo dục, huy động trẻ đến trường và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến nhu cầu về giáo viên càng trở nên bức thiết. Do đó, thời gian đến, ngành sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác phối hợp rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, gắn với việc hỗ trợ xe đưa đón cho những học sinh ở xa nhằm duy trì sĩ số, đảm bảo đội ngũ và chất lượng dạy học; thực hiện điều tiết, biệt phái giáo viên giữa các trường; đồng thời, tham mưu, đề xuất về vấn đề bổ sung biên chế. Để đạt hiệu quả như mong muốn, cần có sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm cụ thể giữa Sở GD-ĐT, các ngành liên quan và UBND cấp huyện.
Mới đây, đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh do ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có đợt giám sát về “Công tác quản lý, sử dụng biên chế ngành Giáo dục tại các huyện, thị xã, thành phố năm học 2021-2022”. Theo đó, đoàn đã tiến hành giám sát trực tiếp tại UBND và 10 trường học trên địa bàn các huyện: Krông Pa, Kông Chro, Đak Đoa, Chư Păh và TP. Pleiku; đồng thời, giám sát qua báo cáo đối với các địa phương còn lại. Trên cơ sở nắm bắt thực trạng, đánh giá và phân tích nguyên nhân, đoàn đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đến Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT xem xét, bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để có hướng giao đủ biên chế tổ chức tốt các hoạt động dạy học. 
Các thành viên trong đoàn giám sát cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp sử dụng biên chế hợp lý và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc phân bổ biên chế; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên hợp lý hơn và khắc phục tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ trong từng trường và giữa các trường; khảo sát điều kiện, nhu cầu sáp nhập điểm trường, sáp nhập các trường để kéo giảm đơn vị đầu mối theo Nghị quyết số 19-NQ/TW; tổ chức tuyển đủ biên chế được giao. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để chủ động thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên dạy 2 cấp, dạy lớp ghép để bổ sung kiến thức mới cho giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ khác so với chuyên ngành được đào tạo.
HÀ PHƯƠNG - MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).